Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, 9 tháng qua VN nhập siêu 8,6 tỉ USD và dự kiến cả năm là 13,5 tỉ USD, tăng 5% so năm 2009. Riêng nhập siêu trong tháng 9 vừa qua, theo Bộ KH-ĐT là 1,05 tỉ USD, 80% trong số đó là nhập siêu từ Trung Quốc (TQ).
Theo thống kê mới nhất của Thương vụ VN tại TQ, trong 7 tháng đầu năm TQ xuất siêu sang VN 8,08 tỉ USD. Có 19 mặt hàng chính TQ xuất sang VN, từ thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (135,2 triệu USD); gỗ và các chế phẩm cùng loại (81 triệu USD); giày dép, mũ; tạp hóa (124,1 triệu USD); da, giả da và các chế phẩm cùng loại... cho đến phương tiện vận tải (389,3 triệu USD), thiết bị quang học, y tế (168,5 triệu USD). Đáng chú ý là những mặt hàng có tỷ trọng kim ngạch trên 1 tỉ USD như hàng cơ điện, máy móc thiết bị 3,57 tỉ USD; nguyên phụ liệu, hàng dệt may 2,27 tỉ USD; sắt thép, kim loại màu 1,69 tỉ USD và khoáng sản các loại (bao gồm xăng dầu) 1,06 tỉ USD.
|
Ham máy móc giá rẻ
Con số 3,57 tỉ USD nhập khẩu máy móc thiết bị TQ rất đáng xem xét. Vì sao chúng ta nhập quá nhiều máy móc thiết bị của TQ trong khi hầu hết các doanh nghiệp (DN) sử dụng máy móc TQ đều thừa nhận, máy móc TQ hao tốn điện hơn các loại máy tân tiến của châu Âu, Mỹ. Chưa kể các loại máy móc TQ gây ô nhiễm môi trường hơn bình thường, tuổi thọ của máy cũng không cao.
“Nhìn xa hơn nữa là phải phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là lĩnh vực phù hợp với năng lực, vốn liếng của DN VN nhưng lâu nay họ chưa hiểu hết”. Ông Huỳnh Văn Minh |
Ông Đinh Thành Trung, Giám đốc sản xuất Công ty CP Saga, chuyên về đồ gỗ (có nhà máy ở Hà Nội), cho biết hầu hết máy móc của nhà máy đều nhập từ TQ. “Giá cả máy móc TQ là hợp lý với khả năng đầu tư của chúng tôi. Nếu đầu tư máy móc của châu Âu để sản xuất những sản phẩm cao cấp, chi phí sẽ rất cao”, ông Trung nói.
Phó TGĐ một công ty sản xuất vật liệu xây dựng ở TP.HCM cho biết, nếu tính ngắn hạn, thì đầu tư công nghệ giá rẻ của TQ sẽ nhanh chóng mang lại lợi nhuận cho DN vì chi phí đầu tư, khấu hao nhanh, giá thành sản phẩm thấp. Cụ thể, để đầu tư một nhà máy có công suất 1.000 tấn vật liệu nếu trang bị máy móc thiết bị châu Âu vốn có thể lên tới 100 triệu USD, nhưng nếu mua của TQ thì chỉ còn 1/2 con số này.
Một yếu tố khác, theo nhiều DN, là cơ chế bán hàng rất thoáng của DN TQ khi họ cho DN VN được “ghi nợ”, thanh toán chậm. Điều này rất quan trọng khi phần lớn DN trong nước, nhất là các DN vừa và nhỏ đang rất thiếu vốn, lãi vay ngân hàng thì quá cao.
|
Chưa thể cắt bỏ?
Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể giải bài toán nhập siêu TQ cần phải nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Đầu tiên là ở mặt hàng máy móc thiết bị, nếu điều chỉnh được sẽ góp phần rất lớn giảm nhập siêu chung của VN.
Bên cạnh đó, PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng nếu chúng ta tiếp tục coi việc lắp ráp linh kiện điện tử để xuất khẩu là một trong những dòng hàng xuất khẩu chủ lực thì không thể tránh khỏi phải nhập nguyên liệu từ TQ và các nước xung quanh, trong đó TQ có lợi hơn về mặt thương mại. Hơn nữa, VN hiện vẫn coi hàng dệt may, da giày là mặt hàng chủ lực thì dòng nhập nguyên liệu bao gồm nguyên vật liệu bông, sản phẩm phụ kiện của may mặc từ TQ là chưa thể cắt bỏ.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, không thể phủ nhận trong ngắn hạn, dòng hàng nhập từ TQ đã giúp cung cấp những nguyên liệu đầu vào, một số sản phẩm phụ trợ, thiết bị để phát triển ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên về lâu dài nếu tình trạng này tiếp diễn, thì VN sẽ tiếp tục kéo dài tình trạng công nghiệp lạc hậu, công nghệ thấp, tiêu hao năng lượng nhiều, kéo theo đó sản phẩm của VN kém cạnh tranh, từ đó dẫn đến giá trị xuất khẩu bị hạn chế. VN tiếp tục phải nhập siêu.
TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đề xuất, để giải bài toán nhập siêu TQ, VN cần phải tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng gia tăng công nghiệp phụ trợ ở trong nước, giảm phụ thuộc vào luồng hàng, sản phẩm do công nghiệp phụ trợ TQ cung cấp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần gia tăng các công cụ kỹ thuật để quản lý chất lượng hàng nhập khẩu, nhất là máy móc thiết bị, chống hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào VN...
Theo Báo Thanhnien
(HBĐT) - Đến nay, huyện Lương Sơn đã triển khai xây dựng 161 công trình xây dựng cơ bản gồm các nguồn vốn, với tổng mức đầu tư 978,805 tỉ đồng.
(HBĐT) - Ngày 1/10, tại xã Hợp Kim, huyện Kim Bôi, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất giống nông hộ vụ mùa năm 2010.
Từ hôm nay (1-10), thông tư 13 chính thức có hiệu lực, một số ngân hàng đã công bố điều chỉnh lãi suất tiết kiệm VND, USD và vàng. Trong đó đã có ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất tiết kiệm tiền đồng, nhưng cũng có một số ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lãi suất huy động USD và vàng.
Giá vàng trong nước tăng đột biến và luôn cao hơn thế giới. Người dân gần như không mua - bán vàng, nguồn cung bị hạn chế, trong khi đối tượng vay vàng ồ ạt mua để trả nợ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 9/2010, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 574.000 tỷ đồng, gấp hơn hai lần cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt 6,5%) và cao hơn so với kế hoạch năm (12%), công nghiệp được đánh giá là ngành có tốc độ tăng trưởng khá nhanh.
Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đánh giá, trong năm 2010, các tổ chức kinh tế nhà nước đã khắc phục khó khăn đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh song hành với tiết kiệm, chống lãng phí, nên số thu ngân sách tăng trên 29% so với năm 2009.