TS Nguyễn Ngọc Bảo

TS Nguyễn Ngọc Bảo

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa ký ban hành Thông tư 22 quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay, 29-10. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Ngọc Bảo (ảnh), Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, về thông tư này.

 

- PV: Thưa ông, trước khi NHNN ban hành Thông tư 22, cơ chế và tình hình huy động, cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) như thế nào?

TS NGUYỄN NGỌC BẢO: Năm 2000, thực hiện chủ trương của Chính phủ đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH, khai thác nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, NHNN đã ban hành Quyết định số 432 ngày 3-10-2000 về nghiệp vụ huy động vốn và sử dụng bằng vàng, bằng VND đảm bảo giá trị theo giá vàng của các TCTD.

Theo đó, TCTD được phép thực hiện nghiệp vụ này là các TCTD được phép hoạt động ngoại hối; TCTD huy động vàng dưới hình thức phát hành chứng chỉ huy động vàng có kỳ hạn; huy động bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng dưới hình thức tiết kiệm có kỳ hạn hoặc phát hành chứng chỉ; sử dụng vốn huy động bằng vàng để cho vay bằng vàng đối với khách hàng nhằm đáp ứng cho nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống; chuyển đổi một phần vốn huy động bằng vàng thành vốn VND nhưng không vượt quá 30% vốn huy động bằng vàng để kinh doanh. Đến nay, có 23 TCTD huy động và cho vay bằng vàng. Tính đến cuối tháng 9-2010, số dư huy động bằng vàng là 92,6 tấn, tương đương 73.000 tỷ đồng, các TCTD cho vay chỉ chiếm 60% so với vốn huy động bằng vàng.

- Trong nền kinh tế còn cất trữ và lưu thông một lượng vàng khá lớn, có ý kiến cho rằng đây là nguồn lực cần được huy động phục vụ đầu tư phát triển, nhưng vì sao cơ chế mới do NHNN ban hành lại theo hướng thu hẹp việc huy động và cho vay, thưa ông?

Ở nước ta, người dân có thói quen mua vàng để cất trữ, định giá, thanh toán. Thời gian gần đây, giá vàng biến động lớn, tách rời giá trị, đầu cơ gia tăng; việc lưu thông vàng, huy động và cho vay bằng vàng của các TCTD tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các TCTD. Thể hiện cụ thể là các chủ thể đầu tư trong nền kinh tế (Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và TCTD) có thể huy động được vốn bằng vàng, nhưng khả năng sử dụng vốn bằng vàng gặp khó khăn là do rất khó bảo toàn vốn và sinh lời theo giá vàng, giá vàng biến động phức tạp, tăng với biên độ lớn.

Thứ hai, việc huy động và cho vay bằng vàng mở rộng, làm tăng tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, tăng hiện tượng đầu cơ, thị trường “ngầm” về vàng diễn biến phức tạp, nhập lậu vàng tăng, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá. Thứ ba, thực tế thời gian qua, việc cho vay vốn bằng vàng của TCTD tập trung chủ yếu ở lĩnh vực phi sản xuất, đây là lĩnh vực Nhà nước không khuyến khích. Thứ tư, đối với kinh doanh của TCTD, rủi ro trong cho vay vàng và chuyển đổi nguồn vốn bằng vàng thành VND tăng lên, khi giá vàng tăng cao và chưa có biện pháp khả thi để phòng ngừa rủi ro giá vàng; các TCTD mới sử dụng 60% số vốn huy động vốn bằng vàng, hiệu quả kinh doanh thấp. Với tình hình thực tế và tồn tại này, việc sửa đổi cơ chế huy động và cho vay vốn bằng vàng theo hướng thu hẹp là phù hợp.

- Cụ thể cơ chế mới về huy động và cho vay vốn bằng vàng theo Thông tư 22 có những thay đổi gì so với quy định trước đây?

Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo NHNN chủ động thực hiện các biện pháp, kể cả việc điều chỉnh, sửa đổi các quy định hiện hành về huy động, cho vay vàng của các TCTD phù hợp với tình hình và đặc điểm lưu thông, kinh doanh vàng của nước ta. Theo đó và trên cơ sở đánh giá cụ thể tình hình, mặt được và chưa được của việc huy động và cho vay bằng vàng của TCTD, NHNN đã ban hành Thông tư 22 quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD thay thế Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN.

Thông tư quy định TCTD được huy động vốn bằng vàng dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá, chỉ được cho vay vốn bằng vàng để sản xuất (chế tác) và kinh doanh vàng trang sức (không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng). TCTD không được chuyển đổi vốn bằng vàng thành VND, đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền trước đây phải giảm dần và tất toán chậm nhất là ngày 30-6-2011; đồng thời không được huy động và cho vay bằng VND bảo đảm giá trị theo giá vàng; không hồi tố đối với các giao dịch huy động và cho vay bằng vàng được thực hiện trước ngày Thông tư 22 có hiệu lực thi hành.

Điều này cho thấy, NHNN đã thực hiện giải pháp nhằm thu hẹp đáng kể hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD nhưng không hồi tố đối với các giao dịch trước đây, để tránh những tác động không thuận lợi đối với tài chính của TCTD và thị trường ngoại hối.

- Cơ chế mới không cho phép các TCTD chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành tiền và còn quy định thời hạn tối đa là 30-6-2011 phải tất toán số tiền chuyển đổi trước đây. Vậy mục đích của quy định này là gì? 

Theo Quyết định số 432/2000/QĐ-NHNN trước đây, TCTD được chuyển tối đa 30% vốn bằng vàng huy động được thành tiền để TCTD sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động bằng vàng trong kinh doanh, nhưng thực tế việc bảo toàn vốn cho vay gặp khó khăn, có ít TCTD thực hiện việc chuyển đổi. TCTD thực hiện việc chuyển đổi rất dễ bị rủi ro kinh doanh, do không duy trì trạng thái vàng và không thực hiện được bảo hiểm giá vàng biến động mạnh. Đã có hiện tượng TCTD sử dụng nguồn vốn bằng tiền chuyển đổi để quay vòng đầu cơ vàng và ngoại tệ, ảnh hưởng xấu đến thị trường ngoại hối và tỷ giá.

Mặt khác, việc chuyển đổi vốn bằng vàng thành tiền đã kích thích nhiều TCTD mở rộng huy động để cho vay bằng vàng với lãi suất cao đối với lĩnh vực phi sản xuất mà Nhà nước không khuyến khích. Để khắc phục rủi ro, tồn tại này, trong thông tư mới ban hành không cho phép TCTD thực hiện việc chuyển đổi vốn huy động bằng vàng.

- Xin ông cho biết tác động của việc ban hành thông tư này đối với hoạt động kinh doanh của TCTD và thị trường tiền tệ, ngoại hối?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN ban hành cơ chế mới theo hướng thu hẹp huy động và cho vay bằng vàng, là việc làm tiếp theo của các giải pháp đã thực hiện từ đầu năm nay như cấm hoạt động đối với các sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, cho phép nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng chống nhập lậu vàng. Cơ chế mới được thực thi sẽ góp phần tích cực khắc phục những tồn tại việc lưu thông vàng trong nền kinh tế, khắc phục rủi ro về kỳ hạn, thanh khoản và lãi suất đối với TCTD huy động và cho vay bằng vàng.

Đối với nền kinh tế và thị trường ngoại hối sẽ giảm nhập lậu, đầu cơ vàng và ngoại tệ, góp phần ổn định thị trường ngoại hối và tiền tệ. Một khối lượng vàng đầu tư và đầu cơ trên thị trường trong nước chuyển dần thành vốn bằng tiền (VND, ngoại tệ) để đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, thông qua các công cụ huy động của ngân sách nhà nước, các TCTD, doanh nghiệp. NHNN sẽ theo dõi sát tác động của cơ chế mới và diễn biến của thị trường để tiếp tục có giải pháp hợp lý, cần thiết theo hướng thu hẹp dần các giao dịch bằng vàng trong nền kinh tế.

 

                                                                                   Theo SGGP

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Doanh nghiệp FDI đạt mức tăng trưởng khá.
Nghề chổi chít tạo việc làm cho nhiều lao động ở huyện Kỳ Sơn.

Mở đường cho chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá

(HBĐT) - Đó là quyết tâm của Công ty TNHH Một Thành Viên Hà Phương khi đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn xã Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ.

Cá tra, basa xuất khẩu đều phải sử dụng tên basa

Theo Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ ngày 31/12, tất cả các sản phẩm chế biến từ cá tra, cá basa để xuất khẩu đều phải sử dụng tên thương mại in trên bao bì là cá basa (Pangsius hypoththalmus).

Nhiều ngân hàng lãi lớn

Theo kết quả kinh doanh quý 3-2010, nhiều ngân hàng đã đạt mức lợi nhuận khá cao. Cụ thể Ngân hàng Công thương VN (mã chứng khoán CTG) với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.120 tỉ đồng và lũy kế chín tháng đầu năm đạt hơn 2.769 tỉ đồng.

Thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu

Nhà xuất khẩu tìm đến bảo hiểm tín dụng xuất khẩu để tránh rủi ro. Chưa có chính sách thúc đẩy phát triển hình thức bảo hiểm này

Thép xây dựng tăng từ 100.000- 150.000 đồng/tấn

Sau lần giảm giá vào trung tuần tháng 9/2010, mới đây giá bán thép xây dựng đã tăng nhẹ trở lại.

Phát triển du lịch, dịch vụ chất lương cao

(HBĐT) - Tỉnh Hoà Bình được thiên nhiên ưu đãi có nhiều núi non, rừng nguyên sinh, hang động, sông, hồ và nhiều khi bảo tồn thiên nhiên phong phú, đa dạng, nguyên sơ là những tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục