Để chuẩn bị cho các dịp lễ cuối năm 2010 như: Noel, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Mão, hai TP lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai công tác dự trữ hàng, cùng với việc quyết tâm thực hiện các biện pháp bình ổn.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý đều phải thừa nhận, việc tăng giá trong dịp lễ tết cuối năm là khó tránh khỏi.
Giá sẽ tiếp tục tăng
Với đà tăng mạnh của tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của HN tiếp tục tăng ở mức 1,93% và TPHCM tăng 1,73%. Sở Công Thương HN đã kiểm tra thực tế tại các chợ bán buôn thấy tình trạng tăng giá không nhiều, nhưng tại các chợ bán lẻ giá tăng mạnh. Giá tại các chợ bán lẻ tăng chủ yếu do tác động tâm lý của người kinh doanh, tự ý nâng với lý do chi phí vận chuyển tăng. Thực chất, nguồn hàng không thiếu. Cụ thể trong tháng 9, 10, trong thời điểm thị trường thịt lợn tăng giá, các doanh nghiệp HN đã nhập từ các tỉnh phía nam trung bình từ 250 – 300 con lợn/ngày, thì nay chỉ có chưa đến 100 con/ngày.
Dự báo giá cả dịp lễ cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, theo ông Nguyễn Văn Đồng – Phó Giám đốc Sở Công Thương HN: “Giá dịp tết tăng chủ yếu theo quy luật chung, giá tăng là khó tránh khỏi, mặc dù thành phố đang cố gắng kiểm soát vấn đề về giá. Nguyên nhân chính là do sức mua tăng cao, tâm lý của người bán hàng là trông chờ dịp lễ, tết để tăng giá”.
Tại TPHCM, trước tình hình thịt heo tại thị trường phía bắc đang cao hơn phía nam khoảng 5.000 đồng/kg, cộng với ảnh hưởng tình hình lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, thịt heo đang được giới kinh doanh đánh giá có thể sẽ hút hàng và tăng giá vào mùa tết sắp tới. Tuy nhiên, ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Cty Vissan - cho biết: “Hiện giá thức ăn chăn nuôi đang tăng, cộng với các chi phí phát sinh khác nhưng Cty đã lường trước được tình hình, nên trong thời gian tới vẫn có thể làm chủ được nguồn cung, đảm bảo giá bán như cam kết”.
Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại dự trữ hàng thực phẩm, rau củ quả. Ảnh: X.L |
Bình ổn giá và chuẩn bị hàng tết
Từ tháng 6 đến nay, tại Hà Nội, 14 DN được vay tạm ứng 400 tỉ đồng để dự trữ 9 nhóm mặt hàng thiết yếu, với lãi suất 0% trong 10 tháng. HN đã có 396 điểm bán hàng bình ổn giá. Những tháng giá tương đối ổn định (tháng 7, 8, 9) những điểm bán hàng bình ổn khách mua không nhiều. Từ khi giá tại các chợ bán lẻ ở HN tăng thì nhiều tiểu thương đã vào các điểm bình ổn giá để mua hàng bán với giá chênh lệnh hoặc để dự trữ dần hàng tết. Để tránh tình trạng duy trì quá lâu 2 loại giá chênh lệnh giữa các điểm bình ổn và giá thị trường, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp tham gia bình ổn, Sở Công Thương HN đã bắt đầu triển khai việc cam kết giá theo tuần, để đảm bảo doanh nghiệp tham gia bình ổn điều chỉnh giá hợp lý dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.
Tại TPHCM, mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Tân Mão, nhưng hiện nay các DN tham gia chương trình bình ổn giá đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng 8 mặt hàng thiết yếu mà UBND đã thông qua, đảm bảo cung ứng cho thị trường đến tháng 3.2011. Theo Sở Công Thương, một số DN đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ vượt kế hoạch được giao như: Cty Vissan chuẩn bị cho tết 2.060 tấn thịt heo, Cty thực phẩm công nghệ chuẩn bị 2.250 tấn đường và 400 tấn dầu ăn; Cty Huỳnh Gia Huynh Đệ chuẩn bị 1.030 tấn thịt gia cầm; Cty Thành Công chuẩn bị 8.000 tấn thịt gia cầm; ...
Mặt khác, TPHCM đang có chủ trương tiến đến việc đa dạng hoá các mặt hàng bình ổn, nhằm hạn chế việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường. Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương - nhằm đa dạng hoá nguồn hàng, TP mời gọi các DN có khả năng cung ứng các mặt hàng, chẳng hạn như thủy hải sản như tôm, cá, mực... đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá. TP sẽ không hạn chế số lượng các DN ở TP và các tỉnh đăng ký tham gia. Khi được chọn, các DN dù không được hỗ trợ vốn nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của TP. Nếu thực hiện tốt, sở sẽ đề xuất UBND xem xét đưa vào danh sách những DN tham gia và được hỗ trợ vốn vào năm sau.
Không chỉ các DN tham gia chương trình bình ổn giá đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Tân Mão, hiện nhiều DN và hệ thống phân phối cũng đã có kế hoạch. Sở Công Thương HN dự kiến từ tháng 12.2010 – 2.2011 mức tiêu thụ hàng hoá sẽ tăng cao, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ tại Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng 20 – 30% so với các tháng trong năm ước khoảng 20.200 tỉ đồng/tháng.
Trên cơ sở xác định nhu cầu tiêu dùng một số nhóm hàng thiết yếu, Sở Công Thương đã chỉ đạo các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn dự kiến đưa ra thị trường với số lượng: 2.600 tấn gạo các loại, 40 triệu lít xăng dầu, 2.400 - 3.000 tấn thịt lợn, thịt bò,... Các siêu thị, trung tâm thương mại dự trữ tiền hàng khoảng 1.200 tỉ đồng.
Cùng với việc kiểm soát chặt mặt hàng bình ổn giá, Sở Công Thương HN tiếp tục tổ chức tiếp 7 phiên chợ Việt để đưa hàng về nông thôn, để người dân có thể tiếp cận được hàng bình ổn với giá ổn định.
Theo Báo Laodong
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 của Hà Nội và TPHCM tăng 1,93% và 1,73% so với tháng trướcTheo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Hà Nội tăng 1,93% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong 9 tháng trở lại đây. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI của Hà Nội đã tăng 11,41%.
Đây là một điểm mới trong Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay, mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá (GTCG) giữa các tổ chức tín dụng (TCTD).
(HBĐT)- Là địa bàn trung tâm của huyện Mai Châu, nhu cầu về đất để xây dựng công trình phúc lợi, các dự án phát triển KT-VH-XH, QP-AN là rất lớn, trong khi quỹ đất công lại hạn hẹp. Để có mặt bằng triển khai thực hiện các dự án, thị trấn Mai Châu đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng và tình nguyện hiến đất xây dựng các công trình trên địa bàn.
(HBĐT) - Anh Bùi Văn Tòng, xóm Chiềng 3, xã Vĩnh Đồng (huyện Kim Bôi) cẩn thận trồng từng củ khoai tây giống trên những luống đất thẳng tắp, tơi xốp. Vừa làm việc anh vừa nói, cười rôm rả kể về chuyện đồng áng. Câu chuyện anh say sưa, tâm đắc nhất là 12 năm nay, gia đình anh là một trong những hộ trồng khoai tây vụ đông sớm nhất ở xã, diện tích lớn nhất, năng suất luôn đạt cao.
(HBĐT) - Năm 2010, Ngân hàng CSXH tỉnh có tổng nguồn vốn hoạt động 1.166.380 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn cân đối từ T.W 1.085.098 triệu đồng, vốn huy động gần 10 tỉ đồng, nguồn vốn khác gần 60 tỉ đồng...
Hội nghị lúa gạo quốc tế (IRC) lần thứ ba do Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức tại Hà Nội ngày 9-11-2010 đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc góp sức bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Với sản lượng lúa chiếm hơn 90% số sản lượng các cây lương thực có hạt, Việt Nam đang trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.