Trong những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH. Ngày 1-12-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1734/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020. Mục tiêu là xây dựng mạng đường bộ cao tốc quốc gia hoàn chỉnh, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Mạng đường bộ cao tốc gồm 22 tuyến
Đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc là yêu cầu tất yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Mục tiêu Chính phủ đề ra là nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu chính, đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao, trong đó tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Các tuyến cao tốc nối những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tuyến ra cảng biển lớn cũng được ưu tiên. Đường bộ cao tốc được thiết lập tách biệt nhưng bảo đảm liên kết với mạng đường bộ hiện có. Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, định hướng phát triển KT-XH đến năm 2020; định hướng phát triển kinh tế của 3 vùng kinh tế trọng điểm; chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn ngoài 2020… mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 22 tuyến, dài 5.873km. Theo quy hoạch, các tuyến được chia theo cụm, gồm tuyến cao tốc Bắc-Nam dài khoảng 3.262km, hệ thống cao tốc khu vực phía Bắc gồm 7 tuyến hướng tâm kết nối với Hà Nội dài 1.099km, hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên dài 264km, hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam dài 984km và hệ thống vành đai cao tốc tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Việc sớm đầu tư, hoàn thành hệ thống đường cao tốc sẽ là động lực vô cùng quan trọng cho mỗi khu vực cũng như quốc gia, bởi hệ thống đường bộ hiện tại đã không thể theo kịp tốc độ phát triển KT-XH, đặc biệt là tại những đô thị lớn.
Bài toán vốn
Việt Nam là quốc gia đang phát triển và thời gian qua có không ít dự án hạ tầng quan trọng phải sử dụng vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, nguồn vốn này đã và đang bị "cắt" bớt. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng giao thông (không chỉ là đường bộ) thời gian tới vẫn rất lớn. Trong Quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, có thể phân kỳ xây dựng để phù hợp với lưu lượng xe và khả năng huy động nguồn vốn. Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tạo vốn để đầu tư mạng đường bộ cao tốc, theo hướng khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Tại nhiều cuộc hội thảo bàn về phát triển đường cao tốc do Bộ GTVT tổ chức, khó khăn lớn nhất được nhắc tới là vốn. Tuy nhiên, tìm ra giải pháp để thu hút vốn không đơn giản. Những dự án đường cao tốc đã và đang triển khai hiện nay như: Ninh Bình- Cầu Giẽ, Hà Nội - Lào Cai, Láng - Hòa Lạc, Hà Nội - Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương… đều sử dụng vốn ngân sách, trái phiếu, vốn vay hoặc Chính phủ bảo lãnh vay, bảo lãnh phát hành trái phiếu. Việc thực hiện các dự án đường cao tốc không dễ dàng, chậm tiến độ vì nhiều lý do. Theo kế hoạch, trong năm 2010, tuyến Cầu Giẽ-Ninh Bình đã phải hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Đường Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) trước khi hoàn thành đã phải lùi tiến độ nhiều lần. Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án BOT, (xây dựng - khai thác - chuyển giao) được khởi công từ ngày 19-5-2008 với mục tiêu hoàn thành trong năm 2011, nhưng thực tế cho thấy điều đó khó trở thành hiện thực.
Năm 2011 là năm ngành GTVT gặp nhiều khó khăn về vốn xây dựng cơ bản. Nhiều dự án giao thông quan trọng đang đứng trước nguy cơ phải giãn tiến độ hoặc phải "khoanh" lại và không loại trừ khả năng điều đó cũng xảy ra đối với các dự án đường cao tốc. Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa dài 121km, đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 130km dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2011-2014… đang gặp khó khăn và nếu không có giải pháp tháo gỡ sẽ khó triển khai. Ngay dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình đã thực hiện phần lớn khối lượng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn sau khi Bộ Tài chính có văn bản kiến nghị tạm dừng cấp bảo lãnh cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phát hành trái phiếu với lý do hệ số nợ của VEC vượt quá mức quy định. Nếu không được bố trí vốn, khả năng hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn này từ ngày 30-6-2011 khó trở thành hiện thực.
Trong những năm thuận lợi về vốn, tốc độ thực hiện các dự án đường cao tốc đã chậm, với khó khăn về vốn hiện tại, nguy cơ đường cao tốc… “giảm tốc” đang hiển hiện.
Theo HaNoiMoi
Valentine năm nay rơi vào dịp sau Tết Nguyên đán nên giới kinh doanh quà tặng đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng để tung ra nhiều sản phẩm với mong muốn có thể làm hài lòng đại bộ phận các “thượng đế”. Ngoài hai vật phẩm truyền thống là hoa hồng và chocolate, thị trường quà tặng năm 2011 có sự góp mặt của nhiều mặt hàng phong phú, bắt mắt, khá độc đáo kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Vào giữa năm 2010, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã trở thành thành viên chính thức của Liên minh toàn cầu SkyTeam, với tư cách là đối tác chiến lược của SkyTeam tại khu vực Ðông - Nam Á
(HBĐT) - Nhớ lại cách đây mươi năm, cả tỉnh chỉ có vài trăm doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp thực sự có “ tầm” chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đến nay, cả tỉnh đã có trên 1.700 doanh nghiệp đang thực sự là lực lượng chủ công trong phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã tạo sự phát triển bền vững từ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng.
(HBĐT) - Sau Tết Nguyên đán Tân Mão, nắng ngời lên rạng rỡ. Một luồng sinh khí ấm áp chan hòa tràn ngập khắp đất, trời xuân. Gặp gỡ doanh nhân lại thêm một lần nữa thấy ở họ khát vọng làm giàu chính đáng cùng những tâm tư, trăn trở, những cố gắng khắc phục khó khăn để làm giàu cho bản thân và xây dựng quê hương giàu đẹp.
(HBĐT) - Thực hiện công tác quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi, đảm bảo điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất, trong năm qua, ngành Nông nghiệp đã tiến hành duy tu, bảo dưỡng 53 công trình với tổng số tiền 564,3 triệu đồng trích từ nguồn vốn sửa chữa thường xuyên và thực hiện đầu tư, khắc phục sửa chữa các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng do thiên tai gây ra bằng nguồn vốn XDCB, phục vụ sản xuất tưới, tiêu trên 6.000 ha.
(HBĐT) - Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về dự án cải tiến nâng cao chất lượng giống bò sữa giai đoạn 2006 – 2010, UBND huyện Lương Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực thực hiện các mục tiêu của dự án.