Xuất khẩu đồ gỗ của VN năm 2010 đạt kỷ lục với hơn 3,4 tỉ USD, nhưng ngành gỗ VN vẫn phát triển thiếu bền vững, sức cạnh tranh yếu và ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Hiệp Long (Bình Dương) - Ảnh: L.Sơn

Do nhập khẩu tới 80% gỗ nguyên liệu nên lợi nhuận ròng của ngành đạt thấp, khoảng 5-7%. Ngành gỗ VN đang đứng trước nguy cơ trở thành các nhà máy gia công cho nước ngoài.

Lợi nhuận thấp

Chiều 24-3, tại xưởng sản xuất Công ty CP chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh (huyện Cư Jút, Đắk Nông) chỉ có khoảng 100 công nhân làm việc thay vì trên 200 công nhân như trước. Ông Trịnh Hữu Hòa, phó giám đốc công ty, cho biết trước đây lượng hàng xuất khẩu qua thị trường Nhật đều đặn 6-8 container/tháng nhưng nay chỉ còn 2 container/tháng. “Đối tác Nhật nhiều lần đề nghị ký những đơn hàng lớn song chúng tôi không thể đáp ứng vì giá gỗ cao su biến động thất thường và không đủ nguồn cung” - ông Hòa cho hay.

Hoạt động của Festival lâm sản Việt Nam lần 1 tại Bình Định

* Ngày 26-3

8g: Khai mạc Hội chợ triển lãm đồ gỗ và lâm sản Việt Nam năm 2011 tại quảng trường lớn trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn. 13g30: Khai mạc Giải cầu lông các doanh nghiệp gỗ và lâm sản Việt Nam năm 2011 tại nhà thi đấu TDTT Bình Định. 15g: Liên hoan văn hóa ẩm thực ba miền tại khu du lịch Ghềnh Ráng. 18g30: Khai mạc ‘’Con đường trực quan lâm sản Việt Nam’’ trên đường Nguyễn Tất Thành. 20g: Lễ khai mạc Festival lâm sản Việt Nam lần 1-2011 và chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng festival tại quảng trường lớn.

* Ngày 27-3

8g: Diễn đàn lâm nghiệp Việt Nam năm 2011 tại khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn.

* Ngày 28-3

20g: Lễ bế mạc Festival lâm sản Việt Nam lần 1-2011 và chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng thành công của festival tại quảng trường lớn. 21g30: Lễ bế mạc ‘’Con đường trực quan lâm sản Việt Nam’’ trên đường Nguyễn Tất Thành.

Theo thống kê, từ đầu năm 2011 hầu hết các loại gỗ nguyên liệu nhập khẩu tại các nước Mỹ, châu Âu đều tăng trung bình khoảng 100 USD so với đầu năm 2010. Các loại gỗ trong nước như cao su, keo, tràm cũng liên tục tăng giá. Giá gỗ cao su xẻ hiện ở mức 6,5 triệu đồng/m3, tăng khoảng 35% so với hai năm trước.

Giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng từ trước trở tay không kịp. Một mặt họ tìm kiếm những đơn hàng giá cao để bù lại những đơn hàng không lợi nhuận, mặt khác họ chọn giải pháp ký những đơn hàng ngắn hạn để giảm thiểu rủi ro. Bà Lã Thái Thùy Vân - giám đốc Công ty Danh Mộc (TP.HCM), chuyên xuất khẩu các sản phẩm kệ, tủ bếp sang châu Âu - cho biết những năm trước tỉ lệ lợi nhuận công ty có thể đạt được 7-10%, nhưng năm nay lợi nhuận có thể xuống dưới 5%, thậm chí không có lãi để giữ nhân công.

Trong buổi họp báo giới thiệu Festival lâm sản Bình Định, ông Trần Đức Sinh - chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN - cho biết giá gỗ nguyên liệu nhập và điện, nước, xăng dầu, nhân công... tăng cao khiến lợi nhuận ròng thu được từ hoạt động chế biến, xuất khẩu chỉ còn dưới 5% doanh thu. Như vậy, với giá trị kim ngạch xuất khẩu của năm 2010 đạt 3,43 tỉ USD, lợi nhuận ròng của ngành gỗ thu về chưa tới 180 triệu USD.

Phân tích của các chuyên gia cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận ngành gỗ ngày càng giảm (trước đây lợi nhuận đạt 10-20%) do VN phải nhập khẩu đến 80% gỗ nguyên liệu để sản xuất trong khi nguyên liệu gỗ chiếm 70% giá thành. Hơn nữa, tăng trưởng của ngành chế biến gỗ VN không hoàn toàn từ đổi mới công nghệ sản xuất mà chủ yếu là gia công và phụ thuộc nhiều vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã từ khách hàng nước ngoài.

Bao giờ hết ăn đong?

Ông Nguyễn An Điềm, tổng giám đốc Tổng công ty Sản xuất đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định (Pisico), kể cách đây 16 năm (năm 1995) khi các doanh nghiệp đồ gỗ VN vẫn chủ yếu sử dụng gỗ tự nhiên để chế biến thì đã có doanh nghiệp nước ngoài đến xin đất trồng rừng.

Đó là Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn, một đơn vị 100% vốn nước ngoài gồm các doanh nghiệp của Nhật Bản đứng ra đầu tư. Họ đã bỏ tiền ra thuê Công ty Pisico làm từ A-Z, từ xin đất đến trồng và bảo vệ rừng. Đến nay khi gỗ tự nhiên đã cạn, doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu gỗ thì Công ty trồng rừng Quy Nhơn lại có gỗ để khai thác xuất khẩu, thậm chí bán lại cho các doanh nghiệp VN.

Nhiều chuyên gia cho rằng cả nước có trên 10 triệu ha rừng nguyên liệu nhưng vẫn phải nhập lượng nguyên liệu quá lớn là điều bất hợp lý. Tuy nhiên theo các doanh nghiệp, đầu tư trồng rừng tại VN không dễ. Theo tính toán, để đầu tư rừng nguyên liệu từ khi làm đất đến khi thu hoạch (khoảng bảy năm) thì doanh nghiệp phải đầu tư khoảng 800-1.000 USD/ha. Ông Nguyễn An Điềm cho rằng doanh nghiệp trong nước không dễ gì đầu tư rừng bài bản như nước ngoài do thiếu vốn. Bên cạnh đó, theo ông Võ Trường Thành - tổng giám đốc Công ty Trường Thành (Bình Dương), việc xin cấp phép trồng rừng kéo dài 2-3 năm khiến không ít doanh nghiệp tâm huyết cũng phải nản lòng.

Ngoài ra, một trong những rào cản mới đối với xuất khẩu đồ gỗ VN là những chứng chỉ phát triển rừng bền vững (như chứng chỉ FSC). Bởi hầu hết những thị trường mà các doanh nghiệp đồ gỗ VN xuất khẩu như EU, Mỹ... đều đòi hỏi phải có chứng chỉ này. Chiến lược lâm nghiệp VN giai đoạn 2006-2020 đã xác định đến năm 2020 phấn đấu 30% diện tích rừng sản xuất (khoảng 2,6 triệu ha) có chứng chỉ rừng quốc tế. Thế nhưng hiện nay diện tích rừng có chứng chỉ của VN mới là 16.500ha. “Chúng ta hầu như chưa có biện pháp thực hiện gì để đạt được mục tiêu trên” - một chuyên gia về lâm nghiệp cho biết.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng để ngành gỗ VN phát triển bền vững, VN cần có chính sách và cơ chế đủ mạnh để các chủ rừng tập trung kinh doanh gỗ lớn (chu kỳ 10 năm trở lên), quy hoạch vùng nguyên liệu theo lợi thế của từng vùng cho từng loại cơ cấu sản phẩm, cụ thể như nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ (cả nhu cầu xuất khẩu và trong nước), nguyên liệu cho sản xuất ván nhân tạo, gỗ xây dựng trong nước...

 

                                                                           Theo Báo Tuoitre

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.
Không có hình ảnh

Giao ban dự án giảm nghèo quí I năm 2011

(HBĐT) - Ngày 25/3, BQL Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 đã tổ chức giao ban đánh giá hoạt động quý I - năm 2011.

Mai Châu thành công bước đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

(HBĐT)- Cánh đồng xóm Piềng Phung, xã Nà Phòn (Mai Châu) đang bước vào vụ mới. Đã quá buổi trưa, nhà nhà còn mải miết thu nốt lứa cải bắp, đậu cô ve kịp mang ra bán chợ ngoài thị trấn buổi chiều. Mùa này, cây ngô, đậu cũng đã lên xanh, bà con tập trung vun gốc, đưa nước từ các mỏ về đồng. Ông Khà Văn Bui - Trưởng xóm cho hay: Piềng Phung ít ruộng, chỉ cấy được vụ lúa. Vụ chiêm- xuân gần như toàn bộ diện tích cấy lúa của xóm bị hạn, bà con trong xóm chuyển sang trồng rau, màu. Cùng với tích cực chuyển đổi, tăng hiệu quả sử dụng đất, giá trị kinh tế mang lại cho bà con cũng rất đáng kể.

Đà Bắc: Chủ động Giữ nước để sản xuất bền vững

(HBĐT)- Xóm Bản Hạ và U Quang là hai xóm khó khăn nhất của xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc. Do địa hình nhiều đồi núi dốc nên hàng năm thường xảy ra thiếu nước nuôi lúa. Sau mỗi trận mưa, nước lại thoát ra ngoài suối. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, sau khi cấy xong UBND xã tuyên truyền vận động các hộ gia đình tận dụng mọi nguồn nước để đưa vào ruộng; dùng cây tre, nứa làm guồng nước để bơm từ suối vào ruộng. Để giữ nước các hộ be bờ ruộng cẩn thận, nện đất chặt để nước không thoát ra ngoài.

Điều chỉnh trên 1.160 ha đất rừng phòng hộ sang quy hoạch rừng sản xuất

(HBĐT)- Đó là nội dung vừa Công văn số 288/BNN-TCLN của Bộ NN& PTNT về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh. Theo đó, Bộ nhất trí với đề nghị của UBND tỉnh về việc điều chỉnh 1.160,3 ha đất rừng phòng hộ sang quy hoạch rừng sản xuất để phát triển KT- XH địa phương. Diện tích rừng phòng hộ này nằm rải rác trên địa bàn 7 huyện của tỉnh, thuộc cấp phòng hộ ít xung yếu, có vị trí thuận lợi giao thông và khu dân cư.

Kinh nghiệm nuôi ếch của ông Vòng

(HBĐT)- Nắm bắt thấy ếch là một mặt hàng mới, thuộc loại thực phẩm bổ dưỡng, giàu chất đạm, chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn, cho lợi nhuận cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi, ông Trần Văn Vòng, phường Phương Lâm (thành phố Hoà Bình) đã mạnh dạn đầu tư nuôi ếch. Theo giới thiệu của người bạn, ông Vòng đã về tận tỉnh Hà Tĩnh để mua ếch giống.

Giá sữa tăng – người tiêu dùng lo lắng

(HBĐT)- Từ đầu tháng 3/2011, việc các siêu thị, đại lý trên địa bàn thành phố Hoà Bình tăng giá bán các loại sữa bột nhập ngoại trung bình từ 5 – 18% đã làm cho người tiêu dùng lo lắng khi “hầu bao” của gia đình bị thâm hụt. Theo ông Hoàng Đức Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Sữa cũng chỉ là một trong những sản phẩm bị tăng giá trên thị trường hiện nay. Trước những biến động tăng giá vàng, giá USD và giá điện, xăng, dầu thời gian qua, nhiều nhà phân phối sữa ngoại tại Việt Nam đồng loạt tăng giá sữa. Các cửa hàng, đại lý, siêu thị phải điều chỉnh giá bán theo giá niêm yết của nhà phân phối.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục