Đầu tháng 7 này thị trường phát điện cạnh tranh sẽ vận hành thí điểm nhưng vẫn còn quá nhiều lo ngại từ “tàn dư” của cơ chế độc quyền.

Một mình đóng cả ba vai

Theo thiết kế chi tiết và Thông tư quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã được Bộ Công thương ban hành, Cục Điều tiết điện lực trực thuộc Bộ Công thương sẽ đóng vai trò giám sát thị trường.

Tuy nhiên, ông Phạm Mạnh Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (nay là Vụ trưởng Vụ Năng lượng - Bộ Công thương), trong một hội thảo được tổ chức tháng 8.2010 đã thẳng thắn nhìn nhận: dù được giao, nhưng Cục Điều tiết điện lực vẫn rất khó làm, và khó có thể tạo một thị trường điện cạnh tranh hoạt động hiệu quả nếu không tách công ty mua bán điện và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) ra khỏi EVN.


Vị thế của EVN vẫn khó lung lay trong thị trường mới - Ảnh: Ngọc Thắng

Bất cập ở chỗ khi thị trường vận hành, EVN vẫn tham gia với tư cách vừa là người sản xuất, vừa mua, vừa có quyền điều độ (Ao thuộc EVN).

Trao đổi với Thanh Niên về việc này, Phó tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành cho rằng: “Ao do EVN quản lý về hành chính, về chuyên môn và điều độ có những quy định, quản lý riêng mà EVN không can thiệp được. EVN cũng là một đơn vị tham gia thị trường, giám sát là Cục Điều tiết điện lực”.

Sẽ có 82 nhà máy điện (công suất từ 30 MW trở lên) tham gia thị trường trong đó EVN đóng góp khoảng 40 nhà máy (gồm các nhà máy 100% vốn EVN, các nhà máy cổ phần hóa hoặc hạch toán độc lập). Theo ông Thành, “chỉ có 4, 5 nhà máy thủy điện chiến lược phụ thuộc EVN như Hòa Bình, Trị An… có chức năng điều tiết thị trường, không tham gia chào giá. Vì sau này sẽ có tình trạng lúc cao điểm nhiều nhà máy chào, lúc thấp không ai chào, các nhà máy sẽ vận hành theo lợi nhuận, không theo điều tiết hệ thống, nên phải có một số nhà máy chiến lược dự phòng để ổn định hệ thống”.

Nhà máy nhỏ ra rìa

Năm 2008, Bộ Công thương trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành điện và đề xuất tách các nhà máy điện ra khỏi EVN và EVN chỉ còn làm việc truyền tải, phân phối và mua bán điện, đồng thời quản lý một số nhà máy điện thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, do EVN phản đối nên đề án này vẫn chưa được thông qua.

Lý giải việc các nhà máy điện công suất dưới 30 MW bị “gạt”, không được tham gia trực tiếp vào thị trường phát điện cạnh tranh, ông Thành cho rằng do các nhà máy này không đáp ứng được các điều kiện hạ tầng như đấu nối, đặt hệ thống đo đếm…

“Các nhà máy điện nhỏ vẫn phát lên lưới, nhưng giá không được điều chỉnh trên thị trường, mà thỏa thuận với EVN theo hợp đồng dài hạn về giá, sản lượng”, ông Thành nói. Tuy nhiên, không được tham gia chào giá trực tiếp đồng nghĩa việc xếp lịch huy động phát lên lưới sắp tới của các nhà máy này vẫn sẽ phụ thuộc vào EVN. Theo nhìn nhận của một chuyên gia trong ngành, dù thị trường phát điện cạnh tranh đi vào vận hành, các nhà máy điện nhỏ vẫn sẽ không được hưởng thị trường cạnh tranh thực sự và tình trạng không lên lưới giữa mùa cao điểm có nguy cơ lặp lại rất cao. Điều này đã xảy ra giữa mùa cao điểm thiếu điện vừa qua, nhiều nhà máy thủy điện nhỏ tại Kon Tum, Gia Lai đã kêu trời vì không được phát lên lưới. Lý do theo ông Thành là do quá tải đường truyền trong một số giờ cao điểm, và phần khác do dự báo sai phụ tải dẫn tới thừa nguồn.

Khó minh bạch

Theo quy định, các nhà máy tham gia sẽ trực tiếp chào giá phát điện, hoặc gián tiếp qua một đơn vị khác, trên cơ sở dự báo nhu cầu phụ tải và khả năng sẵn sàng của lưới điện truyền tải, nhà máy nào có giá chào thấp nhất sẽ được ưu tiên huy động trước. Trước mắt, sẽ chào giá theo ngày, ngày trước chào giá cho ngày sau. Theo ông Thành, khi các nhà máy chào giá (mức giá đưa ra duy nhất trong ngày), dựa trên cơ sở giá để được xếp lịch, nên ai chào cao sẽ bị xếp sau. Sau này khi quy định giá thị trường, dựa trên bình quân gia quyền các đơn vị tham gia, nếu đặt giá cao hơn giá thị trường, khi được xếp lịch huy động cũng chỉ được lấy theo giá thị trường.

Tuy nhiên, ông Tạ Văn Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, cho rằng để minh bạch hoàn toàn khâu chào giá, xếp lịch huy động không đơn giản. Theo phân tích của chuyên gia này, “thị phần EVN còn quá lớn so với các nhà đầu tư khác trong vấn đề phát điện. Cung - cầu thị trường điện hiện chưa phù hợp với cơ chế cạnh tranh. Thị trường cạnh tranh chỉ có ý nghĩa khi cung vượt cầu ở một tỷ lệ nhất định, mới khống chế được những nhà máy không vận hành tốt, giá phát điện cao”.

Cũng theo ông Hường, để minh bạch, Nhà nước thiết lập cơ chế điều hành thị trường do một cơ quan nhà nước (Cục Điều tiết điện lực) đứng ra điều hành, đặt luật chơi cho thị trường. Bất cập là luật chơi này vẫn đang dựa vào cơ cấu cũ của ngành điện như Ao hay trách nhiệm cung cấp điện năng vẫn dồn vào EVN nên rất khó đòi hỏi sự minh bạch của thị trường. Về lâu dài, ông Hường cho rằng, cùng với việc thị trường điện tiến dần vào các bước bán buôn, bán lẻ cạnh tranh, phải tái cơ cấu ngành điện, cụ thể là EVN để thị trường thực sự minh bạch và hiệu quả.

 

                                                                   Theo Báo Thanhninen

 

Các tin khác


Bảo vệ cây trồng vụ xuân trước thời tiết diễn biến cực đoan

Theo dự báo, thời điểm giao mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đối tượng, dịch bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa và cây trồng vụ xuân, ngành nông nghiệp và các đơn vị chuyên môn tích cực rà soát các địa bàn có nguy cơ xảy ra thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, đồng hành với nông dân, bám sát đồng ruộng để kịp thời kiểm soát sâu, bệnh gây hại, xử lý và khắc phục các tổn thất khi có tình huống xảy ra.

Xuất khẩu giày dép khởi sắc, nhưng vẫn đối mặt nhiều nỗi lo

Đơn hàng xuất khẩu giày dép đang dần hồi phục, tuy nhiên, ngành xuất khẩu đứng thứ 2 kim ngạch thế giới của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục