Chỉ số CPI “hạ nhiệt” sẽ giảm áp lực với người tiêu dùng. Ảnh: Thái Hiền
So với mức tăng 3,32% trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã "hạ nhiệt", chỉ tăng 2,21%. Giá một số mặt hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… tuy vẫn ở mức cao, song theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những tháng tới, giá các mặt hàng trên có xu hướng ổn định.
Các chuyên gia dự báo, nếu kiên trì thực hiện những biện pháp chống lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô đã được Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 11/CP, CPI sẽ dần ổn định trở lại.
Tháng 5, giá tiêu dùng chững lại
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5-2011 tăng 2,21% và cũng ghi nhận mức tăng CPI khác biệt của hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, CPI tăng 1,76% so với tháng trước, giảm mạnh so với mức tăng 3,32% của tháng 4. Trong đó, CPI của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 2,25%, hạ nhiệt đáng kể so với mức hơn 5% tháng trước. Các nhóm giao thông và nhà ở, vật liệu xây dựng chỉ tăng lần lượt 2,23% và 2,99%. Trong khi CPI của Hà Nội đã có dấu hiệu bớt căng thẳng, thì tại TP Hồ Chí Minh CPI tháng 5 vẫn tăng 2,38%. Một số nhóm hàng tăng cao, gồm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 4,25%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 3,77%)… Như vậy, 5 tháng qua, CPI đã tăng 10,86% so với tháng 12-2010.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) phân tích, so với tháng 4-2011, CPI tăng tới 3,32% thì có thể thấy tốc độ tăng giá đã phần nào dịu đi. Đây là tín hiệu đáng mừng vì tốc độ tăng CPI đã chậm hơn. Nhưng, nhìn lại đây vẫn là mức tăng CPI khá cao so với những năm gần đây, trừ năm 2008. 5 tháng đầu năm 2011, bình quân mỗi tháng CPI tăng gần 2,08%. Còn bình quân mỗi tháng trong 5 tháng đầu năm 2010, CPI chỉ tăng 0,9%. Mức tăng CPI vẫn ở mức cao do sự kiện tăng lương cơ bản từ ngày 1-5 đã tác động đến tâm lý và làm giá cả tăng theo. Đồng thời các đợt tăng giá xăng dầu thời gian trước đó (vào ngày 24-2 và ngày 29-3-2011) cũng tác động mạnh đến giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, khiến CPI chưa thể giảm mạnh. CPI của nhóm lương thực, thực phẩm tháng 5 tăng một phần do nguồn cung giảm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nguyên nhân chính làm tăng giá lại là chi phí vận chuyển. Đặc biệt, có kỳ nghỉ lễ dài ngày dịp 30-4 và 1-5, nhu cầu vui chơi giải trí tăng cao đã khiến nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,88%.
Kiềm chế tăng giá: Không thể chủ quan
Theo nhận định của các chuyên gia, việc CPI tháng 5 tăng chậm lại là dấu hiệu tích cực làm chậm đà lạm phát và củng cố thêm dự báo lạm phát sẽ chững lại trong quý II-2011. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phân tích, việc triển khai đồng bộ Nghị quyết 11 tại các địa phương đã phát huy hiệu quả trong việc hạn chế tốc độ tăng CPI. Thêm vào đó, trong tháng 5, do cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ cơ bản được bảo đảm, những chương trình khuyến mãi, giảm giá (điện máy, may mặc, dụng cụ gia đình, du lịch) với mức giảm 15-20% do các doanh nghiệp thực hiện đã góp phần làm giảm tốc độ tăng CPI.
Tuy nhiên, Cục Quản lý giá nhận định, thời gian tới nhu cầu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trên thị trường thế giới tiếp tục tăng trong khi nguồn cung ứng lại chậm hơn với chi phí sản xuất cao hơn… Đây là những nguyên nhân chính gây áp lực tăng giá nhiều loại hàng hóa, đồng thời làm gia tăng sức ép lạm phát đối với nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Trong nước, thời tiết đang vào mùa mưa bão, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, khả năng nắng nóng, mất điện tại một số vùng cũng có thể gây mất cân đối cung cầu cục bộ…
Căn cứ tình hình thực tế hiện nay, các chuyên gia dự báo, tháng 6 và 7, tốc độ tăng CPI sẽ giảm dần, song chưa thể giảm ngay xuống mức thấp. Tại Báo cáo Kinh tế thường niên do Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố mới đây cũng nêu rõ, những giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô được nêu tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cần được thực hiện đồng bộ. Nếu nghiêm túc triển khai, CPI cả năm 2011 dù ở mức hai con số, song vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Một kịch bản xấu hơn sẽ xảy ra với việc CPI cả năm tăng cao khoảng 18% và rất khó kiểm soát nếu Nghị quyết 11 không được kiên trì thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ những giải pháp của Chính phủ, nỗ lực cắt giảm đầu tư công, bảo đảm cung cầu hàng hóa, điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt theo tín hiệu thị trường… Những nỗ lực này sẽ góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và từng bước đưa chỉ số giá dần ổn định trở lại.
Theo HaNoiMoi
(HBĐT) - Tính đến trung tuần tháng 5, toàn tỉnh đã trồng mới 1.179 ha rừng, tăng 386 ha so với cùng kỳ. Các đơn vị triển khai tốt công tác trồng rừng gồm: Yên Thuỷ 251 ha, Lương Sơn 250 ha, Đà Bắc 230 ha; Lạc Thủy 185 ha; Lạc Sơn 156 ha; Kỳ Sơn 100 ha…
Từ chiều 26-5, Tổng cục Hải quan đã gặp gỡ để lựa chọn doanh nghiệp ưu tiên không phải kiểm tra hàng, kiểm tra sau thông quan, toàn bộ quá trình thông quan chỉ trong vài phút...
Phát triển sản phẩm mang tính khác biệt, có chất lượng cao nhằm tạo lợi thế cạnh tranh tại thị trường trong nước là một trong những kinh nghiệm mà nhiều doanh nghiệp (DN) đang áp dụng. Kinh nghiệm này giúp DN có thể chiếm lĩnh thành công thị trường trong nước nhờ sản phẩm được người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và chấp nhận.
Đầu phiên, thị trường tràn ngập sắc đỏ, hàng loạt cổ phiếu giảm sàn nhưng sau đó, thị trường bùng lên mạnh mẽ với hàng loạt mã tăng trần
(HBĐT) - Triển khai những giải pháp chủ yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh giao Cục thuế tỉnh phấn đấu tăng thu ngân sách 1.435 tỷ đồng (chưa tính các khoản thu ngoài cân đối), tăng 2,5% so với dự toán theo Nghị quyết HĐND tỉnh tăng 11,2% so với Chính phủ giao.
(HBĐT) - Giá cả nhiều loại hàng hóa tiếp tục tăng cao, nhất là đối với hàng hoa quả, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện máy. Trong lúc này, người tiêu dùng càng cần có những điều chỉnh hợp lý, lưu ý cắt giảm các khoản chi phí sinh hoạt không cần thiết.