Tuyến đường tại trung tâm TT Đà Bắc (Đà Bắc) đang được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại.
(HBĐT) - Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh, điểm xuất phát để phát triển KT- XH thấp. Có 11 xã (55%) thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Không cam chịu đói nghèo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đồng lòng nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bức tranh kinh tế của huyện đang từng ngày khởi sắc.
Lái xe Bùi Văn Thơ đưa chúng tôi về xã Vầy Nưa làm việc là người hay chuyện. Anh bảo, từ trung tâm huyện về Vầy Nưa chưa đầy 20 km, trước đây, mỗi lần xuống cơ sở làm việc, cán bộ huyện thường phải đi trọn một ngày đường mới tới nơi. Nhưng nay có đường nhựa chỉ “vù” chân ga ô tô khoảng nửa giờ là đến nơi. Từ khi tỉnh cho mở tuyến đường này, ba xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình là Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong thuận lợi hơn trong đi lại và sản xuất. Có ô-tô của thương lái vào tận nơi thu mua nông sản nên bà con tập trung phát triển cây ngô, trồng luồng nuôi cá lồng trong hồ, cuộc sống ngày thêm khá dần lên. Bà con phấn khởi lắm! Vui chuyện, quãng đường về Vầy Nưa dường như ngắn lại. Tôi ngỡ ngàng khi đứng trước cơ ngơi khá bề thế, liên hoàn “ từ trụ sở làm việc của xã đến trường THCS, trường tiểu học rồi Điểm bưu điện văn hóa xã”. Bí thư Đảng ủy Bàn Văn Xuôi giãi bày: Vầy Nưa là xã ĐBKK được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ. Hầu hết các công trình “đường- trường- trạm” của xã đều được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Vầy Nưa vinh dự được Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng công trình cấp điện vào dịp Quốc khánh 2 - 9 năm 2003. Từ ngày có công trình điện của Chủ tịch nước trao tặng, bản làng thêm sáng ấm tình người. Mọi người thường động viên nhau tích cực lao động sản xuất, chiến thắng đói nghèo xứng đáng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đến nay, mức thu nhập bình quân đạt gần 10 triệu đồng/người, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2003 khi Chủ tịch nước Trần Đức Lương lên thăm.
Cũng trong thời điểm này, cùng với việc đưa vào vận hành công trình cấp điện sinh hoạt cho xã Giáp Đắt, ngành điện lực Hòa Bình cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp 10KV lên 35KV bảo đảm cấp điện cho cụm xã vùng sâu Giáp Đắt- Mường Chiềng- Đồng Nghê. Tuyến đường giao thông 433 cũng được mở rộng và trải nhựa thông suốt từ thành phố Hòa Bình lên Đồng Nghê tạo thuận lợi cho sự giao lưu hàng hóa, đi lại của nhân dân. Lái xe Bùi Văn Thơ nói vui, câu ca dao “Bao giờ Giáp Đắt có kem/ Đồng Nghê có phở thì em có chồng” là lời than của những cô giáo miền xuôi khi lên đây dạy học đã lùi vào quá khứ bởi “đường - điện” đã thu hẹp khoảng cách giữa các xã vùng sâu với khu trung tâm huyện, nối thêm niềm vui mới để nhiều cô giáo chọn nơi này để xây tổ ấm hạnh phúc.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Sinh cho biết, Đà Bắc là huyện vùng cao của tỉnh, điểm xuất phát, để phát triển KT- XH thấp. Không cam chịu đói nghèo, đồng bào trong huyện luôn sát cánh bên nhau vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nghị quyết Đảng bộ huyện Đà Bắc nhiệm kỳ 2010- 2015 tiếp tục xác định “tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản để ổn định cuộc sống của người dân, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện”. Các xã đều tập trung vào cây lương thực để lo đủ “cái ăn” tại chỗ, khắc phục tình trạng đói khi giáp hạt; mở rộng trồng rừng gắn với vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ; phát triển chăn nuôi hàng hóa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mỗi nơi lại có những bước đi phù hợp với thực tế. Xã Cao Sơn tập trung đều cả ba lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi để phát triển kinh tế của xã và từng hộ dân. Cả 650 ha đất ngô của xã đều được trồng bằng các giống ngô mới cho năng suất cao. Bình quân mỗi năm, toàn xã thu hoạch khoảng 7.000 tấn ngô hạt. Nếu tính cả lúa, ngô, bình quân lương thực đầu người ở Cao Sơn đạt 1.000 kg/người/năm thuộc diện cao nhất tỉnh. Nhờ có nguồn lương thực dồi dào nên chăn nuôi ở Cao Sơn phát triển mạnh. Đàn gia súc, gia cầm ở Cao Sơn thường xuyên duy trì khoảng 3000 con lợn, hơn 1000 con trâu, bò và hàng chục nghìn con gà đồi - một sản phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Một nguyên nhân quan trọng tạo nên sự “đều tay” trong chỉ đạo, lãnh đạo ở địa phương này là các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều có quy chế làm việc nhằm phân công trách nhiệm cho từng thành viên, khắc phục tình trạng bao biện làm thay hay đùn đẩy trách nhiệm. Theo quy chế, hàng tháng, Thường trực Huyện ủy xuống làm việc trực tiếp với cơ sở. Kết quả từ những buổi làm việc ở cơ sở đã giúp cho tập thể lãnh đạo huyện có những quyết định đúng trong phát triển kinh tế. Ở chi bộ xóm, bản phân công đảng viên vận động quần chúng tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình. Đảng viên phải đi đầu làm gương cho mọi người noi theo. Trên thực tế đã xuất hiện nhiều gia đình đảng viên làm kinh tế giỏi, là “đầu tàu” thúc đẩy các phong trào ở xã. Đó là gia đình đảng viên Khương Mạnh Thu ở xã Cao Sơn nuôi lợn theo quy mô lớn với 16 con lợn mẹ, một con lợn đực để sản xuất giống nuôi lợn thịt. Tính bình quân từ 20- 30 ngày, anh Thu lại xuất một lứa lợn khoảng một tấn thịt lợn hơi, có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Con trai đầu của anh Thu, sau khi học xong cao đẳng thú y yên tâm ở lại nhà cùng chăm lo cho trang trại chăn nuôi của bố mẹ ngày càng phát triển. Đảng viên, thương binh hạng 4/4 Nguyễn Viết Nga (64 tuổi đời và 40 năm tuổi Đảng) ở thị trấn Đà Bắc đang sở hữu gần 1ha cây keo và công ty TNHH Hùng Nga tạo việc làm cho 10 lao động là con của các CCB trong khu vực. Mới đây, ông Nga lại đầu tư hơn 100 triệu đồng để nuôi nhím. Các con (hai trai, một gái) của ông bà đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung học nghề và có việc làm ổn định; trong đó có hai người là đảng viên.
Từ những chủ trương trong các nghị quyết của cấp ủy đến sự gương mẫu đi trước của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã khơi thông nguồn lực trong dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 14%; mức thu nhập đạt khoảng 10 triệu đồng/ người/năm; 97% số hộ dân có điện sinh hoạt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng Nghị quyết với nông- lâm nghiệp chiếm 52,5%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ổn định.
Dẫu vậy, Đà Bắc vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đó là tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn cao (gần 54%) và hệ thống giao thông xuống cấp. Đà Bắc là huyện duy nhất ở tỉnh ta không có tuyến quốc lộ đi qua. Trong khi đó, tuyến đường 433 từ thành phố Hòa Bình lên Đồng Nghê chỉ cách huyện Phù Yên (Sơn La) khoảng 10 km. Vì vậy, địa phương rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư mở tiếp đoạn đường này để nối thông sang tỉnh bạn. Thay cho lời tạm biệt trước lúc chia tay, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Sinh khẳng định: Khi tuyến đường 433 cùng hệ thống đường liên xã thuộc cụm xã ĐBKK phía bắc huyện hoàn thiện sẽ tạo thêm động lực để Đà Bắc tiếp tục vươn lên cùng các huyện bạn trên con đường đi tới ấm no, hạnh phúc.
Đặng Ngọc Oanh (TTV)
(HBĐT) - Chị Bùi Thị Phương, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) cho biết: Hội phụ nữ xã có 21 chi hội ở 22 địa bàn KDC với 715 hội viên. Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, Hội phụ nữ xã giúp nhau thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Mọi hội viên đều có thể tham gia chuyển dịch cây trồng- vật nuôi, các chi hội phân công từ 1- 3 hội viên khá giúp đỡ 1 hội viên nghèo.
(HBĐT) - Theo Sở Công Thương, đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong tỉnh đã xây dựng xong phương án dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng vận chuyển và cung cấp cho vùng bị thiên tai, lụt, bão.
(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy hiện có 14.717 hộ với 61.000 nhân khẩu, trong đó, có 10.530 hộ làm nông nghiệp ở 13 xã, thị trấn với 142 KDC. Một địa phương mà sản xuất nông nghiệp chiếm 40% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện thì vai trò của tổ chức Hội nông dân trong tuyên truyền, vận động nông dân tích cực phát triển kinh tế, cùng nhau xóa đói- giảm nghèo càng được phát huy đầy đủ, toàn diện hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố chương trình đối tác công - tư (PPP) nhằm nêu rõ định hướng tăng cường huy động vốn từ khu vực tư nhân thông qua mô hình PPP, phục vụ xây dựng hạ tầng và các lĩnh vực khác.
Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo về việc giảm đầu tư công song theo thống kê của Tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm 2011 rất ít địa phương làm được điều này. Chi tiêu công ở nhiều tỉnh còn vượt xa năm trước.
Bắt đầu từ hôm nay (1.6), giá bán lẻ gas trên thị trường tiếp tục giảm thêm 9.000đ/bình (12kg). Đây là lần giảm thứ 3 từ đầu năm đến nay.