Sẽ chưa có thay đổi nào về giá điện bán đến người sử dụng điện trong cả năm 2011 khi thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm được vận hành.

Thông tin này được ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - khẳng định vào sáng qua (1.7), tại buổi lễ chính thức khởi động thị trường điện cạnh tranh thí điểm do Bộ Công Thương tổ chức. 

Giá điện vẫn do Nhà nước quản lý

Theo thiết kế thị trường của Cục Điều tiết điện lực, từ 1.7 có 48 nhà máy điện trong tổng số 73 nhà máy có công suất từ 30MW trở lên được chào giá trực tiếp trên thị trường. Dự kiến, đến cuối năm sẽ có thêm 7 nhà máy nữa, nâng tổng số nhà máy chào giá trực tiếp lên 55, chiếm 61% tổng công suất đặt của toàn hệ thống. Các nhà máy điện BOT (Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3) sẽ do Cty mua bán điện chào giá thay để đảm bảo các bảo lãnh của Chính phủ trong hợp đồng BOT và trách nhiệm thanh toán.

Theo ông Đặng Huy Cường, khi thị trường vận hành, các đơn vị phát điện sẽ được quyền chủ động chào bán điện trên thị trường. Việc điều độ sẽ do Trung tâm Vận hành hệ thống và thị trường điện quốc gia (SMO) điều hành, căn cứ theo bản chào giá của nhà máy theo nguyên tắc huy động công suất các tổ máy có giá chào từ thấp đến cao cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của cả hệ thống.

Thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy thực hiện theo 2 cơ chế: 95% sản lượng điện năng được thanh toán theo hợp đồng mua bán điện dài hạn và chỉ khoảng 5% sản lượng còn lại được thanh toán theo giá thị trường cạnh tranh. Như vậy, tỉ lệ sản lượng điện thanh toán theo hợp đồng dài hạn vẫn chiếm áp đảo trong cơ cấu giá. Tỉ lệ này sẽ được điều chỉnh hằng năm để tăng tính cạnh tranh, nhưng sẽ không quá 10%.

Thị trường thí điểm cũng sẽ được vận hành theo 3 giai đoạn dự kiến từ 1.7 đến hết năm 2011. Cụ thể, giai đoạn 1: Việc chào giá, xếp lịch và thanh toán chỉ thực hiện trên giấy, còn điều độ và thanh toán thực tế vẫn áp dụng như hiện tại. Giai đoạn 2: Chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào, nhưng toàn bộ sản lượng điện năng vẫn thanh toán theo giá hợp đồng, chứ chưa theo giá thị trường. Giai đoạn 3: Chào giá, lập lịch và huy động thực tế theo bản chào, tính toán theo giá thị trường và từng bước thực hiện thanh toán theo thị trường đối với các đơn vị phát điện hội đủ điều kiện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết: Trong giai đoạn thí điểm, do giá điện vẫn do Nhà nước quản lý, nên dù giá cả giao dịch giữa các cơ sở phát điện với Cty mua bán điện như thế nào đi nữa thì người tiêu dùng vẫn chỉ phải trả tiền điện theo biểu giá Nhà nước quy định.

Thị trường điện cạnh tranh thí điểm vận hành từ ngày 1.7.     Ảnh: NGỌC HÀ
Thị trường điện cạnh tranh thí điểm vận hành từ ngày 1.7. Ảnh: NGỌC HÀ

Chưa thực sự cạnh tranh

Về phía người sử dụng điện, với việc cạnh tranh ở khâu phát điện thực tế chưa tác động trực tiếp đến giá điện. Cái được lớn nhất là thay đổi phương thức vận hành hệ thống, các đơn vị phát điện sẽ có động lực để cạnh tranh, giảm chi phí. Tuy nhiên, việc có giảm được chi phí thực sự hay không còn phụ thuộc vào cấu hình của từng nhà máy, loại nhiên liệu, mức độ khấu hao.

Ông Phạm Hồng Khánh - Phó TGĐ TCty Điện lực TKV (thuộc Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN) lo ngại: Hiện đa phần các nhà máy điện TKV đầu tư có công suất nhỏ (lớn nhất là NĐ Cẩm Phả 660MW), mới đầu tư nên khấu hao lớn, khó cạnh tranh được với các nhà máy điện của EVN có nhà máy đã hết khấu hao.

Điều mà dư luận quan tâm hơn cả là thị trường điện có đảm bảo sự công khai, minh bạch khi mà thiết kế thị trường vẫn còn nhiều dấu hỏi? Mang tiếng là cạnh tranh, nhưng về cơ cấu tổ chức, vẫn không có những thay đổi căn bản. Nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ các nhà máy điện lớn, giao EVN quản lý, kể cả các nhà máy này thì hiện EVN vẫn kiểm soát tới trên 60% tổng các nguồn phát điện.

Mô hình tổ chức theo ngành dọc vẫn còn khi EVN tiếp tục nắm toàn khâu truyền tải, phân phối, điều độ hệ thống, điều độ thị trường, thậm chí cả đơn vị mua duy nhất là Cty mua bán điện trước mắt vẫn thuộc EVN. Các nhà máy điện ngoài EVN hẳn sẽ không khỏi cảm thấy lo ngại cho sự thiếu minh bạch này.

Theo ông Ngô Sơn Hải - GĐ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia - tại thời điểm hiện nay, công suất dự phòng của hệ thống chỉ khoảng 10%, trong khi muốn thị trường điện vận hành hoàn hảo, công suất dự phòng đạt thấp nhất 20%. Với một thiết kế thị trường chưa hoàn chỉnh, giá điện vẫn do Nhà nước chi phối và ở mức thấp, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư thì khó có thể nói sẽ có cạnh tranh thực sự. Nhiều chuyên gia phân tích, với hiện trạng này, giá điện chào bán của các nhà máy chắc chắn sẽ không rẻ, thậm chí còn cao hơn giá EVN mua điện hiện nay.  

 

                                                                           Theo Báo Laodong 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục