Chỉ dùng thẻ ATM để rút tiền mặt, đặt mua hàng qua mạng rồi lại đến tận cửa hàng để trả tiền, phí nội mạng chồng phí ngoại mạng… những rắc rối ấy trong thực tế thị trường thanh toán điện tử hiện nay cho thấy nỗ lực khuyến khích người dân giảm bớt việc dùng tiền mặt trong thanh toán chưa đi đến đâu.

Thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua sắm - Ảnh: Thuận Thắng

Dân dè dặt, ngân hàng loay hoay thu phí

Ở một nhà hàng Ý tại Hà Nội, bất kể thực khách là người xứ nào, khi thanh toán đều được thông báo sẽ tính phụ phí 3% nếu chi trả bằng thẻ tín dụng. Chủ nhà hàng nói ông không gặp vấn đề gì với những người khách nước ngoài, song những chủ thẻ VN “có người thắc mắc khoản phí và rút tiền mặt ra trả”.

Người dùng dè dặt

“Dùng thẻ trong siêu thị mà phải xếp hàng chung với những người chi trả bằng tiền mặt, tôi thấy chẳng có lợi lộc gì về mặt thời gian. Chưa kể mỗi siêu thị chỉ chấp nhận một số loại thẻ. Có lần vào Metro mua hàng, tôi phải trả lại gần nửa số hàng đã chọn chỉ vì siêu thị này không chấp nhận loại thẻ thanh toán của tôi, trong khi tiền mặt mang theo không đủ. Quá phiền hà”.

Anh LÊ XUÂN ĐỨC
(phường 26, Bình Thạnh, TP.HCM)

Sử dụng tiền mặt vẫn là một trong những phương cách thanh toán thông dụng của người dân VN trong mọi loại hình giao dịch, mặc dù các điểm chấp nhận thẻ đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở cả những trung tâm bán lẻ hiện đại đến những cửa hàng 24/7.

Báo cáo gần đây nhất của Euromonitor International (tháng 12-2010) tiếp tục khẳng định tiền mặt “vẫn là phương tiện thanh toán chính trong các giao dịch bán lẻ của người dân VN” với tốc độ tăng trưởng 18% trong năm 2010.

Ông Nguyễn Hòa Bình, giám đốc Công ty phần mềm PeaceSoft - công ty đang phát triển hệ thống ví điện tử cho thanh toán trực tuyến kết nối với các ngân hàng và các điểm chấp nhận, cho biết vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành thẻ của mạng lưới ATM ở các ngân hàng đã được các ngân hàng chủ động điều chỉnh giảm xuống vì càng mở rộng mạng lưới càng lỗ.

“Điều này cho thấy thói quen của người VN khi sử dụng thẻ của các ngân hàng mới chỉ sử dụng một phần chức năng rất nhỏ của thẻ, chủ yếu trong giao dịch và rút tiền mặt tại các máy giao dịch tự động. Hai chức năng quan trọng của thẻ là thanh toán tại các điểm bán hàng offline và thanh toán trực tuyến tại các website bán hàng qua mạng chưa được các ngân hàng hiện nay chú trọng xây dựng” - ông Bình nói. 

Ông Đinh Anh Huân, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, cho biết tại hệ thống siêu thị thegioididong.com và thegioidientu.com, doanh số thanh toán tại quầy bằng thẻ trung bình mỗi tháng 10 tỉ đồng, chiếm gần 3% tổng doanh số 350 tỉ đồng. Tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, cách đây hơn một năm doanh số thanh toán bằng thẻ chỉ ở mức 0,2-0,3% tổng doanh thu, gần đây tăng lên được 2%. Ở hệ thống siêu thị Big C, doanh thu qua thẻ bắt đầu tăng nhưng hiện tại chỉ ở mức 2% tổng doanh thu.

Có đủ lý do ngại dùng thẻ mà nhiều người chia sẻ. Dễ bị ăn cắp thông tin, bị mất tiền… thuộc loại lo ngại hàng đầu. Khi có ý định làm thẻ, nhìn biểu phí dịch vụ, thấy đủ loại phí như phí tra cứu số dư, phí cấp lại mã PIN, phí cấp bản sao thông tin giao dịch…, trong đó phí rút tiền mặt có thể lên tới 4% (tối thiểu 40.000 đồng), phí giao dịch 2,75%…, chưa kể các thủ tục ngân hàng không phải lúc nào cũng dễ hiểu khiến ý định dùng thẻ mới nhen nhóm của nhiều người tắt lụi.

Vào thời điểm tỉ giá USD chênh lệch cao giữa ngân hàng và thị trường tự do, đã có ngân hàng thu phí chuyển đổi ngoại tệ tới 7%, thậm chí 10%, khiến khách hàng kêu trời. Lãi suất cho vay cũng là một vấn đề không nhỏ mà người dùng thẻ phải cân nhắc. Tùy theo ngân hàng nhưng hiện nay hầu hết đang ở mức 23-24%/năm. Ngoài ra, nếu dùng thẻ để rút tiền mặt thì khoản phí rút tiền mặt 4% cũng là con số ngán ngẩm khác.

Năm ngoái, một công bố về bảo mật ngân hàng điện tử từ Trung tâm an ninh mạng Bkis cho biết cả 20 ngân hàng kết hợp với họ để khảo sát về an ninh mạng đều đang tồn tại lỗ hổng an ninh mạng.

Trong đó có tới 93% xuất hiện lỗ hổng trên trình duyệt Internet Banking của khách hàng; 64% có lỗ hổng xác nhận với đối tượng bị tấn công là các chủ tài khoản trên hệ thống và các thao tác cá nhân; 80% có lỗ hổng từ hệ điều hành máy chủ thông qua việc chậm cập nhật các bản vá phần mềm...

Thanh toán thẻ qua một cửa hàng thời trang - Ảnh: Gia Tiến

Vẫn bủa vây tính phí

“Vướng mắc trong quá trình triển khai thanh toán điện tử trong dân rất nhiều, nhưng chủ yếu ở khâu tiếp cận khách hàng và cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng. Đơn vị chấp nhận thẻ thường ưu tiên thu bằng tiền mặt, lại không muốn nộp phí cho ngân hàng hoặc thu thêm phụ phí (mặc dù ngân hàng nghiêm cấm thu) của khách hàng, khiến khách hàng nhầm tưởng là ngân hàng thu thêm phí khi sử dụng thẻ… làm hạn chế dịch vụ. Các ngân hàng vẫn đang cạnh tranh nhau bằng mức phí chứ không phải cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ...

Việc hỗ trợ thanh toán điện tử không chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước mà cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính (liên quan đến chính sách thuế), Bộ Công thương (liên quan đến việc nhập khẩu các thiết bị phục vụ thanh toán điện tử )”.

Ông PHẠM ANH TUẤN
(phó tổng giám đốc VietinBank)

Báo cáo của Euromonitor International giải thích nguyên nhân chính khiến việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch của người dân VN vẫn rất cao: “các nhà bán lẻ thu thêm phí đối với khách hàng muốn thanh toán qua thẻ, do đó làm giảm mong muốn thanh toán qua thẻ”. Việc thu phụ phí của các điểm chấp nhận thẻ được cho là khoản phí mà các điểm chấp nhận thẻ phải trả cho các ngân hàng phát hành thẻ (chi phí phát sinh khi kết nối với các tổ chức thẻ và tổ chức thanh toán).

Bà Lorijon Bacchi - giám đốc Tổ chức thẻ Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào - cho biết vài năm trước Visa có thành lập một hội đồng về phụ phí, tập hợp nhiều ngân hàng với nhau để nói rõ họ không muốn thu phụ phí. “Số ngân hàng thu phụ phí đang dần giảm, chúng tôi cũng đang cố gắng để loại bỏ việc thu phụ phí tại VN. Chúng tôi cũng cung cấp nhiều tài liệu đào tạo cho người bán lẻ nêu rõ vì sao không nên thu phụ phí của người sử dụng thẻ” - bà Lorijon Bacchi cho biết.

Theo bà Bacchi, tại các thị trường đang phát triển, số lượng giao dịch bằng thẻ ít không phải là điều bất thường do người tiêu dùng cần có thời gian để làm quen và cũng cần có thêm nhiều nơi mà người ta sử dụng được thẻ. Theo Visa, có tới 61% số liệu giao dịch tăng hằng năm, chứng tỏ việc người VN đang dùng thẻ thanh toán nhiều hơn. Về tốc độ phát triển thẻ, trong quý 1 năm tài chính 2010 (từ tháng 10 tới tháng 12), tốc độ 22% của VN là cao nhất so với các nước trong khu vực.

“Chúng tôi thấy VN là thị trường cực kỳ tiềm năng để phát triển: VN muốn áp dụng hệ thống thanh toán điện tử, số lượng người trẻ tuổi sử dụng Internet rất cao, các ngân hàng cũng muốn  phát triển các hình thức cung cấp dịch vụ hiện đại” - bà Lorijon Bacchi nói thêm.

Chuyên gia công nghệ ngân hàng, ông Nguyễn Xuân Dũng khẳng định chuyện thu phí 2-3% trên giá trị mỗi giao dịch đối với người dùng thẻ là một sự “hiểu lầm”. Theo quy định của các tổ chức phát hành thẻ hiện hay, ngân hàng sẽ không thu khoản phí này từ chủ thẻ mà thu của điểm chấp nhận thẻ (POS).

“Ngoài khoản phí duy trì thẻ thường niên, hầu như chủ thẻ không phải trả thêm khoản phí nào. Khi thanh toán, nếu thấy đại lý thu thêm phí giao dịch, khách hàng có thể thông báo để tổ chức thẻ xử lý” - ông Dũng quả quyết. Dù vậy trên thực tế, nhiều cửa hàng, nhà hàng vẫn đẩy khoản phí này sang cho khách hàng chịu, có nơi còn thu lố lên 5%.

Những trường hợp bị thu hồi máy POS vì thu phí giao dịch của khách hàng như nhà hàng Ngon ở TP.HCM rất hiếm hoi. Các ngân hàng tuy dễ dàng phát hiện được hiện tượng này nhưng vì muốn mở rộng mạng lưới thanh toán thẻ nên chủ yếu chỉ áp dụng hình thức nhắc nhở.

Cũng theo ông Dũng, hiện chỉ có dưới 5 trên tổng số 30 ngân hàng hoạt động phát hành thẻ có lợi nhuận từ lĩnh vực này. Tuy lỗ nhưng các ngân hàng vẫn phải chấp nhận để tăng tiện ích nhằm phát triển khách hàng, hi vọng khi đã có thói quen sử dụng thẻ thì khách hàng sẽ giữ tiền trong ngân hàng. Các ngân hàng này cũng tìm cách mở rộng liên kết với các trung tâm thương mại, siêu thị để phát hành thẻ nhằm tăng thêm giá trị gia tăng và chia sẻ chi phí với đối tác.

“Khách hàng sử dụng thẻ thanh toán sẽ mang lại an toàn và tiện lợi cho cả khách và siêu thị. Chúng tôi sẽ có hình thức liên kết với ngân hàng để tăng tiện ích cho khách hàng thân thiết” - bà Lê Quang Thục Quỳnh, giám đốc marketing Saigon Co.op, cho hay. Nhưng nhìn chung, tiện ích để thanh toán qua POS và những chương trình khuyến mãi thật sự rộng rãi, đủ lực đẩy để xóa đi sự e dè của người dùng và thu hút họ vào các chương trình sử dụng thẻ vẫn chưa nhiều.

Chờ chính sách hỗ trợ

“Tôi không phản đối việc tính phí, nhất là khi tôi có thể sử dụng một công cụ thanh toán tiện lợi với các tính năng hiện đại và an toàn. Nhưng cách làm của các điểm chấp nhận thẻ và ngay cả các ngân hàng cung ứng dịch vụ này thực hiện từ trước đến nay không thuyết phục được tôi tin vào điều này. Nội việc thông tin mù mờ trong chuyện tính phí đã cho thấy điều đó. Ngoài ra là vấn đề bảo mật, tôi biết có những danh sách tài khoản cá nhân kèm chi tiết liên lạc của khách hàng bị lộ, thậm chí thành món hàng mua bán rất chạy cho các công ty làm quảng cáo. Thật sự tôi không muốn làm nạn nhân cho chuyện đó”.

Luật sư PHAN ANH (Hà Nội)

Dù dự báo xu hướng sử dụng tiền mặt trong thanh toán vẫn sẽ còn khá cao trong ngắn hạn và nhiều người tiêu dùng vẫn thiên về sử dụng tiền mặt, song Euromonitor International vẫn cho rằng việc Chính phủ có chính sách trả lương qua tài khoản sẽ “làm cho số lượng tài khoản của nhân viên các công ty nhà nước tăng lên, do đó sẽ là một nền tảng vững chắc cho các ngân hàng phát hành thẻ đẩy mạnh việc thanh toán qua thẻ”.

Vấn đề là mặc dù có tới 49% cơ quan nhà nước đã trả tiền lương qua tài khoản vào cuối năm 2010, nhưng việc gia tăng số lượng thẻ ATM vẫn không thay đổi được thói quen của người sử dụng trong việc thanh toán qua thẻ.

Nhiều công - viên chức nhà nước coi việc “bị buộc phải mở tài khoản ngân hàng” là một phiền toái, phần lớn do chưa quen sử dụng những dịch vụ của ngân hàng. Kết quả là vào các kỳ lĩnh lương, những dòng người xếp hàng trước các máy ATM vẫn không giảm, người dùng thẻ thường rút hầu hết số dư họ nhận được trên tài khoản ngay khi lương được chuyển về.

Thực tế ấy cho thấy mặc dù có được một chính sách hỗ trợ rất tích cực của Chính phủ song các ngân hàng và tổ chức phát hành thẻ vẫn chưa tìm ra “cây gậy thần” cho giấc mơ mở rộng thanh toán điện tử. Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, phó chủ tịch Hiệp hội Thẻ VN, cho biết tổ chức này vẫn đang hi vọng một sự hỗ trợ khác từ Chính phủ.

“Nếu không có Chính phủ vào cuộc, tất cả nỗ lực của các ngân hàng phát hành thẻ chỉ là nhỏ lẻ. Chúng tôi cần sự ủng hộ của Chính phủ để khuyến khích người tiêu dùng thanh toán qua thẻ thông qua các chính sách như quy định trong đăng ký kinh doanh phải chấp nhận thẻ hay miễn giảm thuế cho các điểm chấp nhận thẻ” - bà Hằng nói.

Cần nhắc lại rằng việc mở rộng được số lượng tài khoản ATM cũng là nhờ một chỉ thị của Chính phủ (chỉ thị 20/2007/CT-TTg về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Euromonitor International tính toán tại VN, nếu thị trường thanh toán thẻ phát triển đúng đắn trong năm năm tới thì có thể đạt đến 2 tỉ USD, tính cho riêng khối lượng giao dịch không dùng tiền mặt qua mạng (chưa bao gồm các giao dịch thanh toán tại các điểm bán lẻ). Ai cũng thấy giảm thiểu khối lượng tiền mặt lưu thông mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích cho nền kinh tế nói chung, các ngân hàng cũng được hưởng lợi. Nhưng để thực hiện được việc này còn rất nhiều việc phải làm.

 

                                                                           Theo Báo Tuoitre

Các tin khác

Đường giao thông nông thôn xóm Tân Phong – xã Mãn Đức đã được bê tông hóa.
Không có hình ảnh

Lập lờ đá nhái kim cương

Với nhiều chiêu khác nhau, một số điểm kinh doanh vàng bạc đá quý hiện đang đánh lừa người tiêu dùng bàng cách bán đá CZ (Cubic Zirconia) với giá kim cương nhân tạo.

Nhập nhèm giá xăng dầu

Một số doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi nhưng khả năng giảm giá mặt hàng này rất thấp. Sự thiếu tường minh của cơ cấu giá xăng dầu hiện nay chính là “thành trì” để các doanh nghiệp neo giá bán ở mức cao

Xuất khẩu giày dép tăng cao nhất trong lịch sử

Theo Tổng cục Thống kê, giày dép đã xuất khẩu xấp xỉ gần 3 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm 2011, tăng đến 31% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng tháng 6 đạt hơn 610 triệu USD. Đây cũng là tháng đầu tiên tính từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu giày vượt ngưỡng 600 triệu USD/tháng, cao nhất trong lịch sử ngành da giày từ trước đến nay.

Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư

Mặc dù còn chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng tổng vốn thu hút FDI trong năm 2010 của Ðồng Nai vẫn khá ấn tượng với hơn 1,28 tỷ USD, đạt 171% kế hoạch năm. Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2010 và những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Ðồng Nai.

1.7, khởi động thị trường điện cạnh tranh: Chưa có thay đổi về giá bán điện

Sẽ chưa có thay đổi nào về giá điện bán đến người sử dụng điện trong cả năm 2011 khi thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm được vận hành.

KCN không chỉ “lấp đầy”...

Thay vì tiêu chí “lấp đầy”, sắp tới, quy hoạch KCX-KCN phải gắn liền quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục