Theo TS Lê Thẩm Dương thì lãi suất khó có thể tiếp tục giảm được.

Theo TS Lê Thẩm Dương thì lãi suất khó có thể tiếp tục giảm được.

Lạm phát và lãi suất luôn tỷ lệ thuận với nhau, lạm phát cao, lãi suất cao và ngược lại. Nhưng trong bối cảnh lạm phát cả năm dự đoán lên tới 17 - 18% thì nhiều dấu hiệu hiện nay lại mang đến kỳ vọng giảm lãi suất. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi trong tuần qua. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, để làm rõ những nghịch lý này.

 

Ông có thể lý giải nghịch lý lạm phát cao nhưng lại xuất hiện những tín hiệu giảm lãi suất trên thị trường?

 
Ông Lê Thẩm Dương

Ngoài những yếu tố bản chất thì lãi suất trong những tháng đầu năm nay bị đẩy lên cao là vì 2 yếu tố khác là đua lãi suất và lãi suất kỳ vọng. Đầu tiên là cuộc chạy đua lãi suất giữa các ngân hàng (NH). NH nhỏ thiếu thanh khoản tăng lãi suất để "hút" tiền; NH lớn tăng lãi suất để giữ khách hàng và quan trọng hơn là "luộc" (cho vay) NH nhỏ trên thị trường liên ngân hàng. Động cơ khác nhau nhưng cùng đua khiến lãi suất bị đẩy lên cao. Để chấm dứt tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã "đè" lãi suất liên ngân hàng xuống khiến NH lớn không thể "luộc" được các NH nhỏ. Song song với việc này, NHNN tiếp tục nới điều kiện tái cấp vốn khiến các NH nhỏ có 2 kênh là vay NH lớn và tiếp cận vốn tín dụng từ NHNN nên không đua lãi suất nữa. Như vậy, "nhân tố đua" đã được loại bỏ, cuộc đua lãi suất đã bị phá sản.

Yếu tố thứ 2 là lãi suất kỳ vọng cũng được loại bỏ khi đẩy mạnh tuyên truyền chỉ số CPI giảm liên tục khiến tâm lý kỳ vọng lãi suất cao (lãi suất thực dương so với chỉ số CPI) không còn. 2 yếu tố không bản chất trong lãi suất được loại bỏ là nguyên nhân lãi suất giảm nhẹ gần đây.

Nhưng cũng vì thế, tâm lý chung hiện nay là kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm, ông đánh giá thế nào về khả năng này?

Tôi cho rằng rất khó bởi chúng ta không thể kéo chỉ số CPI xuống dưới 17%. Nếu tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất, lạm phát sẽ rất cao. Đó là chưa kể, 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng mới tăng 7% trong tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 20% của cả năm; tổng phương tiện thanh toán cũng tăng thấp. Nếu "xổ" ra ở 6 tháng cuối năm thì sẽ tác động mạnh tới chỉ số CPI. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, diễn biến trên thế giới (nợ công của Mỹ, giá dầu...) cũng chưa có gì để "yểm trợ" cho chúng ta trong việc giảm CPI. Vì vậy, lãi suất khó có thể giảm như kỳ vọng của mọi người.

Nói như vậy, chúng ta phải chấp nhận lãi suất thực âm?

Bản chất của khủng hoảng là lãi suất âm. Có thể nói, trong bối cảnh này, đưa vốn vào lĩnh vực nào cũng âm cả (sản xuất, chứng khoán...). Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận điều này. Vấn đề quan trọng là lãi suất đầu ra (cho vay) phải thấp hơn tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thì mới "kích" được sản xuất. Cái khó của ta hiện nay là lãi suất đã và đang cao hơn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo những phân tích của ông, không những khó giảm mà còn có nhiếu yếu tố khiến lãi suất có thể tăng trở lại trong những tháng cuối năm, không lẽ chúng ta bó tay trước tình trạng này?

Tôi cho rằng đã đến lúc NHNN phải đưa công cụ thị trường vào việc điều hành lãi suất trong những tháng tới. Có thể nói, những biện pháp hành chính mà NHNN sử dụng trong thời gian qua đã đạt được những hiệu quả nhất định. Nhưng công cuộc chống lạm phát là lâu dài nên biện pháp hành chính không thể "kham" nổi. Tùy từng giai đoạn để áp dụng các công cụ khác nhau cho phù hợp thì mới đạt hiệu quả cao. Nếu áp dụng các công cụ thị trường, lãi suất có thể chưa xuống ngay được nhưng cũng sẽ không tăng lên. Như vậy, doanh nghiệp sản xuất sẽ yên tâm hơn, đỡ phập phồng hơn.

Ông có thể nói rõ hơn về việc sử dụng các công cụ thị trường...?

Tiếp tục sử dụng lãi suất chủ chốt (tái cấp vốn, tái chiết khấu...). Vừa rồi khi đưa ra sử dụng, công cụ này đã tác động tốt lên thị trường liên ngân hàng và dẹp được cuộc đua lãi suất. Vì vậy, nên tiếp tục sử dụng công cụ này trong 6 tháng cuối năm. Theo tôi, cũng đã đến lúc nên sử dụng dự trữ bắt buộc. Trên thực tế chúng ta đã sử dụng dự trữ bắt buộc đối với ngoại tệ và đã thành công. Số dư ngoại tệ tăng cao, tỷ giá được kéo xuống ở mức ổn định... Tuy nhiên, sử dụng công cụ này với tiền đồng vẫn được "nâng lên, đặt xuống" nhiều lần. Lý do là chúng ta lo thanh khoản của các ngân hàng lâm nguy. Nhưng hiện nay thanh khoản của nhiều ngân hàng đã tốt hơn và đây là công cụ chống lạm phát có tác dụng nhanh nên tôi cho rằng có thể sử dụng được. Tất nhiên, cần phải phân loại các NH chứ không nên áp dụng chung cho cả hệ thống. Khi lạm phát hạ nhiệt, lãi suất mới có thể giảm được.

                                                                       Theo ThanhNien

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 222 tăng cường các biện pháp phòng- chống sạt lở trong mùa mưa bão đoạn dốc Cun, Quốc lộ 6. (Ảnh: Đức Phượng)
Cán bộ Hội Cựu TNXP huyện Kỳ Sơn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về công tác hội ở cơ sở.

Yêu cầu ngân hàng báo cáo lãi suất

Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh NH nước ngoài báo cáo lãi suất huy động và cho vay.

Bộ Tài chính yêu cầu giữ nguyên giá bán xăng dầu

Bộ Tài chính tối muộn ngày hôm qua (8.7) đã có thông báo yêu cầu các DN xăng dầu đầu mối giữ nguyên giá bán lẻ.

Giải ngân hơn 1.900 tỷ đồng đầu tư nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 6/2011, khối lượng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn ngân sách tập trung trong ngành nông nghiệp ước đạt ước đạt 1.912,8 tỷ đồng, bằng 52,09% kế hoạch năm.

Đà Bắc: Các dự án từ nguồn XDCB chậm tiến độ do thiếu vốn

(HBĐT) - Theo Ban Quản lý XDCB huyện Đà Bắc, hiện nay, công tác xây dựng cơ bản của huyện gặp phải khá nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nguyên nhân được cho là chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ các công trình là công tác triển khai GPMB còn chậm. Hơn nữa, việc bố trí vốn cho kế hoạch của năm vẫn còn ít dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình.

Lạc Sơn đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa

(HBĐT) - “Khung thời vụ sít sao đòi hỏi bà con nông dân phải đẩy nhanh tiến độ làm mùa, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp để chủ động kiểm soát nguy cơ, đảm bảo hiệu quả sản xuất” – ông Bùi Văn Dậy, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn cho biết.

Liên minh HTX tỉnh phát huy vai trò tập hợp kinh tế tập thể

(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 354 HTX, trong đó có 125 HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản, 174 HTX CN-TTCN, 41 HTX dịch vụ, thương mại du lịch, 10 HTX vận tải, 4 quỹ tín dụng nhân dân. Nhìn chung, các HTX hoạt động tương đối ổn định, từng bước củng cố và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh – dịch vụ, giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục