Chợ Lũng Vân là đầu mối giao thương hàng hóa của bà con dân tộc 5 xã vùng cao Tân Lạc.
(HBĐT) - Trong những năm qua, tỉnh ta đầu tư nhiều ngân sách cho phát triển mạng lưới chợ nông thôn, bằng nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau với mong muốn tạo những giải pháp hữu hiệu để góp phần đưa thương mại - dịch vụ ở những nơi này phát triển hơn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn, thành thị. Những kết quả đó góp phần để tỉnh ta hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) năm 2015.
Tỉnh ta có 84% dân số sống ở nông thôn và thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, vì vậy, chợ vẫn là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của đa số dân cư. Do địa hình và điều kiện sống đặc thù, quy hoạch phát triển chợ đến năm 2010 của tỉnh (đã được phê duyệt) đặc biệt chú trọng đến phát triển mạng lưới chợ nông thôn, tập trung phát triển các loại hình chợ xã, cụm xã, liên xã, chợ đầu mối nông sản, thị trấn... Tính đến nay, trong tổng số 85 chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (bao gồm 1 chợ loại 1, 10 chợ loại 2, 74 chợ loại 3 và chợ tạm), có tới 68 chợ khu vực nông thôn (hầu hết đều là chợ loại 3 và chợ tạm), chiếm 80% tổng số chợ và nhiều gấp 4 lần so với số chợ khu vực thành thị. Sự xuất hiện hợp lý của hệ thống chợ nông thôn đã, đang góp phần làm thay đổi nhận thức kinh tế của người dân địa phương, khuyến khích sự phát triển của thương mại - dịch vụ tại những khu vực kinh tế còn mang nặng tính tiểu nông.
Chương trình 135 với dự án xây dựng trung tâm cụm xã (TTCX) có vai trò trong quá trình này. Từ năm 1997, UBND tỉnh đã triển khai quy hoạch tổng thể TTCX miền núi và vùng cao của tỉnh. Trong giai đoạn 1997-2005 có 22 TTCX đã được xây dựng, bao gồm: 17 TTCX thuộc các xã 135 và 5 TTCX khu vực II có xã khu vực III. Riêng hạng mục chợ - 1 trong 8 hạng mục đầu tư chính được quy hoạch xác đáng với 21 công trình, tổng diện tích trên 71.500 m2, trung bình gần 3.500 m2/công trình. Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2, trong 5 năm qua (2006-2010), tỉnh ta đã đầu tư xây dựng 3 công trình chợ nông thôn với số vốn 1.265 triệu đồng.
Tại các chợ vùng miền núi, nông thôn do một số chính sách ưu tiên phát triển nên hàng hóa tại chợ ngày càng phong phú, sức mua ngày càng tăng. Hàng hóa, dịch vụ lưu thông qua chợ có tỷ trọng trên 50% so với tổng lượng hàng hóa, dịch vụ qua các hình thức phân phối. Các mặt hàng lưu thông chủ yếu trên các chợ nông thôn bao gồm: lương thực, thực phẩm, rau, hoa quả, nông sản, con giống, lâm sản và hàng TTCN. Các chợ này thường chỉ họp vào buổi sáng, một tuần một đến hai phiên, mỗi phiên diễn ra trong vài giờ, chủ yếu là các hộ nông nghiệp với các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống tự sản xuất và nuôi trồng.
Được biết, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển hệ thống chợ nông thôn theo tiêu chí XDNTM của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh tập trung nguồn vốn xây dựng đồng bộ, lựa chọn nhà đầu tư có khả năng, tư vấn và lựa chọn phương án đầu tư hợp lý, đưa ra nhiều hình thức kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cùng Nhà nước đầu tư xây dựng và phát triển chợ. Với mục tiêu thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng và tăng thu nhập, nâng cao mức sống của nhân dân, bảo đảm cho các thị trường phát triển hàng hóa ổn định. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ dành tổng vốn đầu tư khoảng trên 100 tỷ đồng để xây mới và cải tạo nâng cấp chợ nông thôn. Với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, vấn đề phát triển chợ khu vực nông thôn trên địa bàn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh và xây dựng NTM theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Ngày 15/7, Liên minh HTX tỉnh tổ chức hội nghị BCH lần thứ 2, khóa IV, nhiệm kỳ 2010-2015.
(HBĐT) - Dự án đường dây và trạm biến áp 110 KV Xuân Mai - Thanh Nông có tầm quan trọng đặc biệt cấp điện cho vùng nam công nghiệp Lương Sơn, KCN Thanh Hà và các CCN, cơ sở sản xuất dọc tuyến đường Hồ Chí Minh được khởi động từ nhiều năm nay nhưng do nhiều nguyên nhân bị chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng quá trình vận hành của Dự án xi măng Hòa Bình.
(HBĐT) - Vụ xuân năm nay, hầu hết trên địa bàn toàn tỉnh thời tiết diễn ra khá phức tạp. Đầu vụ thời tiết rét kéo dài, gần cuối vụ vài nơi xảy ra tố lốc làm đổ cây, nền nhiệt độ cao ảnh hưởng đến quá trình phun râu của ngô. Đây là những khó khăn chung cho việc trồng ngô trên toàn tỉnh.
(HBĐT) - Từ cuối năm 2010, bằng nguồn vốn Chương trình 135, Trạm KNKL Tân Lạc triển khai mô hình chăn nuôi lợn thịt tại xã Quy Hậu. Mô hình lựa chọn 20 hộ tham gia ở xóm Dom và xóm Bưng là những hộ có kỹ năng, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi lợn thịt cho các hộ chăn nuôi khác.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, công tác thu hút đầu tư của huyện Lương Sơn có chiều hướng phát triển tích cực, nhiều dự án đã đi vào hoạt động. Cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 32 doanh nghiệp, 69 hộ kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 106,7 tỷ đồng. Các dự án mới đang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định.
Bộ LĐTBXH đã đề xuất tăng lương tối thiểu. Tuy nhiên, ngay sau khi đề xuất được đưa ra, Tổng LĐLĐVN cùng các tổ chức xã hội, các chuyên gia đã phản biện cho rằng: Mức lương tối thiểu điều chỉnh tăng vẫn quá thấp.