Sau khi chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường khoai lang ở 2 huyện Bình Tân, Bình Minh (Vĩnh Long), mới đây người Trung Quốc lại ồ ạt kéo đến huyện Bình Minh thuê đất trồng khoai. Theo đánh giá của các chuyên gia, về lâu dài việc này sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ đối với nền kinh tế địa phương…
Ồ ạt cho thuê đất
Theo nguồn tin riêng của PV Lao Động sáng ngày 14.7, đã có 46ha đất ở xã Thuận An (huyện Bình Minh) được người nước ngoài đến thuê để trồng khoai. Số đất này do một người tên Triệu Huy Vũ, cư ngụ tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai, có liên quan đến người Trung Quốc, thông qua một người dân ở địa phương làm trung gian đến liên hệ với nông dân trong xã thuê 46ha đất (chủ yếu là đất trồng lúa) để chuyển sang trồng khoai lang tím Nhật Bản, bao gồm 25ha ở ấp Thuận Phú C, 18ha ở ấp Thuận Tiến C và 3ha ở ấp Thuận Nghĩa A. Giá tiền thuê đất là 30 triệu đồng/ha/năm (2010), sau tăng lên 50 triệu đồng/ha/năm (2011). Ngoài ra, cứ mỗi hécta, bên cho thuê được trả thêm 10 triệu đồng chi phí cải tạo đất để trồng làm lúa trở lại khi không còn thuê đất trồng khoai. Tất cả đều là “hợp đồng miệng” và tiền thuê đất được trả trước 1 năm. Riêng người làm trung gian, được hưởng lợi 100 đồng/kg khoai – số khoai được tính khi thu hoạch và xuất khẩu sang Lạng Sơn.
Người Trung Quốc đang ồ ạt thuê đất ở xã Thuận An để trồng khoai. Ảnh: T.L |
Việc người dân ở xã Thuận An, huyện Bình Minh ồ ạt cho thuê đất xuất phát từ nhiều lẽ. Thứ nhất, trước đây nhiều nông dân trồng lúa chỉ lãi khoảng 3 triệu đồng/công, nhưng cho thuê đất có thể thu được khoảng 4,5 triệu/công. Thứ hai, nếu tự chuyển từ trồng lúa sang trồng khoai thì chi phí khá cao, khoảng 10 triệu đông/công, do vậy, nhiều người tỏ ra ngán ngại. Trong khi đó, người Trung Quốc thuê mướn nhân công với giá rất cao, 120.000 đồng/ngày; trả lương cho người giỏi kỹ thuật lên đến 5-6 triệu đồng/tháng.
Thậm chí, khi nông dân đòi tăng thêm quyền lợi khi cho thuê đất, người Trung Quốc cũng dễ dàng chấp thuận. Như trường hợp ông Năm Mừng (ấp Thuận Phú B) được trả trước 3 năm toàn bộ số tiền cho thuê đất, sau đó ông đã sắm được chiếc máy cày và dùng nó làm thuê cho người Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Khỏe (ấp Thuận Tiến C) cho biết, ngoài việc cho thuê 1ha trồng khoai, ông còn giới thiệu cho hàng trăm hộ khác đem đất cho thuê với diện tích lên đến vài trăm công. Theo tình hình này, chỉ vài vụ mùa nữa là bà con sẽ nhất loạt cho thuê toàn bộ số đất còn lại.
Hiện nay tại xã Thuận An có 14 nhà kho được cho mướn để chứa khoai, mỗi ngày có khoảng 200 lao động được thuê làm công việc lựa khoai, đóng thùng, đưa lên xe chở ra Lạng Sơn. Có 19 người Trung Quốc thuê nhà trọ tại xã Thuận An để làm công việc kiểm tra khoai, chờ xe đến chở đi.
Tiềm ẩn nỗi lo
Ông Võ Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An - cho biết: Cái khó nhất hiện nay là các hộ dân đều cho thuê đất theo kiểu tự phát, nên địa phương chưa thể thống kê chính xác diện tích đất cho thuê của từng hộ là bao nhiêu. Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Minh – cho biết: Trước mắt, việc người Trung Quốc đến thuê đất trồng khoai chưa thấy có dấu hiệu gì gây bất lợi cho nông dân.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, khi có được diện tích đất đủ lớn, người Trung Quốc sẽ thao túng cả vùng trồng khoai lang. Hiện tại, hơn 70% sản lượng khoai lang ở 2 huyện Bình Tân, Bình Minh đều xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 400 tấn/ngày. Bà Phan Thị Bé – Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Minh - xác nhận mối lo ngại nói trên, đồng thời nhận định: Về lâu dài, không chỉ người Trung Quốc thao túng toàn bộ đất trồng khoai, mà còn có khả năng thao túng đất trồng nhiều loại nông sản khác.
Theo LaoDong
Ông Nguyễn Hoài Giang - Tổng Giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết đúng 6 giờ ngày 15/7, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức tạm ngừng hoạt động để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần đầu.
(HBĐT) - Ngày 15/7, Liên minh HTX tỉnh tổ chức hội nghị BCH lần thứ 2, khóa IV, nhiệm kỳ 2010-2015.
(HBĐT) - Dự án đường dây và trạm biến áp 110 KV Xuân Mai - Thanh Nông có tầm quan trọng đặc biệt cấp điện cho vùng nam công nghiệp Lương Sơn, KCN Thanh Hà và các CCN, cơ sở sản xuất dọc tuyến đường Hồ Chí Minh được khởi động từ nhiều năm nay nhưng do nhiều nguyên nhân bị chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng quá trình vận hành của Dự án xi măng Hòa Bình.
(HBĐT) - Vụ xuân năm nay, hầu hết trên địa bàn toàn tỉnh thời tiết diễn ra khá phức tạp. Đầu vụ thời tiết rét kéo dài, gần cuối vụ vài nơi xảy ra tố lốc làm đổ cây, nền nhiệt độ cao ảnh hưởng đến quá trình phun râu của ngô. Đây là những khó khăn chung cho việc trồng ngô trên toàn tỉnh.
(HBĐT) - Từ cuối năm 2010, bằng nguồn vốn Chương trình 135, Trạm KNKL Tân Lạc triển khai mô hình chăn nuôi lợn thịt tại xã Quy Hậu. Mô hình lựa chọn 20 hộ tham gia ở xóm Dom và xóm Bưng là những hộ có kỹ năng, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi lợn thịt cho các hộ chăn nuôi khác.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, công tác thu hút đầu tư của huyện Lương Sơn có chiều hướng phát triển tích cực, nhiều dự án đã đi vào hoạt động. Cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 32 doanh nghiệp, 69 hộ kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 106,7 tỷ đồng. Các dự án mới đang khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định.