Gạo Việt Nam đang chuyển mình từ cấp thấp để lên gạo cấp cao sánh ngang với gạo Thái Lan. Nhiều doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu những loại gạo có thương hiệu để tăng giá trị xuất khẩu.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn - Ảnh: H.T.V.

Dù vẫn còn khoảng cách về chất lượng so với gạo Thái nhưng nhiều doanh nghiệp VN đang chứng minh với giá cả hợp lý, gạo VN hoàn toàn có thể cạnh tranh được gạo của Thái Lan.

Ấn tượng gạo thơm

Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường tiêu thụ chủ yếu gạo thơm cao cấp (gạo jasmine). Những năm trước đây, thị trường này là lãnh địa riêng của gạo Thái Lan. Nhưng trong hai năm trở lại đây, gạo VN đã dần thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường này.

Theo ông Phạm Văn Bảy - phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tốc độ xuất khẩu gạo thơm của VN vào Hong Kong tăng rất mạnh. Trong chín tháng đầu năm 2011, xuất khẩu gạo của VN vào Hong Kong đạt 110.000 tấn, trong đó có 72.000 tấn gạo thơm. Các doanh nhân người Thái thừa nhận họ đã mất thị trường gạo Hong Kong vào tay VN. Hiện Hong Kong (chưa tính Trung Quốc lục địa) đã vươn lên là thị trường xuất khẩu gạo đứng thứ 11 của VN về giá trị.

Để thắng gạo Thái Lan tại thị trường này, gạo Việt dựa vào hai yếu tố là chất lượng và giá cả. Trong những năm gần đây, bên cạnh các loại lúa cao sản truyền thống, người dân và các doanh nghiệp trong nước đã tích cực đầu tư vùng trồng các loại lúa thơm chất lượng cao để xuất khẩu. “So với gạo Thái, gạo thơm VN chất lượng thấp hơn nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của người mua. Hơn nữa, giá gạo VN khá cạnh tranh với gạo Thái nên khách hàng đã dần chuyển sang mua gạo VN” - ông Bảy giải thích.

Cụ thể, hiện gạo thơm của Thái Lan đang chào bán với giá trên 1.000 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của VN chỉ bán với giá trên 700 USD/tấn. Ông Bảy cho biết thêm hiện chất lượng gạo của VN đang thu hẹp dần so với gạo Thái, cộng thêm việc các công ty tích cực làm công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường nên thời gian sắp tới giá gạo VN sẽ giảm dần mức chênh lệch so với gạo Thái Lan.

Theo VFA, ngoài việc chiếm lĩnh được thị trường Hong Kong, gạo thơm của VN cũng đang tiến sâu vào Trung Quốc đại lục với tốc độ xuất khẩu tăng lên rất nhanh, bên cạnh đó là Singapore và các thị trường khó tính khác.

Ông Phạm Quang Diệu, giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Agromonitor, cho biết đang có sự dịch chuyển trong xuất khẩu gạo của VN theo hướng xuất khẩu gạo cấp cao nhiều hơn. Trong đó, tỉ trọng gạo thơm xuất khẩu tăng đều những năm qua. Nếu như năm 2008 gạo thơm chỉ chiếm 2,2% tổng lượng gạo xuất khẩu, thì con số này trong hai năm 2009 và 2010 tương ứng là 4,16% và 4,5%.

Cơ cấu xuất khẩu gạo năm 2011 - Đồ họa: N.Kh.

Đa dạng hóa chủng loại

Xu hướng đa dạng hóa chủng loại gạo xuất khẩu thể hiện rõ ràng trong những năm qua. Ngoài gạo xô phân theo cấp độ tấm (gạo 5%, 15% và 25% tấm), các doanh nghiệp đã tích cực sản xuất và xuất khẩu các loại gạo đặc thù khác như gạo thơm, gạo đồ...

Theo VFA, trong chín tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo cấp thấp chỉ đạt 847.000 tấn, giảm trên 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, xuất khẩu gạo loại trung bình lại tăng tới 193%, xuất khẩu gạo thơm và gạo đồ tăng tương ứng 115% và 57%.

Thị trường xuất khẩu gạo châu Á hiện có sự phân cấp khá rõ nét, trong đó VN cùng Thái Lan được xếp vào các nước bán giá cao trong khi Ấn Độ và Pakistan bán giá thấp hơn. Cụ thể, hiện nay gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 595 USD/tấn và của VN là 575 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Ấn Độ và Pakistan có giá tương ứng là 475 USD/tấn và 485 USD/tấn.

Chính vì nguyên nhân giá cả mà Ấn Độ đang có lợi thế rất lớn để chiếm lĩnh thị trường châu Phi với nhu cầu gạo cấp thấp, giá rẻ. “Ngoài chất lượng gạo của Ấn Độ không bằng VN thì lợi thế của họ chính là ở gần châu Phi hơn nên chi phí vận chuyển giảm rất nhiều so với giá gạo VN”, ông Bảy nói.

Nếu như một số doanh nghiệp đang phải giảm dần việc bán gạo cấp thấp sang châu Phi do cạnh tranh quyết liệt từ phía gạo Ấn Độ và Pakistan, thì một số doanh nghiệp khác lại đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này nhờ lựa chọn một phân khúc khác biệt. Bên cạnh nhiều quốc gia nhập khẩu gạo cấp thấp giá rẻ, một lượng gạo cấp cao khá lớn cũng được các nước châu Phi nhập khẩu để phục vụ tầng lớp giàu có.

Theo ông Trần Ngọc Trung - tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinh Phát (TP.HCM), trong số những thị trường nhập khẩu gạo của VN những tháng đầu năm nay, Nigeria là thị trường nhập khẩu nhiều nhất. Hiện nay Vinh Phát là nhà xuất khẩu gạo đồ lớn nhất của VN khi xuất khẩu trên 48.000 tấn trong số hơn 50.000 tấn gạo đồ của VN từ đầu năm đến nay.

 

                                                           Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục