May hàng xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Tại tọa đàm "Kịch bản kinh tế 2012: Cơ hội và thách thức" được tổ chức tại Hà Nội ngày 8/1, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ có dấu hiệu khởi sắc từ nửa sau của năm 2012.
Điểm sáng quý III
Theo lý giải của ông Ngoạn, những bất ổn vĩ mô từ cuối năm 2010 và những tác động phụ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa tiếp tục có những ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, các doanh nghiệp và thị trường bất động sản, chứng khoán vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quý I và II/2012.
Nhưng với mức độ giảm dần nhờ hiệu ứng của việc điều chỉnh chính sách vĩ mô được triển khai từ cuối quý I/2011, dự báo nền kinh tế sẽ có dấu hiệu khả quan hơn từ quý III.
Cũng theo ông Ngoạn, lạm phát năm 2012 cũng sẽ được kiểm soát khá tốt (dưới 10%) cùng với tỷ lệ nhập siêu được kiềm chế (dưới 10% kim ngạch xuất khẩu) tạo điều kiện để giảm sức ép tỷ giá, cân bằng cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối; tỷ giá VND sẽ được điều chỉnh trong khoảng 5-6%. Đây sẽ là những kết quả tích cực chính yếu của kinh tế 2012. Qua đó, thị trường tài chính sẽ có thêm lực đẩy vào cuối năm 2012.
Tuy nhiên, thị trường tiền tệ - ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn về thanh khoản và nợ xấu trong suốt những tháng đầu năm 2012. Thanh khoản là thách thức lớn nhất của hệ thống ngân hàng. Nếu vấn đề thanh khoản sớm được giải quyết, lãi suất ngân hàng sẽ giảm được khoảng 4% (Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm khoảng 11% và lãi suất cho vay dao động khoảng 14%).
Do thương mại toàn cầu được dự báo giảm về khối lượng và giá cả nên kế hoạch tăng kim ngạch xuất khẩu 12-13% của Việt Nam sẽ là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thương mại thế giới sẽ tác động đến cả xuất khẩu và nhập khẩu; đồng thời chính sách kiểm soát nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục được duy trì trong năm 2012 nên xuất khẩu ròng của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện. Nhờ vậy, nhập siêu dự báo sẽ ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu.
Ba kịch bản triển vọng kinh tế
Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát cũng đã đưa ra dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2012 với 3 kịch bản trên cơ sở dự báo những tình huống có thể phát sinh của kinh tế thế giới.
Kịch bản được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đặt nhiều kỳ vọng nhất là kịch bản trung bình. Theo lý giải của Ủy ban Giám sát, do tác động của nền kinh tế thế giới (sản lượng giảm khoảng 1% và thương mại giảm khoảng 3-4% so với 2011), tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2012 dự báo đạt tương ứng 8-9% và 7-8%, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu theo đó dự báo đạt từ 7-8%. Lượng FDI vào Việt Nam dự báo chiếm từ 22-22,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội.
Mô hình tính toán của Ủy ban Giám sát cho thấy, với tổng vốn đầu tư, tốc độ tăng thương mại như trên, với cơ cấu đầu tư khu vực kinh tế nhà nước chiếm 36,5-37% và khu vực kinh tế dân doanh chiếm 40,5-41% tổng đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 có thể đạt từ 5,6-5,9%.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đây là kịch bản có nhiều khả năng nhất và các chỉ số, các cân đối cũng mang tính khả thi nhất; mức tăng trưởng này cũng tương đối sát với mức sản lượng tiềm năng hiện tại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát cũng đã đưa ra kịch bản kỳ vọng nhất. Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 có thể đạt từ 6-6,3% nếu hiệu suất đầu tư của nền kinh tế có sự cải thiện đáng kể. Nếu không có sự thay đổi về công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả thì cần tăng tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế dân doanh từ 35,2% năm 2011 lên khoảng 43% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 và giảm tỷ lệ đầu tư khu vực kinh tế nhà nước từ mức 38,9% năm 2011 xuống còn 34% tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào năm 2012.
Với tốc độ tăng trưởng GDP từ 6-6,3%, lạm phát duy trì ở mức 8-10% và mức bội chi ngân sách được thông qua cho năm 2012 ở mức 4,8% GDP thì nợ công Việt Nam năm 2012 dự kiến đạt mức 58,2-58,8% GDP.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, để điều chỉnh cơ cấu đầu tư như nêu trên là một thách thức rất lớn vì lý do sau: Để tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực dân doanh từ 35,2% của năm 2011 lên tới 43% tổng đầu tư toàn xã hội vào năm 2012, theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tăng trưởng tín dụng cần đạt trên 25%, cao hơn nhiều so với định mức tăng tín dụng từ 15-17% để kiểm soát lạm phát từ 8-10%.
Trong khi đó, để đảm bảo an sinh xã hội và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế giai đoạn sau, Việt Nam cần tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, khó có thể giảm tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước từ mức 38,9% tổng đầu tư toàn xã hội năm 2011 xuống chỉ còn 34% ngay trong năm 2012.
Như vậy, trong điều kiện chưa tạo được bước đột phá công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả đầu tư kinh tế, nếu năm 2012 không có những đột biến về nguồn huy động vốn sản xuất (thông qua nguồn huy động vốn khác ngoài kênh tín dụng, vốn tự có của doanh nghiệp) thì khả năng tăng trưởng GDP ở mức 6-6,3% là khó đạt được.
Còn đối với kịch bản xấu, Ủy ban Giám sát cho rằng, trong trường hợp xấu nhất, kinh tế thế giới có khả năng rơi vào suy thoái và đạt mức tăng trưởng dưới 2,4%, thương mại thế giới tăng ở mức dưới 3% về khối lượng và giá cả có thể giảm sâu hơn mức dự báo 10%. Điều này sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo trong trường hợp này, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng từ 5-6% so với năm 2011.
Về nhập khẩu, nhiều khả năng Chính phủ sẽ phải điều chỉnh chính sách vĩ mô, tăng đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, ngăn chặn suy giảm kinh tế nên chính sách có phần nới lỏng hơn và vì thế nhập khẩu dự báo tăng 5-6%, theo đó tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu vào khoảng 9-10%. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam ước đạt khoảng 10 tỷ USD (tương đương khoảng 21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội). Lạm phát dự báo sẽ giảm còn 8-9% và tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 5,2-5,5%...
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trường hợp kinh tế thế giới diễn biến bất lợi và thật sự rơi vào suy thoái (tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức 2,4%) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam không chỉ năm 2012 mà cả trong những năm tiếp theo./.
HBĐT) - Chỉ còn ít ngày nữa, nông dân huyện Tân Lạc bước vào vụ chiêm – xuân 2012. Nông dân các xã, thị trấn đang nỗ lực và chủ động chuẩn bị cho sản xuất với quyết tâm giành thắng lợi.
(HBĐT) - Trong năm 2011, thực hiện Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính Phủ, Ban Dân tộc tỉnh đã hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng công trình nhà sinh hoạt cộng đồng bản Cang, xã Pà Cò (Mai Châu), hỗ trợ giải phóng mặt bằng khu dân cư, khu sản xuất và xây dựng 6 công trình điểm ĐCĐC xóm Mít, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc. Hỗ trợ 6 hộ du canh, du cư di dân chuyển về ở ổn định tại điểm ĐC- ĐC tập trung bản Cang.
Kết thúc năm 2011, EVN đưa ra con số thua lỗ 3.500 tỉ đồng. Đây là con số thấp hơn nhiều so với con số dự báo của chính EVN là khoảng 11.000 tỉ đồng. Lãnh đạo EVN cho rằng để xảy ra thua lỗ là yếu kém của EVN, nhưng cũng là do... chính sách.
Sau một thời gian dài được xây dựng, dự thảo quy định yêu cầu hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng (NH) đến nay vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Khả năng hấp thụ của các ngân hàng trong nước với các quy định này được coi là thách thức hiện thực hoá yêu cầu trên đây.
Đường dây 220kV Đắk Nông-Phước Long-Bình Long được xây dựng nhằm truyền tải hết công suất từ các nhà máy điện khu vực Tây Nguyên là Buôn Tua Srah, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, Đồng Nai 6 & 6A và Đắk R’Tih bằng cấp điện áp 220kV vào hệ thống điện Quốc gia trong giai đoạn 2012-2020.
(HBĐT) - Ngày 6/1/2012, BQL dự án phát triển lâm nghiệp (Kfw7) Hòa Bình tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2011, triển khai nhiệm vụ năm 2012. Đến dự có lãnh đạo Sở NN&PTNT, BQL dự án các huyện, thành phố và các xã tham gia dự án.