Cán bộ kỹ thuật, phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn kiểm tra diện tích ngô không còn khả năng cho năng suất ở xóm Băng Hợp, xã Hợp Châu.

Cán bộ kỹ thuật, phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn kiểm tra diện tích ngô không còn khả năng cho năng suất ở xóm Băng Hợp, xã Hợp Châu.

(HBĐT) - Hàng nghìn ha cây màu đến mùa ra hoa, đậu quả bỗng chốc tiêu tan hy vọng được thu, nhiều ha lúa đang kỳ trỗ bông bị ảnh hưởng năng suất vì hạn hán… Hậu quả của đợt nắng, hạn kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay đã khiến sản xuất nông nghiệp điêu đứng. Với hàng nghìn hộ nông dân, việc duy trì, ổn định đời sống tới đây ra sao đang là dấu chấm hỏi nặng đè.

Nghiệt ngã thiên tai

 

Những cơn mưa rào liên tiếp trong mấy ngày qua chẳng đủ thấm vào đâu, cũng chẳng thể khiến tâm trạng của bà con nông dân nguôi ngoai bởi đến thời điểm này, nhiều diện tích cây trồng do phải hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài đã không còn khả năng cho năng suất hoặc cho năng suất rất thấp. Cây ngô vốn là cây màu chủ lực của tỉnh cũng là cây trồng đang chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi đợt nắng, hạn này. Nắng to, gió nóng đã khiến nhiều cánh đồng từ vùng bưa bãi tới vùng đồi, núi cao bị cháy táp hết lá, hiện tượng ngô bị khô phấn, cháy cờ xảy ra phổ biến. Chị Đỗ Thị Đào – cán bộ kỹ thuật, phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn cho biết: Mưa xuống chỉ có thể hồi xanh được phần lá, thân cây chứ một khi cờ đã cháy, phấn đã khô, cây ngô chẳng thể nào ra bắp thêm được nữa.

 

Hợp Châu, Cao Thắng, Long Sơn và Thanh Lương là những xã của huyện Lương Sơn bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đợt nắng nóng và hạn trên diện rộng. Dẫn chúng tôi đến khu vực cánh đồng Bông, cánh đồng Núi Vàng của xóm Băng Hợp, xã Hợp Châu, ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Mải trải lòng: Tình hình này, chắc chắn từ nay cho đến hết tháng 10, nhiều hộ trong thôn sẽ bị đói. Thu nhập của bà con cả năm chỉ trông vào việc trồng màu nhưng giờ cả 42 ha ngô của thôn đều bị ảnh hưởng, trong đó có tới 80% diện tích không cho thu, chỉ có 20% diện tích may ra còn khắc phục được. Cả thôn còn tới 24% hộ nghèo, bình quân thu nhập chỉ đạt 7,2 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn như bà Nguyễn Thị Hoa, ông Nguyễn Văn Hàn đang chờ ngô ra bắp để đổi gạo ăn…, tới đây không biết sống sao ?!

 

Những cảnh ngộ trên cũng không còn hiếm gặp trong thời điểm hàng nghìn hộ dân trong tỉnh phải đối mặt với thiên tai, nắng, hạn. Diện tích lúa, ngô, lạc, sắn, mía ở các địa phương bị cháy táp và hạn nhiều đến nỗi bà con nông dân lúc nào cũng như “ngồi trên đống lửa”. Để rồi, dù đã thực hiện đủ mọi biện pháp cứu lúa, màu như tận dụng nguồn nước suối, giếng đào vẫn không thắng được nắng nóng, gió Lào và hạn hán. Đi suốt dọc tuyến đường Hồ Chí Minh từ Lương Sơn đến Lạc Thủy, Yên Thủy, tuyến các xã vùng cao Quyết Chiến, Lũng Vân của huyện Tân Lạc, Miền Đồi, Quý Hòa của huyện Lạc Sơn, chúng tôi phần nào hiểu được nỗi lo lắng của nhà nông khi “mục sở thị” những ruộng đồng nứt nẻ, héo hon vì không có nước, những bãi trồng màu bị cháy táp, xác xơ cứ nối dài.

 

Như hàng trăm nông dân nghèo khó khác ở xã Hưng Thi (Lạc Thủy), anh Phạm Duy Khương ở xóm Trung Trâm cũng đang bất lực nhìn thiên tai làm hỏng cả vụ màu. Theo anh Khương, để đầu tư, mở rộng hơn 2 ha ngô, gia đình anh đã đổ không ít vốn, từ giống, phân bón, công chăm sóc, thuê thêm diện tích trồng. Những tưởng như bao vụ trước, cây ngô sẽ giúp kinh tế gia đình anh vươn lên khấm khá nhưng đúng vào thời khắc quyết định năng suất, chất lượng cây trồng, nắng nóng, gió Lào cộng thêm tình trạng thiếu nước tưới đã làm chết, hỏng tới 3/4 diện tích của gia đình, thiệt hại về kinh tế ước đến trăm triệu đồng, trong khi một nửa số vốn đầu tư là phải đi vay.

 

Ông Ngọ Đình Tâm, Phó phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: là địa phương bị thiệt hại nặng nề chỉ sau huyện Yên Thủy, toàn huyện hiện có tới 2.741,6 ha trong tổng số 4.893 ha cây trồng vụ chiêm – xuân bị thiệt hại, ước tính giảm 70% năng suất. Đáng kể nhất là cây ngô với 580 ha không còn khả năng cho năng suất, 525 ha ngô bị ảnh hưởng, ngoài ra còn có 95 ha lạc thất thu. Diện tích một số cây trồng khác không còn khả năng cho năng suất là 799 ha. Địa bàn có diện tích lúa, cây màu bị hạn điển hình là Hưng Thi (60/82,9 ha lúa bị ảnh hưởng năng suất, 159/159 ha ngô bị ảnh hưởng, trong đó có 80 ha không còn khả năng cho năng suất). Tiếp đó là các xã Phú Thành, Yên Bồng và thị trấn Thanh Hà.

 

Cần lắm sự chung lo khắc phục

 

Tình trạng nắng nóng, khô hạn trên diện rộng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và đời sống của nhân dân. Các biện pháp bơm, tưới dù đã được bà con nông dân nỗ lực thực hiện nhưng vẫn không đẩy lùi được nắng, hạn. Nguyên nhân thiếu nước trầm trọng, nhiệt độ cao trong thời gian dài đã gây cháy táp nhiều loại cây trồng, đặc biệt đối với cây lúa, ngô, lạc đang trong giai đoạn trỗ, ra hoa, đậu quả. Nhiều nhà nông than rằng chưa có vụ sản xuất nào lại bị thiên tai làm thiệt hại như này. Khốn đốn hơn bởi thiên tai rơi vào thời kỳ cuối vụ, làm dập tắt bao mong đợi “trồng cây đã đến ngày hái quả” của bà con.

 

      

Nông dân xóm Chín, xã Hưng Thi (Lạc Thuỷ) tập trung khôi phục sản xuất sau thiên tai.

 

Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT, do ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn kéo dài đã làm 7.369,3 ha lúa, ngô và cây trồng khác trong tỉnh bị thiệt hại. Trong đó có 1.586,1 ha lúa, 3.750 ngô, 1.227,7 ha lạc, 804,6 ha mía. Hậu quả của thiên tai đang đè nặng trên vai ngành nông nghiệp, ảnh hưởng với mức độ lớn và trực tiếp lên hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh. Sau Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn, nhiều địa phương khác như Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi cũng có diện tích lúa, màu bị ảnh hưởng và thiệt hại. Biết rằng không thể cứu vãn được năng suất cây ngô, nhiều gia đình nông dân trong tỉnh đành ngậm ngùi chặt bỏ, phát dọn thực bì chờ vụ tới. Với những cánh đồng ngô không còn khả năng cho năng suất, các hộ chỉ còn biết vớt vát bằng việc tận dụng phần cây, lá còn xanh làm nguồn thức ăn cho trâu, bò.

 

Để ổn định sản xuất và đời sống của nông dân trong tỉnh sau thiên tai, bên cạnh sự chủ động khắc phục của người dân, cần lắm sự chung lo, hỗ trợ của xã hội, cộng đồng. Nguyện vọng của bà con nông dân là được hỗ trợ lương thực, tiền và cây, con giống giúp sớm quay vòng sản xuất vụ tới. Ông Hoàng Văn Tứ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Trước mắt, các cấp, ngành cần tuyên truyền, động viên, làm ổn định tinh thần người dân vùng hậu quả thiên tai. Các địa phương chủ động kiểm tra, đôn đốc, thực hiện giải pháp khắc phục, giảm nhẹ hậu quả. Ngành Nông nghiệp đang khẩn trương điều tra, rà soát, hoàn chỉnh báo cáo thống kê trình UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp bù đắp một phần những khốn khó của hộ nông dân bị thiên tai.

 

                                                   Bùi Minh – Đỗ Hà

 

Các tin khác

Cán bộ QLTT huyện Tân Lạc kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các cửa hàng kinh doanh khu vực chợ Phú Cường.
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Tổng thu NSNN 4 tháng đầu năm đạt 430 tỷ đồng

(HBĐT) - Trong tháng 4/2012, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 143 tỷ đồng. Với kết quả đó, trong 4 tháng năm 2012, thu NSNN trên địa bàn tỉnh thực hiện 430 tỷ đồng, đạt 24% so với tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách địa phương trong tháng 4 ước thực hiện 402 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đạt 2.019,0 tỷ đồng, bằng 40% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao.

Hơn 800 ha lúa, cây màu bị ảnh hưởng do nắng hạn

(HBĐT) - Theo báo cáo sơ bộ của các xã, thị trấn, huyện Tân Lạc hiện có 220 ha trên tổng số 1.800 ha lúa, hơn 600 ha trên tổng số 2.400 ha cây màu vụ xuân đang bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng và nguồn nước tưới không đủ đáp ứng. Nhiều diện tích được các xã thống kê là diện tích cấy ép, cấy thêm và một số diện tích nằm trong kế hoạch diện tích gieo trồng của huyện vụ chiêm xuân.

Doanh số xổ số kiến thiết đạt trên 8,8 tỉ đồng

(HBĐT) - Tính đến hết quý I, doanh số bán vé của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hòa Bình đạt trên 8,8 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành Trung ương

(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: Đề nghị tiếp tục thi công QL12B đoạn từ huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình đi huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (km 30+300 - km 46 + 700 và đoạn km 53 +619 - km 80); QL 21 đoạn từ Ba Hàng Đồi đi huyện Lạc Thủy, tỉnh Hoà Bình đến giáp ranh tỉnh Hà Nam (km 74 - km 95).

Gỡ khó xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải

(HBĐT) - Mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh có khoảng 5.100 km, trong đó có 5 tuyến QL bao gồm: QL 21, QL 6, QL 15, QL 12 B và đường Hồ Chí Minh với chiều dài 308 km, đường tỉnh 386 km, đường huyện 740 km, đường GTNT 3.351 km, đường chuyên dùng 112 km, gần 150 km đường thủy nội địa trên các tuyến sông Đà và sông Bôi...

Các khu công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững

(HBĐT) - Trưởng BQL các KCN tỉnh Đỗ Hải Hồ cho biết: Xác định lấy công nghiệp làm mũi nhọn phát triển kinh tế, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển công nghiệp bền vững và hiệu quả. Đối với đặc thù của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, để phát triển công nghiệp, tỉnh ta phải giải quyết 4 vấn đề cơ bản bao gồm: công tác quy hoạch; đầu tư hạ tầng; cải cách hành chính; chuẩn bị nguồn nhân lực để phục vụ các dự án đầu tư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục