Mặc dù đã 64 tuổi nhưng ông Bùi Văn Tiến vẫn say sưa trồng cam.

Mặc dù đã 64 tuổi nhưng ông Bùi Văn Tiến vẫn say sưa trồng cam.

(HBĐT) - Khi về vùng đất Cao Phong để tìm tư liệu viết bài về cam, một anh bạn bảo tôi: năm nay anh tha hồ mà viết. Chỉ riêng thị trấn Cao Phong này mà đếm sơ sơ có đến gần 20 hộ gia đình thu nhập từ một tỷ trở lên. Còn những hộ thu vài trăm triệu thì không tính. Quả thực, khi về đến Cao Phong tôi mới biết năm nay, những người trồng cam thu hoạch lớn. Cam vừa được mùa, vừa được giá và đang dần khẳng định thương hiệu.

 

Người đầu tiên tôi gặp là ông Bùi Văn Tiến ở khu 3, thị trấn Cao Phong. Năm nay ông  64 tuổi nhưng dáng đi thoăn thoắt trong vườn cam như một thanh niên. Vừa tiếp tôi, ông vừa bán cam. Thương lái vào tận vườn mua. Thỉnh thoảng người mua cam lại gọi: Bác Tiến, bác vào xem cân. Một lúc thì có người lên gọi: Bác Tiến, gốc cam chỗ kia có bới gốc tiếp không? Rồi ông bảo tôi: anh vào dịp này tôi cũng bận quá. Cả nhà đang tập trung thu cam Xã Đoài và thuê người bới gốc bón phân cho cam. Vừa làm, ông vừa trò chuyện với tôi: Năm nay Cam được mùa, được giá anh ạ! Dự tính cam Xã Đoài được 50 tấn, cam Canh 55 tấn, quýt ôn Châu 20 tấn, với giá bán hiện tại thu được khoảng hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, chi phí sản xuất gồm: thuê người làm, thuốc sâu, phân bón chỉ mất khoảng 800 triệu. Rồi ông cười bảo: Nghe nói tiền tỷ cũng sướng nhưng không phải ai cũng dám làm. Bởi đầu tư cho cây cam phải đầu tư lớn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nhiều năm đầu tư cho cây nhưng đến vụ gặp sương muối, mưa đá, ra vườn nhìn thấy cam rụng đầy gốc.  

 

Khi đã vãn việc, ông ngồi tâm sự về hành trình đến với cây cam của mình. Từ năm 2004, Nông trường Cao Phong (nay là Công ty rau quả Cao Phong) cho các hộ nhận khoán trồng cam. ông bàn với gia đình nhận 5 ha. Không có vốn, ông làm thủ tục vay ngân hàng và vay thêm người nhà. Cái khó khăn nhất khi trồng cam ở đất ông nhận khoán là nước tưới. Sau khi tính toán mọi nguồn nước, chỉ có cách dẫn nước từ suối Bưng cách đó hơn 3 km. Nhiều người cản nhưng ông vẫn quyết tâm làm với suy nghĩ mình trồng cam là làm lâu dài không như trồng cây khác. ông bỏ ra 130 triệu đồng mua máy bơm và ống nước dẫn theo đường giao thông về tận vườn nhà mình. Để chủ động nguồn nước tưới cho cam, ông đầu tư xây bể nước 60 m3. ông cùng các hộ khác mỗi hộ góp vài chục triệu đồng làm đường để xe vào tận vườn mua cam. Vào thời điểm đó, việc đầu tư như ông là mạo hiểm vì cây cam chưa có chỗ đứng trên thị trường. Để lấy ngắn nuôi dài, ông trồng mía tím xen cam. Năm đầu tiên ông thu mía được 300 triệu đồng. Có chút vốn, ông đầu tư lại cho cam. Đến năm thứ ba, khi mía hết kỳ thu hoạch, ông phá gốc bắt đầu thu cam. ông bảo: Thu nhập cây cam theo thời tiết, thời giá. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí lãi trên 1 tỷ đồng. Như năm ngoái mất mùa, tuy thu được trên 1 tỷ nhưng lãi không được nhiều. Vườn cam của ông ngoài tạo việc làm cho gia đình, ông còn thuê thêm lao động ở những xã xung quanh có thời điểm lên đến 50 người.

 

Một trong những đại gia cam ở đất Cao Phong phải kể đến ông Tạ Đình Đào ở khu 5B. Năm 1961,ông tạm biệt quê hương Thanh Sơn (Phú Thọ) lên lập nghiệp ở Nông trường cam Cao Phong. Sau khi lập gia đình, ông gắn bó với mảnh đất này.  Năm 1994, khi Nông trường Cao Phong có chủ trương giao đất cho gia đình công nhân, ông Đào nhận khoán một ha đất để trồng cam. Không có vốn, không có tài sản để thế chấp ngân hàng, ông phải vay lãi ngoài 30 triệu đồng mua giống, phân, thuốc để trồng cam. Xác định đây là cây dài ngày, ông trồng xen cây ngắn ngày như ngô, đậu tương để có thu nhập nuôi cây cam. Theo chu kỳ, sau 4 năm cây cho thu hoạch với khoảng 60-70 tấn cam. Nhưng do không có vốn, đầu tư chắp vá, sau 6 năm cam của ông mới cho thu hoạch. Năm 2000, ông thu hoạch được 13 tấn với số tiền 40 triệu đồng. Số tiền này không đủ trang trải nợ những năm ông đầu tư chăm sóc cây. ông tiếp tục vay vốn để đầu tư cho cam, học hỏi qua sách báo, tập huấn và  đi học hỏi những nơi có truyền thống trồng cam. Năm sau, cây cam được chăm sóc đúng kỹ thuật, đầu tư tốt nên năng suất tăng. Đồng thời giá cam cũng tăng dần. Tuy nhiên, việc đầu tư cho cây cam phải tính đến đầu tư dài hơi. Năm 2002, ông lại tiếp tục vay 50 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới cho cam. Cây cam không phụ lòng người, năng suất ngày càng tăng và đầu tư cho cây giảm. Đến năm 2005, nhờ có thu nhập từ cam ông đã trả hết nợ và mua thêm đất để trồng cam. Với phương châm “bỏ trứng vào nhiều giỏ” ông đầu tư trồng các loại cam Xã Đoài, cam Vinh, quýt ôn Châu, bưởi Diễn, cam Canh, cam Valenxia. ông Đào cho biết: đầu tư cho cây cam là đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao nhưng cho thu nhập cũng cao. Do vậy, muốn trồng cam thành công phải chọn được đất tốt, phù hợp với cây, có vốn đầu tư, chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật và phải trồng nhiều loại để tránh rủi ro. Như năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, giống cam Valenxia bị rụng hết quả.  Đến nay, ông đã có gần 6ha cam, quýt và bưởi. Ngoài tạo thu nhập cho gia đình, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/ tháng và nhiều lao động thời vụ địa phương. Năm 2009, từ cây cam, gia đình ông đã có thu nhập gần 1,5 tỷ đồng. ông tâm sự: Năm nay vườn cam của gia đình cho thu khoảng 120 tấn. Với giá hiện nay thì thu nhập khoảng trên 2 tỷ đồng. Ngoài cam, bưởi Diễn của ông bắt đầu cho thu được hơn 3 vạn quả. Trồng cam trở thành nguồn thu nhập chính của ông và giúp ông xây dựng được nhà và gây dựng cơ nghiệp cho các con cháu mình.

 

 

                                                                                Việt Lâm

 

 

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục