Hộ ông Bùi Văn Bu, xóm Nam Hạ chăn nuôi lợn thịt 3 lứa/năm cho thu nhập khá.
(HBĐT) - Gọi xóm Nam Hạ, xã Nam Thượng (Kim Bôi) là “Làng chăn nuôi” cũng chẳng ngoa bởi ở đây, 100% hộ gia đình đều có nuôi trâu, bò và lợn. Số lượng các loại gia cầm đếm được trên 4.000 con. Tổng đàn lợn trên, dưới 2.000 con còn đối với trâu, bò, 100% hộ đều chăn nuôi tuy số lượng không nhiều, bình quân 1 – 2 con/hộ.
Sôi động nhất phải kể đến phong trào chăn nuôi lợn sinh sản và chăn nuôi lợn thịt. Tổng số con nái toàn xóm 135 con, nhiều hộ đầu tư nuôi 4 – 5 con nái như các gia đình ông Quách Văn Huấn, Bùi Văn Bu… Trong xóm, không khó tìm ra những điển hình duy trì, phát triển chăn nuôi thường xuyên, liên tục, cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định. Ông Bùi Văn Vi, Quách Văn Huấn, Bùi Văn Thửng, Bùi Văn Bu là những hộ chăn nuôi như vậy. Đây cũng là những hộ đã và đang chăn nuôi theo hướng gia trại có quy mô 4 – 5 nái đẻ, duy trì đàn lợn thịt từ 30 – 35 con/lứa.
Dẫn chúng tôi vào thăm gia trại lợn của các hộ gia đình trong xóm Nam Hạ, anh Bùi Văn Linh, cán bộ thú y xã cho biết: Bà con ở đây rất chịu khó tìm tòi, áp dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi. Bên cạnh việc đầu tư cao về chế độ dinh dưỡng cho đàn, công tác chăm sóc, phòng bệnh như tiêm phòng các bệnh thường gặp cho trâu, lợn, nhỏ thuốc phòng cho gà, vịt, tẩy giun sán cho vật nuôi định kỳ cũng được các hộ chú trọng. Đặc biệt, nghề chăn nuôi lợn thịt đã được các hộ phát triển mạnh trong 2 – 3 năm gần đây. Bên cạnh những hộ tự bỏ vốn chăn nuôi, Một số hộ đã mạnh dạn liên kết với công ty ngoài tỉnh chuyên cung cấp giống và thức ăn gia súc để hợp tác làm ăn, cùng phát triển.
Ông Bùi Văn Thửng hiện đang chăn nuôi đàn lợn thịt và nái đẻ hơn 30 con. Ông Thửng tâm sự: Nếu cứ mãi như trước đây, cuộc sống chỉ trông chờ vào khoảnh ruộng cấy khó có ngày “mở mày, mở mặt”. Bắt tay vào chăn nuôi được mấy năm, kinh tế gia đình cải thiện hơn hẳn, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu nhập từ 3 lứa lợn khoảng 70 – 80 triệu đồng. Ông cũng cho biết thêm: Muốn làm giàu từ chăn nuôi, nông dân không chỉ thức khuya, dậy sớm mà cần phải chú trọng đầu tư, quan tâm đến yếu tố môi trường chăn nuôi và các biện pháp an toàn dịch bệnh.
Từ năm 2010 đến nay, mặc dù chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển nhưng với ý thức cao trong bảo vệ, chăm sóc và đầu tư cho đàn vật nuôi, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh lớn làm tổn hại đàn gia súc, gia cầm. Đàn vật nuôi tăng cao và duy trì ổn định, góp phần mang lại thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Theo ông Bùi Văn Ấm, trưởng xóm, xóm Nam Hạ xưa nay có rất ít đồi rừng, diện tích đất ruộng cũng hạn chế nên đói nghèo mãi đeo bám. Từ khi mở hướng phát triển chăn nuôi, đời sống KT-XH của xóm chuyển biến tích cực. Đến nay, xóm chỉ còn 25 hộ nghèo, cận nghèo, bình quân thu nhập đạt hơn 9 triệu đồng/người/năm. 100% tổng số hộ đã có nhà xây kiên cố, bán kiên cố. Hàng chục hộ nhờ chăn nuôi đã thoát nghèo, đảm bảo thu nhập bình quân từ 40 – 50 triệu đồng/năm đến hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như hộ ông Bùi Văn Huấn cho thu nhập mỗi năm từ chăn nuôi khoảng trên 100 triệu đồng.
Bùi Minh
(HBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 36 xóm đặc biệt khó khăn có địa hình hiểm trở, chia cắt rất phức tạp, chủ yếu là đồi, núi cao, đất sản xuất có độ dốc lớn, đất đai nhiều nhưng diện tích sản xuất ổn định rất ít, tỷ lệ hộ nghèo cao, thiếu đường giao thông, điện lưới, nước sinh hoạt, xa trung tâm xã... Những xóm này cần có cơ chế, chính sách và sự giúp đỡ của Nhà nước phát triển KT- XH.
(HBĐT) - Vừa qua, Công ty TNHH nghiên cứu Kỹ thuật R Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (2003-2013). Tới dự có đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành, các công ty khách hàng và hơn 535 CNLĐ của công ty.
(HBĐT) - Ngày 6/3, đoàn công tác của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT do đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi.
(HBĐT) - Sáng 6/3, Công ty TNHH Nissin Manufacturing Việt Nam đã tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất các bộ phận máy móc, thiết bị vận tải tại KCN Lương Sơn.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Sở GT-VT, toàn tỉnh hiện có trên 5.000 km đường GTNT nhưng mới cứng hoá được khoảng 30%, còn lại là đường đất hoặc cấp phối. Năm 2012, vốn cho đề án cứng hoá GTNT là 53,5 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ xi măng cho các địa phương làm 110 km đường bê tông xi măng 26,7 tỉ đồng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các địa phương đã hoàn thành và vượt mức kế hoạch được giao như Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy...
(HBĐT) - Thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp gắn với chế biến và giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, ngành chăn nuôi của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng tăng về chất lượng, thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh, hiệu quả chăn nuôi cao. Toàn tỉnh hiện có 300 mô hình chăn nuôi tập trung bán công nghiệp, chủ yếu ở các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn.