Chợ Nghĩa Phương, thành phố Hòa Bình dịp Quốc khánh 2 – 9 tăng nhẹ sức mua.
(HBĐT) - Chỉ còn vài ngày nữa là Quốc khánh ngày 2/9, không khí mua sắm nhộn nhịp hơn so với ngày thường. Dịp này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại rầm rộ đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá – một trong những giải pháp kích cầu hiệu quả để thu hút khách hàng còn tại các chợ truyền thống, các hộ kinh doanh đã chuẩn bị nguồn hàng phong phú đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Khảo sát giá đối với các mặt hàng thiết yếu tại các chợ trên địa bàn thành phố Hòa Bình, nhóm lương thực và một vài loại thuộc nhóm thực phẩm tăng giá nhẹ. Đơn cử như mặt hàng gạo tăng ở mức 500 – 1.000 đồng/kg, thịt lợn tăng 5.000 đồng/kg tùy loại, thịt bò tăng từ 240.000 đồng lên 250.000 đồng/kg. Cùng với đó, thị trường rau xanh tiếp tục xu hướng tăng nhẹ do nguồn cung thiếu hụt, các loại rau muống, ngót, mồng tơi tăng dao động trong khoảng 1.000 đồng/bó. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm thường tăng giá vào các dịp lễ, Tết là gia cầm (gà, ngan, vịt) lại không có biến động tăng. Theo chị Thảo – tiểu thương chuyên kinh doanh gia cầm tươi sống ở chợ Nghĩa Phương, để chuẩn bị hàng cho dịp Quốc khánh, chị đã đi mua gom gà ngon ở các điểm chợ như Dũng Phong (Cao Phong), Lũng Vân (Tân Lạc) về đây. Hiện giá chung ở chợ đối với gà ta chưa tăng (110.000 đồng/kg) nhưng vẫn chưa có nhiều người mua, mỗi buổi, chị tiêu thụ được 5 - 6 con gà sống. Người dân cũng hay chọn mua các loại gia cầm khác như ngan, vịt trong dịp này có giá cả ổn định. Tại chợ Mới, phường Hữu Nghị, giá chung đối với vịt sống là 45.000 đồng/kg, ngan 55.000 đồng/kg.
Dạo qua hệ thống siêu thị, các cửa hàng, giá bán của hầu hết các loại hàng hóa vẫn theo mức giá niêm yết trước đây. Chị Lan – nhân viên bán hàng tại cửa hàng kinh doanh thương mại tổ 23, phường Đồng Tiến cho biết: Thời buổi cạnh tranh, có không ít mặt hàng đã phải nhập vào với giá cao hơn nhưng giá bán lẻ không dám thay đổi bởi nếu người tiêu dùng hiện có nhiều điểm mua sắm để so sánh, chọn lựa nên quan trọng nhất là giữ chân khách hàng. Tại siêu thị Vì Hòa bình, bên cạnh bảng giá niêm yết các mặt hàng không tăng, một số sản phẩm như sữa, bột giặt, áo váy thời trang, giày dép… còn áp dụng chương trình khuyến mại, giảm giá khá hấp dẫn như tặng chậu nhựa, xả vải đối với nước giặt OMO, giảm 10% đối với giày dép hàng Việt Nam…
Theo nắm bắt, ghi nhận của PV, sức mua trên thị trường ở thời gian cao điểm lễ, Tết này tuy có sự cải thiện nhưng chưa sôi động. Do khó khăn về mặt bằng kinh tế chung, người tiêu dùng phải tính toán, cân nhắc khi mua sắm, chi tiêu bởi đây cũng là dịp con em cũng bước vào mùa tựu trường. Sức mua nhiều khả năng sẽ tăng cao vào những ngày cuối tuần tới, đồng nghĩa với việc một số hàng hóa trên thị trường, nhất là ở các chợ lẻ bất ngờ tăng giá mạnh, khó lường. Ngay lúc này, để kiềm chế tăng giá, lực lượng QLTT các huyện, thành phố trong tỉnh cần theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, kịp thời có biện pháp bình ổn giá nhằm ổn định thị trường, giá cả. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, thuế, phí trên địa bàn, xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng thời gian cao điểm để tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật, tăng giá dây chuyền.
Bùi Minh
(HBĐT) - Sáng 27/8, tại Sở Tài chính, đồng chí Nguyễn Minh Quang, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban KT-NS (HĐND tỉnh) đã chủ trì giám sát tình hình thực hiện chế độ tự quản, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP và Nghị định 43/2006/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh. Tham gia đoàn giám sát có các đồng chí là thành viên Ban KT-NS và lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh.
(HBĐT) - Không thuế, không hoá đơn, không giấy phép kinh doanh, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng... Đó là những đặc điểm khá nổi bật của hình thức kinh doanh qua mạng hiện đang trở nên khá phổ biến trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Hội Nông dân tỉnh vừa tiến hành giải ngân và triển khai thực hiện 4 dự án hỗ trợ nông dân. Theo đó, tại huyện Kỳ Sơn có 2 dự án gồm: dự án nuôi trâu vỗ béo ở xã Phú Minh (Kỳ Sơn), tổng vốn vay 300 triệu đồng, quy mô 15 hộ tham gia; dự án nuôi lợn bản địa sinh sản tại thị trấn Kỳ Sơn có tổng vốn vay 300 triệu đồng, quy mô 15 hộ.
(HBĐT) - Theo Sở GT - VT tỉnh, trục đường 433 từ thành phố Hoà Bình đi Đà Bắc có chiều dài khoảng 90 km được đánh giá là một trong những trục giao thông huyết mạch của tỉnh. Đặc biệt đoạn từ km0 -:- km23 được xây dựng từ lâu và không đồng bộ nên qua quá trình sử dụng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của toàn khu vực nơi tuyến đường đi qua.
(HBĐT) - Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển KT-XH để xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, chính quyền xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) đã tập trung phối hợp mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thường xuyên nắm chắc tình hình để phòng ngừa có hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và tạo điều kiện về vốn vay cho dân cư trên địa bàn đầu tư sản xuất.
(HBĐT) - Theo thông tin từ Sở TN&MT, đến nay đã thu hồi được 274 ha đất tại Nông trường Cao Phong, 244 ha tại Nông trường Sông Bôi, huyện Lạc Thủy. Sở đã gửi hồ sơ đề nghị thu hồi đất do Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Hòa Bình (trả ra) và huyện Yên Thủy đã gửi hồ sơ đề nghị thu hồi đất do Công ty TNHH một thành viên 2-9 Hòa Bình (trả ra) về Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định.