Dày đặc các quảng cáo bán hàng quần áo trẻ em trên các trang facebook cá nhân.
(HBĐT) - Không thuế, không hoá đơn, không giấy phép kinh doanh, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng... Đó là những đặc điểm khá nổi bật của hình thức kinh doanh qua mạng hiện đang trở nên khá phổ biến trên địa bàn tỉnh.
Chỉ bằng một thao tác đơn giản: gõ cụm từ "mua hàng trực tuyến" trên trang tìm kiếm google.com.vn, chỉ trong vòng 1 giây sẽ hiện lên khoảng 36,5 triệu kết quả với hàng loạt các lời mời chào hấp dẫn: mua hàng trực tuyến giá rẻ nhất; mua bán online chất lượng, giá tốt nhất thị trường... Cùng với việc cước sử dụng internet ngày càng giảm, số lượng người dùng tăng nhanh chóng, nhiều người nhanh nhạy đã sớm nhận ra: đây là loại hình kinh doanh có nhiều ưu việt. Đó cũng là lý do mà loại hình kinh doanh qua mạng bùng phát và nở rộ trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta, hình thức kinh doanh này mới chỉ xuất hiện 3 năm gần đây và phát triển mạnh vào năm 2012, 2013 trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook. Với trên 500 triệu thành viên, đây đang là địa chỉ khá hấp dẫn để mở rộng các kênh bán hàng.
Chủ một trang facebook tại thành phố Hoà Bình có tên M.T. cho biết: Với tính năng chính là kết nối cộng đồng và có tốc độ lan truyền đến chóng mặt, facebook thực sự là công cụ hiệu quả để rao bán hàng. Với cách này có thể thu hút được lượng khách kha khá đến thăm gian hàng của mình. Tôi coi đây là công cụ quảng cáo hơn là để bán được hàng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là từ khi lập trang facebook số lượng hàng bán ra cũng như khách hàng của tôi tăng đột biến. Đặc biệt với dân văn phòng bận bịu, nhu cầu mua hàng qua mạng rất lớn, đây cũng là đối tượng khách hàng chính mà tôi nhắm tới". Sau hơn 1 năm mở “shop” trên facebook, chị M. đã trở nên khá nổi trên mạng. Từ việc kết bạn để có thêm khách hàng, giờ đây, chị có thêm nhiều người bạn đúng nghĩa. Thông qua các bình luận, chia sẻ, việc ấn like (thích) một sản phẩm giúp chị biết sở thích, thị hiếu của khách hàng, bên cạnh đó khoảng cách giữa người mua- bán cũng được thu hẹp lại.
Kinh doanh trên facebook rất đơn giản khi trang mạng xã hội này có chế độ post ảnh theo album, hiển thị ảnh theo khổ lớn. Chỉ cần đưa hình ảnh sản phẩm, đính kèm là mô tả và giá bán là đã có thể kinh doanh trên mạng xã hội lớn nhất hiện nay này. Không chỉ lan rộng trong giới trẻ, phụ nữ văn phòng, hình thức kinh doanh này đã lan sang cả các công ty tư nhân trên địa bàn như: Tân Anh bar (tại Siêu thị Vì hoà bình), bánh ngọt Phú Thuỷ... song các doanh nghiệp này chủ yếu chỉ dùng các trang mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm.
Không thể phủ nhận những ưu việt mà kinh doanh qua mạng (ở tỉnh ta phổ biến là qua trang mạng xã hội facebook) cho cả người bán, người mua. Tuy nhiên, vấn đề quản lý chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, thuế... đang cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Chị Đặng Lệ Anh, nhân viên văn phòng cho biết: Tôi rất thích mua hàng qua mạng do tiện lợi, chủng loại hàng hoá phong phú và đặc biệt tiết kiệm thời gian. Song mua hàng qua mạng, người bán hàng "nắm đằng chuôi" vì chỉ khi đã chuyển tiền, nhận được tiền, các chủ shop mới gửi hàng. Cũng vì thế mà không ít lần khách hàng đã phải ngậm ngùi vì các trang facebook bán hàng không uy tín theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó", hàng không đảm bảo chất lượng. Chưa kể đến là việc khi mua hàng qua các trang mạng xã hội, dù giá trị đơn hàng có lên đến vài triệu đồng, người bán cũng không thể xuất hoá đơn khi khách hàng yêu cầu. Nguyên nhân của thực trạng này do đâu? Lý giải vấn đề này như thế nào? Câu trả lời xin dành cho ngành chức năng.
Trao đổi với đồng chí Dương Kinh Châu, Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố Hoà Bình, được biết: từ trước đến nay, cơ quan thuế quản lý thuế bằng hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán; các cơ sở kinh doanh cá thể dựa vào tình hình doanh thu mà ấn định thuế nên khi kinh doanh trực tuyến nở rộ, cơ quan thuế “chới với”. Do không có cách theo dõi nguồn thu như thế nào nên không biết cách quản lý nguồn thuế của kinh doanh qua mạng. Hiện nay, cơ quan thuế cũng không có bộ phận chuyên biệt nào theo dõi mảng thuế kinh doanh qua mạng. Quản lý thuế lâu nay được chia theo địa bàn, theo lĩnh vực nên khi xã hội phát sinh loại hình kinh doanh mới chưa có cách quản lý.
Kinh doanh qua mạng không còn mới ở nước ta song lại là loại hình kinh doanh khá mới trên địa bàn tỉnh. Những ưu việt của loại hình kinh doanh này là điều không thể phủ nhận song làm sao để quyền lợi của khách hàng được đảm bảo, tránh thất thu thuế của Nhà nước... là bài toán cần sớm đưa ra lời giải.
H.Y
(HBĐT) - Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng trước đã tăng 0,42%. Trong số 11 nhóm hàng hoá có 5 nhóm giữ giá ổn định và 6 nhóm có biến động tăng.
(HBĐT) - Thực hiện chính sách đổi mới về công tác phi chính phủ nước ngoài và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, trong nhiều năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã tăng cường các hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư, hợp tác, viện trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO) nhằm hỗ trợ phát triển KT-XH trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả hợp tác, góp phần mở rộng mối quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới.
(HBĐT) - Sau 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành hệ thống quản lý từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Nhận thức của đại đa số CB, ĐV và nhân dân đã có chuyển biến rõ nét, tạo nên sự gắn bó, đoàn kết; vai trò chủ thể của người dân từng bước được khẳng định thông qua việc tham gia ý kiến, thực hiện giám sát từ khâu quy hoạch đến hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng; chủ động, tự giác tham gia đóng góp sức người, sức của thực hiện chương trình...
(HBĐT) - Chiều ngày 24/8, Hội DNN&V đã tổ chức sơ kết hoạt động hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2013. Tới dự có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội DNN&V tỉnh; Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DNN&V Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.
(HBĐT) - Đến ngày 30/6, kết quả cấp GCN của các huyện, thành phố trong tỉnh đều chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, khối lượng đã thực hiện đạt thấp so với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đồng chí Đinh Văn Văn Hòa, GĐ, Sở TN&MT cho rằng, cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, UBND huyện, thành phố; phân công cán bộ chuyên môn đủ năng lực giúp việc các tổ công tác để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh tại cơ sở, đẩy nhanh tiến độ cấp GCN, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc cấp GCN trong năm 2013.
(HBĐT) - Cao Sơn là xã vùng cao của Đà Bắc. Dù chỉ cách xa trung tâm huyện 10 km nhưng địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi bởi khe núi. Đường giao thông đến các xóm còn nhiều khó khăn. Có xóm cách xa trung tâm tới 12 km mà người dân vẫn ví von lên được xóm Sưng thì phải sưng và mỏi hết cả hai đầu gối. Xã có diện tích tự nhiên trên 5.000 ha, trong đó, đất lâm trường đang quản lý 1.457 ha, đất phù hợp sản xuất nông nghiệp 860 ha, chiếm tỷ lệ 24,06%, đất sản xuất lâm nghiệp 2.100 ha, diện tích nuôi thủy sản 38,2 ha, đất phi nông nghiệp 268 ha, còn lại là đồi, núi đá.