Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường Mai Thúc Loan (phường Hữu Nghị - TPHB) đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2013.
(HBĐT) - “Còn không ít dự án đầu tư hoàn thành không đúng tiến độ phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, chất lượng tư vấn khảo sát, thiết kế thấp dẫn đến phải bổ sung khối lượng, thay đổi quy mô, tổng mức đầu tư...” - Đó là nội dung đã được Chủ tịch UBND tỉnh đề cập trong Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường trách nhiệm trong quản lý đầu tư từ nguồn NSNN và nguồn TPCP.
Chỉ thị đưa ra những nội dung quan trọng yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố và chủ đầu tư tập trung thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các dự án đầu tư phát triển.
Theo đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh: trong thời gian qua, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã có nhiều cố gắng trong quản lý đầu tư từ nguồn NSNN và nguồn TPCP. Công tác quản lý đầu tư, xây dựng từng bước đi vào nề nếp. Tình trạng đầu tư dàn trải dần được khắc phục. Nợ đọng XDCB có chiều hướng giảm. Hiệu quả đầu tư từng bước được nâng cao. Tuy nhiên vẫn còn không ít dự án đầu tư hoàn thành không đúng tiến độ phải kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, chất lượng tư vấn khảo sát, thiết kế thấp dẫn đến việc phải bổ sung khối lượng, thay đổi quy mô, tổng mức đầu tư, nhiều hạng mục đầu tư không cần thiết, việc quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên có nơi, có việc còn chưa nghiêm.
Xuất phát từ thực tế trên, nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cấp, các ngành và các chủ đầu tư trong quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường trách nhiệm trong quản lý đầu tư từ nguồn NSNN và nguồn TPCP. Theo đó, yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực quản lý đầu tư, đặc biệt là các quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn NSNN và TPCP, Chỉ thị số 27/CT-TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB tại địa phương, Chỉ thị số 14/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB nguồn NSNN và TPCP.
Gần đây, trong cuộc họp giao ban đánh giá công tác XDCB 9 tháng qua, Sở KH&ĐT đã đề cập đến một số vấn đề trong quản lý đầu tư xây dựng giai đoạn hiện nay. Sở này cho biết: Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, tỉnh đã cho tạm dừng thi công hầu hết dự án khởi công mới trong năm 2011. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư vẫn tiến hành cho triển khai thực hiện dự án. Đến nay, các công trình này có khối lượng hoàn thành nhưng không có vốn thanh toán, gây nên ra nợ XDCB gồm 5 dự án với số nợ XDCB là 6,524 tỷ đồng. Thêm vào đó, thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg, tỉnh đã có 26 dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ, dừng ở điểm dừng kỹ thuật hợp lý, ngoài ra còn nhiều dự án sử dụng vốn hỗ trợ có mục tiêu của NST.Ư đã quá hạn thực hiện (nhóm 3 năm và nhóm 5 năm) nhưng chưa bố trí đủ vốn. Đáng lo ngại là nhiều dự án đã vượt quá thời gian theo quy định hoặc vượt khả năng cân đối của ngân sách. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư cắt giảm quy mô, giãn hoãn tiến độ, thực hiện điểm dừng kỹ thuật phù hợp với khả năng ngân sách. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện. Qua báo cáo kết quả kiểm tra của Sở KH&ĐT, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2167/VPUBND-CNXD ngày 27/6/2013 đề nghị chủ đầu tư của 62 dự án thuộc diện phải cắt giảm quy mô, thực hiện điểm dừng kỹ thuật nhưng đến nay chưa dự án nào thực hiện.
Cũng theo tổng hợp của Sở KH&ĐT (từ báo cáo của các chủ đầu tư): đến ngày 30/6, số nợ XDCB của tỉnh 305,265 tỷ đồng, trong đó, số nợ của các dự án đang được bố trí vốn nhưng không đủ thanh toán là 284,776 tỷ đồng, số nợ của các dự án không nằm trong kế hoạch đầu tư (tạm dừng theo Nghị quyết 11/NQ-CP, chủ đầu tư tự khởi công, sử dụng vốn vay khi chưa xác định được nguồn trả nợ) là 20,489 tỷ đồng. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nợ khối lượng các công trình, dự án XDCB là do chủ đầu tư để nhà thầu thi công thực hiện khối lượng vượt quá quy định (vượt quá kế hoạch vốn), một số dự án đã ngừng cấp vốn nhưng chủ đầu tư vẫn cho triển khai thực hiện.
Trao đổi về tầm quan trọng của phải tăng cường trách nhiệm trong quản lý đầu tư công, đồng chí Bùi Hải Quang, Giám đốc Sở KH&ĐT thẳng thắn cho biết: Trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển, nếu không quản lý tốt sẽ gây lãng phí lớn cho Nhà nước và xã hội. Từ năm 2011 đến nay đã có nhiều văn bản, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nội dung tăng cường, chấn chỉnh về quản lý đầu tư xây dựng. UBND tỉnh vả Chủ tịch UBND tỉnh cũng có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, một số sở, ban, ngành và các chủ đầu tư chưa thực sự nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện. Nhiều chủ đầu tư không chủ động thực hiện các chỉ đạo mà phải đợi các cơ quan trực tiếp làm việc, rà soát và yêu cầu, khi đó mới thực hiện. Điển hình là việc cắt giảm các hạng mục không thực sự cần thiết, điều chỉnh quy mô dự án, giãn hoãn tiến độ đối với những dự án vượt quá khả năng của ngân sách hoặc đã quá thời gian thực hiện theo quy định.
Giám đốc Sở KH&ĐT Bùi Hải Quang nhấn mạnh: Thực tế cho thấy tình trạng lãng phí ngân sách trong đầu tư xây dựng còn diễn ra như thiết kế thừa, có hạng mục không thực sự cần thiết nhưng vẫn đầu tư, có dự án lựa chọn phương án thiết kế chưa phù hợp, có dự án hiệu quả đầu tư thấp, nhiều dự án phải đề nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư không kiểm soát được. Chính vì vậy, thời gian tới, đề nghị các chủ đầu tư tăng cường trách nhiệm trong quản lý đầu tư, nghiêm túc rà soát dự án, thực hiện điều chỉnh dự án đảm bảo hiệu quả đầu tư, mục tiêu đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn và hoàn thành thời gian đúng tiến độ. Trường hợp dự án vượt quá tổng mức đầu tư do biến động tăng giá bất thường nguyên, nhiên, vật liệu, chính sách tiền lương hoặc chi phí giải phóng mặt bằng: ngay sau khi xác định rõ các yếu tố làm tăng tổng mức đầu tư, chủ đầu tư có trách nhiệm rà soát khối lượng công việc, lựa chọn phương án tối ưu để cắt giảm, giãn hoãn các hạng mục chưa cấp thiết hoặc thay thế vật tư, thiết bị (nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chủ yếu, các yêu cầu về kỹ thuật của dự án), trình người quyết định đầu tư xem xét điều chỉnh quy mô của dự án trên cơ sở đảm bảo mục tiêu không làm tăng tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
(HBĐT) - Ngày 18/10, BQL dự án phát triển lâm nghiệp (Kfw7) Hòa Bình tổ chức hội nghị giao ban công tác quý III, triển khai nhiệm vụ quý IV. Đến dự có lãnh đạo Sở NN&PTNT, BQL dự án các huyện, thành phố và các xã tham gia dự án.
(HBĐT) - Có một thực tế khó khăn lâu nay ở huyện vùng cao Đà Bắc là mặt bằng dân trí còn thấp, cơ sở hạ tầng chưa thuận lợi, nhất là tập quán canh tác của đồng bào nơi đây còn chậm được khắc phục, hạn chế trong phát triển sản xuất hàng hóa, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh đất đai. Theo đồng chí Hoàng Minh Phương, Phó Chủ tịch Hội ND huyện, góp phần giải quyết tận gốc vấn đề trên, Hội đã và đang tăng cường công tác dạy nghề, hỗ trợ, giúp nông dân nâng cao kiến thức KH-KT, thúc đẩy phong trào thi đua lao động, SX-KD giỏi trong toàn Hội.
(HBĐT) - Ngày 17/10, BCĐ về Kế hoạc bảo vệ và phát triển rừng; BCĐ Kiểm kê rừng của tỉnh đã họp công bố các quyết định thành lập, thông qua các dự thảo quy chế hoạt động và triển khai các công việc cấp bách cuối năm 2013, kế hoạch thực hiện năm 2014. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Theo Chi cục phát triển lâm nghiệp, đến hết tháng 9, toàn tỉnh đã trồng mới được 8.751 ha rừng đạt 125% kế hoạch năm, bằng 100,1% so với cùng kỳ năm 2012 và 386.975 cây phân tán.
(HBĐT) - Theo thống kê của Tỉnh Đoàn, hiện có 57 DN trên địa bàn tỉnh có tổ chức Đoàn thanh niên. Trong đó có 16 tổ chức Đoàn được thành lập trong các DN dân doanh. Riêng các DN có vốn đầu tư nước ngoài chưa có tổ chức Đoàn TN.
(HBĐT) - Theo BQL các Khu công nghiệp tỉnh, đến cuối tháng 9 năm 2013 đã có tổng số 58 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh.