Người trồng cam xã Nam Phong (Cao Phong) thu hoạch vụ cam năm 2013, sản lượng đạt khoảng 25 tấn/ha, doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng/ha.
(HBĐT) - Năm 2007, diện tích cây ăn quả có múi của huyện Cao Phong mới có khoảng 560 ha, đạt sản lượng 3.000 tấn, đến cuối năm 2013 đã tăng lên 1.134 ha, sản lượng trên 15.000 tấn, ước thu bình quân khoảng 500-600 triệu đồng/ha. Nhờ khai thác tốt thế mạnh về sản xuất cây ăn quả có múi, trong đó, chủ lực là cây cam và quýt, huyện Cao Phong đã tạo được bước chuyển biến nổi bật về lượng và chất, từng bước hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá có tính chuyên canh và bền vững cao.
Cao Phong có diện tích đất SXNN 4.171 ha, chiếm 16,4% tổng diện tích đất tự nhiên. Nằm ở độ cao gần 300 m so với mực nước biển, huyện có khí hậu mát mẻ, phù hợp để trồng các loại cây ăn quả có múi. Hiện, toàn bộ diện tích cây có múi trên địa bàn huyện đang được trồng các loại giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, điển hình như cam Xã Đoài, cam V2, cam CS1, cam Canh, quýt Ôn Châu... cho năng suất cao, chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho hàng trăm hộ nông dân.
Đồng chí Vũ Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cây ăn quả có múi, trong đó, chủ lực là cam và quýt đã khẳng định được giá trị kinh tế cao, trở thành cây trồng mũi nhọn trong SXNN hàng hóa của huyện. Dự kiến đến năm 2020, toàn huyện sẽ có khoảng 1.800 ha cam, quýt các loại, được trồng ở tất cả các xã trong huyện với sản lượng 20.000 tấn trở lên, tập trung ở các xã, thị trấn có nhiều diện tích có độ dốc thấp. Cơ cấu giống hình thành theo hướng rải vụ, gồm giống chín sớm (CS1, quýt ôn Châu), chín trung bình (cam Xã Đoài, cam Canh), giống chín muộn (V2).
Để khai thác tốt thế mạnh về sản xuất cây ăn quả có múi, những năm qua, UBND huyện Cao Phong đã thực hiện đồng bộ và quyết liệt các chính sách hỗ trợ nông dân. Năm 2006, Huyện uỷ Cao Phong đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04/NQ-HU về việc phát triển vùng cây ăn quả, cây công nghiệp giai đoạn 2006 - 2009 và định hướng các năm tiếp theo về phát triển cây ăn quả có múi trên toàn huyện. Nhìn chung, huyện đã thực hiện tốt công tác quản lý, xây dựng chiến lược tạo ra vùng SXHH tập trung, từng bước thực hiện cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển cây ăn quả có múi, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các cấp, ngành, tổ chức - xã hội để hỗ trợ tích cực cho sản xuất. Bằng nguồn kinh phí trích từ ngân sách, UBND huyện đã giao các cơ quan chuyên môn xây dựng các mô hình trình diễn, thực hiện các hình thức hỗ trợ sản xuất, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi, tổ chức các cuộc hội thảo về hợp tác đầu tư... nhằm hỗ trợ nông dân, phát triển diện tích vùng cây ăn quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, xúc tiến mở rộng thị trường. Được biết, mỗi năm, UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ khoảng 800 triệu đồng cho các hoạt động trên.
Đặc biệt, trong nỗ lực nâng cao giá trị kinh tế cho cây ăn quả có múi, huyện Cao Phong xác định giải pháp quan trọng hàng đầu là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Năm 2007, sản phẩm cam, quýt Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp “Nhãn hiệu thương mại”, Công ty Rau quả Nông sản Cao Phong được giao quản lý và khai thác nhãn hiệu này. Sau đó, để duy trì được chất lượng của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cam, năm 2012, Sở KH&CN thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong, dự kiến sẽ đăng ký xong trong quý I/2014. Về phía địa phương, huyện đang khẩn trương xúc tiến việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho cam Cao Phong, tạo ra sản phẩm cam Cao Phong có thương hiệu, đạt chất lượng VSATTP cung cấp cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đây là những bước đi chắc chắn giúp huyện Cao Phong khai thác tốt thế mạnh về sản xuất cây ăn quả có múi, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về lượng và chất cho SXNN của địa phương.
Thu Trang
(HBĐT) - Những ngày đầu tiên của năm Giáp Ngọ 2014, nắng mới ngập tràn trên khắp các cánh đồng mang bao hy vọng cho bà con nông dân. Sau đó, những đợt mưa phùn giăng khắp nơi tiếp tục ban tặng cho vụ chiêm xuân năm nay một sự khởi đầu tốt đẹp. Đối với nhà nông, thời tiết diễn biến thuận lợi là món quà quý giá dành cho vụ chiêm xuân 2014. Họ tin tưởng rằng, năm Giáp Ngọ với ý nghĩa “mã đáo thành công” sẽ mang đến nhiều may mắn cho sản xuất nông nghiệp.
(HBĐT) - Từ năm 2011 đến nay, Dự án Giảm nghèo giai đoạn II đã hỗ trợ thực hiện 23 công trình với tổng giá trị xây lắp 30.058 triệu đồng tại các xã nghèo trên địa bàn huyện Yên Thủy.
(HBĐT) - Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 77/SNN-BVTV gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất.
(HBĐT) - Ngày 13/2, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo giai đoạn II tỉnh đã kiểm tra thực tế và đánh giá việc thực hiện liên kết trồng mía đường nguyên liệu tại huyện Yên Thủy.
(HBĐT) - Tết Nguyên đán – thời điểm mà người chăn nuôi gia cầm mong chờ xuất được lượng gà lớn vừa trôi qua. Nếu giờ này mọi năm, thị trường con giống đã nóng lên bởi nhu cầu tái đàn trong dân thì hiện tại người chăn nuôi còn đang nóng lòng, sốt ruột bởi một lượng lớn gà thương vẫn chưa tiêu thụ được..
(HBĐT) - Ngày 12/2, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc kiểm tra tình hình thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM tại xã điểm Dũng Phong, huyện Cao Phong. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành và huyện Cao Phong.