Năm 2014, vườn bưởi đã mang về cho gia đình ông Dương Tất Tính, xã Thanh Hối (Tân Lạc) trên 400 triệu đồng.
(HBĐT) - Theo Sở NN &PTNT, hiện nay, cây có múi chiếm khoảng 15% diện tích cây ăn quả, song giá trị so sánh lại chiếm tới 40% giá trị cây ăn quả. Với hiệu quả kinh tế nổi bật và tính ổn định cao, các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi, chanh... đã trở thành những “cây bạc triệu” trên đồng đất Hòa Bình, được lựa chọn là cây chủ lực làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân trong toàn tỉnh.
Gia đình ông Dương Tất Tính, xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối (Tân Lạc) trồng bưởi đỏ và bưởi da xanh từ năm 2009 trên diện tích 3.000 m2. Năm 2013, vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Năm 2014, theo đà tăng của giá cả thị trường, diện tích đó đã mang về cho gia đình ông khoản thu nhập không dưới 400 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây bưởi cao hơn hẳn so với các loại cây trồng truyền thống tại địa phương, gia đình ông Tính cũng như nhiều hộ nông nghiệp trong xóm Tân Hương 1 đã mạnh dạn cải tạo vườn, đồi tạp để đưa cây bưởi vào sản xuất. Nhà nào có đất là có bưởi, đến nay, cả xóm đã có trên 20 ha bưởi đỏ và bưởi da xanh. Theo thống kê sơ bộ của phòng NN &PTNT huyện Tân Lạc, toàn huyện hiện có trên 216 ha bưởi đỏ và bưởi da xanh, trong khi chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 10 của Huyện ủy Tân Lạc (về phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện Tân Lạc giai đoạn 2013 - 2020) là đến cuối năm 2015 toàn huyện sẽ có khoảng 200 ha.
Được biết, cây bưởi - trong đó chủ lực là bưởi đỏ và bưởi da xanh đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng /ha/năm cho nhiều hộ nông dân trong huyện. Đây là hai giống bưởi có khả năng sinh trưởng, phát triển, khả năng chống chịu các loại sâu bệnh tốt, năng suất và chất lượng cao, đặc biệt, có ưu điểm thời vụ thu quả vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian thu quả kéo dài nên hiệu quả kinh tế khá nổi bật. Cụ thể, trung bình mỗi cây bưởi đỏ khi bước vào thời kỳ kinh doanh có thể cho thu hoạch 100 - 150 quả thương phẩm, với giá thị trường hiện nay, giá trị sản phẩm đạt trên 300 triệu đồng /ha/năm. Còn với cây bưởi da xanh, trung bình mỗi cây cho thu hoạch 50 - 80 quả, cho thu khoảng trên 400 triệu đồng /ha/ năm. Với giá trị kinh tế cao vượt trội, bưởi đỏ và bưởi da xanh đang được mệnh danh là “cây bạc triệu” giúp nhiều hộ nông dân huyện Tân Lạc tự tin bám đất để làm giàu.
Nói đến “cây bạc triệu” không thể không nói đến cây cam đã nức tiếng của huyện Cao Phong. Hiện nay, Cao Phong đang có trào lưu rất sôi động là người người trồng cam, nhà nhà trồng cam. Theo báo cáo của UBND huyện: Năm 2010, diện tích trồng cam, quýt toàn huyện khoảng 557 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn, đến năm 2014, ước tính diện tích này đã đạt xấp xỉ 1.200 ha, sản lượng đạt gần 17.000 tấn. Hiện, bình quân 1 ha cam thu khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí người nông dân thu lãi ròng trên 400 triệu đồng /ha. Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Cao Phong hiện có trên 160 hộ trồng cam có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, 16 hộ có thu nhập từ 1 - 5 tỷ đồng từ bán sản phẩm. Với hiệu quả kinh tế nổi bật và tính ổn định cao, cây cam đã thực sự trở thành cây “vàng” trên đất Cao Phong và là cây chủ lực làm giàu cho hàng trăm hộ nông dân trong huyện.
Sản phẩm cam mang giá trị “bạc triệu” cho nông dân huyện Cao Phong.
Với sự xuất hiện đầy thuyết phục của loại cây trồng có múi như cam, quýt, bưởi... huyện Cao Phong và Tân Lạc đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, thực hiện được “bước nhảy dài” về lượng và chất trong nỗ lực hướng đến nền nông nghiệp hàng hoá có tính chuyên canh và bền vững cao. Mở rộng ra phạm vi toàn tỉnh, theo Sở NN &PTNT: Diện tích cây ăn quả toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 ha, chủ lực là cây có múi với tổng diện tích khoảng 2.694 ha (tăng 715 ha so với năm 2013), trong đó diện tích kiến thiết cơ bản 1.455 ha, diện tích kinh doanh 1.239 ha, năng suất đạt 219, 8 tạ/ha, sản lượng đạt 27, 23 ngàn tấn. Cụ thể: Diện tích trồng cam, quýt khoảng 1.774 ha (có 801 ha kinh doanh), năng suất đạt 265, 7 tạ/ha, sản lượng 21, 26 ngàn tấn; diện tích trồng bưởi 875 ha (có 376 ha kinh doanh), năng suất đạt 150 tạ /ha, sản lượng 5, 64 ngàn tấn. Đáng chú ý là mặc dù diện tích cây có múi chiếm khoảng 15% diện tích cây ăn quả, song giá trị so sánh lại chiếm tới gần 40% giá trị cây ăn quả. Thêm vào đó, tình hình tiêu thụ các loại quả có múi khá thuận lợi, giá bán bình quân cao hơn năm 2013 khoảng 20-25%. Giá bán hàng năm tăng mạnh góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của các loại cây bạc triệu này. Nhờ lựa chọn được cây trồng hiệu quả cao và bền vững, nhiều hộ nông nghiệp đã thoát nghèo và hướng tới làm giàu. Toàn tỉnh đã có khoảng 340 hộ nông nghiệp có mức thu nhập từ 500 triệu - 1 tỷ đồng /hộ/năm, đặc biệt, 42 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng /hộ/năm, các hộ này tập trung nhiều nhất tại huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Lương Sơn và Kim Bôi.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận: Nếu những cây lương thực có hạt như lúa, ngô được xác định là cây đảm bảo an ninh lương thực, cây xóa đói - giảm nghèo thì những cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi... với giá trị kinh tế cao nổi bật đã dần trở thành “cây làm giàu” của nhiều hộ nông dân. Đó là những cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác của nông dân tỉnh ta, được xác định là cây lợi thế cần khai thác tốt nhằm nâng cao giá trị sản xuất của ngành trồng trọt, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giàu đẹp.
Thu Trang
(HBĐT) - Từ nhiều đời nay, con dê đã gắn với đời sống bà con xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy. Nơi đây núi đá vôi bao quanh, đất canh tác ít nên con dê là lựa chọn số 1 để phát triển kinh tế gia đình và cũng chẳng có cây gì, con gì hơn con dê.
(HBĐT) - Ngân hàng CSXH huyện Yên Thủy vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác tín dụng năm 2014, triển khai công tác tín dụng năm 2015.
(HBĐT) - Với nhận thức công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, quyết định việc lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, năm 2014, Đảng bộ thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ CB, ĐV trong toàn Đảng bộ.
(HBĐT) - Những cánh rừng trồng xanh ngắt chạy dài, những vườn keo lai, keo tai tượng mỡ màng xen lẫn với trám, lát vươn mình trong nắng gió. Đất trời Hoà Bình hôm nay được khoác lên mình tấm áo xanh đầy sức sống của rừng. Đi dưới những tán rừng, không khí thoáng đãng trong, lành khiến lòng bỗng thanh thản lạ thường, tôi chợt nhớ đến lời ca trong một bài hát của nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân: “Một người không thể ngăn được gió /Một người không thể ngăn được lũ... Nhiều người trồng ta sẽ có ngàn cây /Vạn người trồng ta sẽ có rừng cây”.
(HBĐT) - Bao năm nay, nhiều hộ dân ở xóm Mừng, xã Xuân Phong (Cao Phong) sống ở những ngọn núi cao sát khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Thượng Tiến. Họ chỉ biết trồng ngô, sắn, đi làm thuê hay dựa vào rừng để sống, nay được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hộ bỏ hẳn cuộc sống du canh, du cư về với bản.
(HBĐT) - Theo lời bài hát “Nhớ mãi Kim Bôi” của nhạc sỹ Huy Tâm: “Anh ơi, anh hãy về Kim Bôi quê mẹ giữa mùa hoa mơ trắng ríu rít phiên chợ Bo Kim Bôi chén vàng xưa đong đầy nước mắt. Suối khoáng trong nhưng đời vẫn đục. Kim Bôi chén vàng nay đong đầy no ấm. Suối khoáng trong soi đời đẹp giàu ”... chúng tôi về thăm Mường Động đúng vào mùa hoa mơ, hoa đào khoe sắc thắm. Về Kim Bôi để tận mắt chứng kiến sự đổi thay của vùng đất chén vàng.