Từ định hướng liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh ta đã mở rộng diện tích khoảng 600 ha chè Shan tuyết tại các xã vùng cao huyện Mai Châu, Đà Bắc. Ảnh: Nông dân xã Yên Hòa (Đà Bắc) thu hoạch chè.
(HBĐT) - Trong sản xuất nông nghiệp, vai trò định hướng của các cơ quan chức năng là rất quan trọng, quyết định đến sự thành công của việc sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân. Vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp phải có những giải pháp phù hợp để khuyến khích sản xuất bền vững, đồng hành hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Vai trò định hướng của tỉnh
Theo Sở NN &PTNT, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, việc chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp đã khuyến khích nông dân trong tỉnh yên tâm sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản có giá trị kinh tế cao. Xác định là một tỉnh vẫn cơ bản thuần nông, do đó, trong định hướng phát triển KT -XH, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động quy hoạch lại sản xuất, triển khai thí điểm và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, quy trình canh tác tiến tiến được doanh nghiệp, nông dân ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên những lợi thế của địa phương như: vùng trồng cam tại huyện Cao Phong với diện tích khoảng 1.400 ha; bưởi tại huyện Tân Lạc với diện tích 542 ha trồng su su, tỏi tía tại các xã vùng cao huyện Mai Châu, Tân Lạc diện tích 150 ha; trồng mía tím tại các huyện Tân Lạc, Kim Bôi, Cao Phong, diện tích khoảng 6.000 ha; chè San Tuyết tại các xã vùng cao huyện Mai Châu, Đà Bắc diện tích 600 ha. Hàng năm, các vùng sản xuất của tỉnh đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 26 triệu cây mía tím, mía ép nước, 1, 5 vạn tấn cam, 4 triệu quả bưởi Diễn, bưởi đỏ, 1 vạn tấn nhãn, vải, 80 vạn tấn rau, đậu các loại, 5.000 tấn cá. Các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung góp phần đưa giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác ngày càng tăng, giữ ổn định tăng trưởng của ngành nông nghiệp hàng năm đạt từ 3,8 - 4%.
Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất, thời gian qua, tỉnh và các địa phương đã quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu bao bì, chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, một số sản phẩm hàng hóa của tỉnh đã có chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể như cam Cao Phong, rượu cần, mía tím; một số sản phẩm cũng đã xây dựng được bao bì nhãn hiệu như rau su su của huyện Tân Lạc, chè shan tuyết của Công ty Phương Huyền, chè giảo cổ lam tại huyện Đà Bắc, măng tại huyện Kim Bôi. Đáng chú ý là một số sản phẩm của tỉnh đã tiếp cận vào thị trường Hà Nội và một số thành phố lớn trong cả nước như rau sạch, mía tím, cam, gà đồi, lợn bản, dê núi đá, cá sông Đà.
Mở hướng giúp nông dân tiêu thụ nông sản hàng hóa
Từ thực tế phát triển của ngành nông nghiệp, đồng thời nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và cho nông dân, tháng 11/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 14 về cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung vào 4 định hướng trọng tâm: bám sát yêu cầu thị trường, từng bước nâng cao vai trò của doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp hóa, liên kết hóa và xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo.
Theo Sở NN &PTNT, quan điểm chung trong thời gian tới là tỉnh sẽ hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ một số sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh tại vùng sản xuất tập trung với thị trường ngoại tỉnh, đặc biệt là thị trường Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 có 50% sản lượng các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh như: cam, quýt, bưởi, mía tím, cá sông Đà, rau an toàn, su su, tỏi tía, rau sắng, măng, gà đồi, lợn bản địa được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và ngoại tỉnh. 40% diện tích sản xuất kinh doanh cây có múi và rau chuyên canh; 60% sản phẩm chăn nuôi công nghiệp có cam kết hoặc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; 40% diện tích sản xuất kinh doanh cây có múi và rau chuyên canh do doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích sản xuất có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hoạt động có hiệu quả.
Để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh đã đưa ra các giải pháp chủ yếu tập trung vào việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và chính sách tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ cơ sở và nhân dân để chủ động sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hoạt động có hiệu quả, bền vững. Dự báo nhu cầu và định hướng sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất để lựa chọn giống, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, biện pháp kỹ thuật thâm canh phù hợp. Tăng cường liên kết 4 nhà, trong đó, doanh nghiệp là đầu mối liên kết để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào, cung ứng dịch vụ sản xuất, thu mua sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh. Hình thành các trung tâm mua và phân phối sản phẩm sau thu hoạch tại tỉnh; giữ vững thị trường truyền thống thành phố Hà Nội, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường mới để tìm ra đầu ra thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa thông qua việc ký kết các thỏa thuận, cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện tiêu thụ nông sản giữa UBND tỉnh và các tỉnh, thị trường quốc tế.
Trong quá trình thực hiện, trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, địa phương, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí tiêu thụ nông sản hàng hóa cụ thể để phục vụ các hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh, kinh phí hỗ trợ các hoạt động như: thuê sàn giao dịch, kiểm định nhanh chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo sản xuất an toàn thực phẩm, hỗ trợ cước phí vận chuyển, tiêu thụ, quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh bạn, tham gia triển lãm, hỗ trợ, xúc tiến thương mại trong nước, tiếp cận thông tin thị trường từ các cơ quan xúc tiến thương mại Nhà nước
Ngọc Vinh
(HBĐT) - Từ nhiều năm nay, câu chuyện “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” đối với hàng hóa nông sản đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân tỉnh ta. Thu nhập chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông nghiệp, đối với nông dân, mất mùa, không tiêu thụ được sản phẩm, giá cả thấp... đồng nghĩa với việc người nông dân trở nên nghèo ngay trên tài nguyên giàu có của đất đai, sức lao động.
(HBĐT) - Ngày 3/6, Ban quản lý dự án HĐND tỉnh phối hợp với BQL Dự án Hội nông dân tỉnh, Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng và Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng tổ chức hội thảo “Đánh giá hiện trạng công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lí ngân sách nhà nước”.
(HBĐT) - Trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 6.330 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, bằng 40,76% kế hoạch năm.
(HBĐT) - Sáng 2/6, đoàn công tác của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển (BMZ), KFW và GIZ, Cộng hòa Liên bang Đức do bà Josefinev Brunhilde West, Vụ trưởng làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về dự án phát triển lâm nghiệp triển khai trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo và chuyên viên các sở, ngành chức năng.
(HBĐT) - Khi du lịch cộng đồng ở Mai Châu phát triển thì các sản phẩm dệt thổ cẩm của các cô gái Thái cũng được đông đảo khách du lịch ưa chuộng, tạo đòn bẩy để nghề dệt thổ cẩm phát triển. Tuy nhiên, ban đầu sản xuất thổ cẩm ở Mai Châu chỉ mang tính chất thời vụ, manh mún. Với mục tiêu “Nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn, phục vụ phát triển KT - XH nông thôn tỉnh Hoà Bình”, năm 2009, hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Chiềng Châu ra đời dưới sự hỗ trợ của Sở NN &PTNT cùng với tổ chức Jica của Nhật Bản. Đây được xem là mô hình điểm nhằm hỗ trợ phát triển, bảo tồn nghề dệt truyền thống của tỉnh.
(HBĐT) - Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện thống kê đất đai, điều tra xây dựng bảng giá đất, phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; lập hồ sơ thu hồi đất các nông - lâm trường, khu bảo tồn thiên nhiên trả lại cho địa phương quản lý sử dụng; rà soát phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020... Đó là những phần việc cụ thể mà UBND huyện Kim Bôi đã và đang triển khai, thực hiện để nâng cao hiệu quả quản lý đất.