Thực hiện Nghị quyết số 08 của Huyện ủy Đà Bắc về phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên vùng hồ sông Đà, xã Tiền Phong đã có 203 hộ nuôi 287 lồng cá. Ảnh: PV.
(HBĐT) - Cuối năm 2009, Nghị quyết số 08 của Huyện ủy Đà Bắc về phát triển ngành thủy sản vùng lòng hồ sông Đà giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020 ra đời đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bước đột phá mới trong việc nâng cao đời sống nhân dân các xã ven lòng hồ. Để rõ hơn những kết quả đạt được, phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư TT Huyện ủy Đà Bắc về vấn đề này.
PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 08 của Huyện ủy về phát triển ngành thủy sản vùng lòng hồ sông Đà?
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng: Đà Bắc là huyện có nhiều xã thuộc vùng hồ thủy điện Hòa Bình với diện tích mặt nước khoảng 6.800 ha, điều kiện khí hậu, sinh thái và hệ thuỷ văn thuận lợi, rất phù hợp với nghề nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Trên cơ sở Nghị quyết số 08 của Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã vùng ven hồ sông Đà phát triển ngành thủy sản hàng hóa tập trung, đảm bảo nguyên tắc khai thác, sử dụng mặt nước hồ sông Đà không làm ảnh hưởng đến chức năng chính của hồ thủy điện, đảm bảo về môi trường, không làm ảnh hưởng tới cảnh quan khu vực. Việc quy hoạch, khoanh vùng các xã phát triển ngành thủy sản được các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện quy hoạch gồm các xã thuộc vùng ven lòng hồ sông Đà trên địa bàn huyện.
Từ định hướng chung, đến nay, toàn huyện có 9 xã phát triển nghề nuôi cá lồng gồm: Hiền Lương, Đồng Ruộng, Suối Nánh, Vầy Nưa, Mường Tuổng, Toàn Sơn, Yên Hòa, Tiền Phong, Cao Sơn với trên 526 hộ dân tham gia nuôi 735 lồng cá. Một số xã phát triển được nhiều lồng nuôi cá như: Hiền Lương 152 lồng; Vầy Nưa 208 lồng; Tiền Phong 285 lồng Sản lượng ngành thủy sản của huyện năm 2014 đạt trên 1.000 tấn, giá trị tính riêng nuôi cá lồng đạt trên 5,73 tỷ đồng.
Đáng chú ý là bên cạnh những loại cá truyền thống mà người dân vùng hồ sông Đà quen nuôi từ trước đến nay như: chép, trắm cỏ, ngạch, nheo, chim trắng, rô phi đơn tính huyện cũng định hướng và tạo điều kiện để người dân nuôi thử nghiệm một số loài đặc sản có giá trị kinh tế cao của vùng hồ sông Đà như: chiên, lăng chấm, trắm đen, bỗng... Đặc biệt mới đây, huyện đã đưa vào nuôi thành công loài cá tầm, một loại cá nước lạnh hiện có giá trị kinh tế cao trên thị trường.
PV: Nuôi trồng thủy sản vùng hồ là nghề mới, tiềm ẩn không ít rủi ro. Tuy nhiên, việc liên kết giữa huyện, người dân và các nhà khoa học đã phần nào tháo gỡ những khó khăn. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng: Xác định đây là một trong những ngành kinh tế mới, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, trong quá trình lãnh đạo phát triển ngành thủy sản trên vùng lòng hồ sông Đà, huyện chú trọng tới việc sản xuất bền vững. Huyện đã tranh thủ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Dự án 472, Dự án AFAP, WB... để định hướng sản xuất, chuyển giao KH-KT, đầu tư, hỗ trợ cá giống và lồng nuôi cho các hộ dân sinh sống ven vùng hồ. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, kiến thức và kỹ năng quản lý kinh tế theo định hướng thị trường cho nông dân; áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp.
Từ định hướng của huyện, các xã đang phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình đã chủ động hình thành những HTX, tổ hợp tác xã nuôi cá lồng tập trung vừa để cung ứng giống, thức ăn, vừa chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất như: tại xã Hiền Lương có HTX sản xuất, kinh doanh nông lâm, thủy sản xóm Doi với 20 lồng nuôi cá, thu nhập bình quân trên 350 triệu đồng/năm; tổ hợp tác xóm Ké có từ 6 - 8 lồng nuôi cá thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Từ những HTX, tổ hợp tác này đã dần dần hình thành chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản giữa các xóm, xã, hộ dân với nhau; khuyến khích và xây dựng điểm mô hình để các xóm, xã và người dân có nhu cầu học tập, tham quan thực tế.
PV: Để nghề nuôi trồng thủy sản trên vùng hồ Hòa Bình phát triển bền vững, trong thời gian tới, huyện Đà Bắc cần có những giải pháp như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng: Giai đoạn 2015 - 2020, huyện phấn đấu giá trị ngành thuỷ sản chiếm từ 15 - 20% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; thu hút 25- 30% lao động tại các xã ở ven hồ sông Đà tham gia nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản. Xây dựng ngành thuỷ sản thành một ngành sản xuất hàng hoá mũi nhọn, tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng; tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Để thực hiện được mục tiêu đó, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung lãnh đạo các xã ven vùng hồ khai thác tiềm năng, lợi thế, hướng mạnh vào nuôi trồng theo hướng thâm canh, đồng thời kế thừa những kinh nghiệm truyền thống nhằm đa dạng hoá đối tượng vật nuôi, tạo được sản phẩm thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Chú trọng phát triển đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên theo đúng quy định của Luật Thủy sản. Xây dựng các mô hình khuyến ngư, khuyến nông trong sản xuất; thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành thuỷ sản. Tiếp tục hình thành tổ, nhóm hợp tác, HTX nuôi cá lồng bè tập trung thành các điểm trên hồ để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tạo được số lượng sản phẩm hàng hoá tập trung, qua đó hình các dịch vụ về giống, thức ăn, vật tư, thuốc phòng trừ dịch bệnh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Ngọc Vinh (Thực hiện)
(HBĐT) - Với 42/63 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng 2 dự án so với năm trước, tháng 5/2015, các doanh nghiệp KCN thực hiện doanh thu 750 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 27 triệu USD; nộp ngân sách 20 tỷ đồng.
(HBĐT) - Ngày 8/6, Hội đồng thẩm định NTM của tỉnh do đồng chí Nguyễn Anh Quân, Chánh Văn phòng điều phối chương trình MTQG NTM làm trưởng đoàn đã làm việc với BCĐ 800 huyện Lạc Thủy thẩm định 3 xã về đích năm 2015 gồm Đồng Tâm, Cố Nghĩa, Phú Lão.
(HBĐT) - Công ty TNHH MTV Sông Bôi (Lạc Thuỷ) quản lý 1.738,20 ha đất, nằm trên phạm vi 7 xã của huyện, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 1.073 ha, chiếm 61,7%; đất lâm nghiệp 592,86 ha, chiếm 34,1%; đất đường lô, núi đá 67,31 ha, chiếm 3,9%; đất trụ sở 5,03 ha, chiếm 0,3%.
(HBĐT) - Sau 4 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) mới đạt 9 tiêu chí NTM. Qua thực hiện cơ cấu kinh tế có chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng mạnh kinh tế dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,2% năm, tỷ lệ hộ dùng điện lưới và nước hợp vệ sinh đạt 100%. Nhiệm vụ xây dựng NTM được đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy và HĐND xã hàng năm. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là giám sát các công trình đang trong quá trình xây dựng thông qua hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng.
(HBĐT) - Tính đến ngày 5/6, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 8.100 ha lúa vụ chiêm, ước đạt 50% diện tích cả vụ, năng suất ước đạt 55 tạ/ha. So với kỳ trước, diện tích lúa đã gặt tăng 4.300 ha. Một số huyện cơ bản thu hoạch xong lúa chiêm là Lương Sơn (2.012 ha/2.098 ha), thành phố Hoà Bình (480 ha/543 ha), Lạc Thuỷ (1.400 ha/1.615 ha). Các địa phương đang tập trung thu hoạch lúa, giải phóng đất để triển khai vụ mùa, hè thu. Dự kiến hoàn thành thu hoạch lúa chiêm trước ngày 30/6.
(HBĐT) - UBND huyện Cao Phong vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình đường Bắc Phong – Bình Thanh. Điểm đầu của công trình tại Km 1+100 địa phận xóm Má 1, điểm cuối tại Km 3+360 phân trại giam Bắc Phong. Công trình có tổng chiều dài 3,5 km với tiêu chuẩn thiết kế đường loại A giao thông nông thôn.