Nhằm đảm bảo hiệu quả thâm canh cây cam, gia đình anh Đinh Đức Lại (xóm Chẹo, xã Nam Phong, huyện Cao Phong) cẩn trọng lựa chọn cây giống chất lượng cao tại các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín.
(HBĐT) - Những năm gần đây, cây ăn quả có múi (CAQCM) của tỉnh tăng trưởng mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Trở thành địa phương có diện tích CAQCM cao nhất khu vực trung du và miền núi Tây Bắc, Hòa Bình đang đặt nền tảng khá vững chắc cho việc xây dựng và phát triển bền vững các vùng sản xuất chuyên canh CAQCM.
Thống kê sơ bộ đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có khoảng 2.300 ha CAQCM (trong đó chủ lực là cây cam chiếm trên 70% tổng diện tích) với năng suất bình quân 220 tạ/ha, sản lượng 27,23 ngàn tấn. Riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã trồng mới trên 600 ha CAQCM. Với hiệu quả kinh tế cao và ổn định, cây cam nói riêng và CAQCM nói chung được xác định là những cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có trên 5.000 ha cam, tập trung nhiều nhất tại huyện Cao Phong với trên 1.500 ha, các diện tích còn lại được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung tại 34 xã, thị trấn thuộc địa bàn 10 huyện, thành phố.
Với tốc độ phát triển hiện có, ước tính những năm tiếp theo nhu cầu giống sạch bệnh cung cấp cho địa bàn vùng quy hoạch của tỉnh khoảng 2 triệu cây mỗi năm, bao gồm cả trồng mới và phục hồi những vườn già cỗi, bị bệnh. Tuy nhiên kết quả khảo sát tại vùng trồng mới nhiều nhất của tỉnh là huyện Cao Phong lại cho thấy, năng lực sản xuất chỉ đáp ứng khoảng 20% lượng cây giống. Trên phạm vi toàn tỉnh, hiện nay, nguồn cung ứng giống qua hệ thống quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh như công ty giống cây trồng, các đơn vị quản lý chất lượng giống… mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng, phần còn lại người dân phải tự mua giống trên thị trường tự do. Thực tế này đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính bền vững của vùng sản xuất hàng hóa. Bởi các cơ sở sản xuất cây giống hiện nay chưa có hoặc thiếu cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hồ sơ nguồn gốc giống hay hồ sơ không rõ ràng, không có nhãn hàng hóa theo quy định. Đây không chỉ là khó khăn lớn cho công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, mà còn là thách thức cần vượt qua để xây dựng thành công và phát triển bền vững vùng sản xuất chuyên canh CAQCM.
Được biết, CAQCM là loại cây trồng yêu cầu mức độ thâm canh cao hơn các cây ăn quả khác. Các công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng CAQCM có thể bị lây nhiễm khoảng 30 loại bệnh hại gây suy thoái vườn cây, trong đó, nhiều đối tượng dễ trở thành dịch hủy diệt hàng loạt như bệnh Greening, Tristeza… Phần lớn các vi sinh vật này sinh sản rất nhanh, chúng có thể lây truyền từ cây nọ sang cây kia thông qua con đường nhân giống vô tính. Vì vậy, để tạo được cây giống sạch bệnh thì sử dụng mắt ghép sạch bệnh ngay từ ban đầu sẽ tránh được nhiễm bệnh trong quá trình ghép. Thực tế tại nhiều địa phương trên cả nước đã cho thấy, các vùng trồng CAQCM trọng điểm đã bắt đầu bộc lộ một số vấn đề làm cho năng suất, chất lượng giảm, mẫu mã quả xấu, cây sinh trưởng phát triển kém, chu kỳ kinh tế ngắn là do chưa có được bộ giống CAQCM sạch bệnh theo tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT.
Tại tỉnh ta, Sở NN&PTNT cho biết: Việc tuyển chọn và nhân giống sản xuất cây đầu dòng được xác định là mắt xích quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn về chất lượng giống CAQCM sạch bệnh, từ đó nâng cao năng lực sản xuất giống đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất. Cây đầu dòng là cây có năng suất, chất lượng cao và ổn định, tính chống chịu cao với sâu bệnh hại và thời tiết bất thuận hơn hẳn các cây khác cùng giống trong một quần thể, cây đã qua bình tuyển và được công nhận làm nguồn vật liệu khởi đầu cho công tác nhân giống. Chính vì vậy thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chú trọng công tác tuyền chọn cây đầu dòng. Hàng năm, Sở đã kết hợp với các cơ quan chức năng tiến hành bình tuyển cây đầu dòng cho các loại CAQCM như cam, bưởi… Trọng tâm của công tác tuyển chọn cây đầu dòng là bình tuyển và phục tráng các giống đặc sản bao gồm cam Xã Đoài, Vân Du, cam Canh, V2, cam CS tại huyện Cao Phong, các giống bưởi đỏ, bưởi da xanh tại huyện Tân Lạc và một số giống CAQCM bản địa khác để làm vật liệu khởi đầu cho công tác nhân giống. Gần đây nhất, Sở NN&PTNT đã tiến hành công nhận được 6 cây đầu dòng giống bưởi đỏ, bưởi da xanh tại huyện Tân Lạc, công nhận 50 cây đầu dòng các giống cam, quýt tại huyện Cao Phong. Theo kế hoạch tổ chức sản xuất và tiêu thụ cây giống đến năm 2020, nhu cầu giống cam trên địa bàn quy hoạch được giám sát, quản lý thông qua hệ thống giám sát, kiểm định chất lượng sẽ đạt 80%. Để hoàn thành mục tiêu này, các ban, ngành của tỉnh sẽ phối hợp thực hiện quyết liệt các nội dung về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh giống, quản lý cây đầu dòng, hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn về giống CAQCM sạch bệnh... Đây là những bước đi cụ thể nhằm hiện thực hoá quyết tâm xây dựng các vùng sản xuất CAQCM tập trung có hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Thu Trang
(HBĐT) - Ngày 23/9, Sở NN&PTNT đã ban hành Công văn số 1137/SNN-CCTY gửi UBND các huyện, thành phố về việc triển khai các biện pháp dự trữ thức ăn, phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi vụ đông xuân 2015 – 2016. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành chăn nuôi nhằm hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ đông xuân sắp tới, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2015.
(HBĐT) - Ngày 28/8/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 134/2015/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Quyết định số 11/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về miễn, giảm tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao (cấp) không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 tại địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
(HBĐT) - Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn, nhất là những người lính khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người còn mang trong mình những thương tật do di chứng chiến trang để lại. Thế nhưng, với bản chất truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” các hội viên CCB ở huyện Lạc Thuỷ đã vượt lên tất cả bằng ý chí tự lực, tự cường thi đua trong lao động sản xuất, đoàn kết giúp nhau XĐ-GN, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
(HBĐT) - Trao đổi với chúng tôi về tình hình giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, đồng chí Bùi Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) chia sẻ: Thượng Cốc có 22 thôn, bản với 1.815 hộ, 7.788 nhân khẩu. Số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 50%.
(HBĐT) - Đồng chí Dương Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm GDTX và Dạy nghề huyện Tân Lạc cho biết: Thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn, những năm qua, Trung tâm xác định đào tạo nghề cho LĐNT là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nhận thức rõ điều đó, Trung tâm đã chú trọng dạy nghề gắn với tổ chức sản xuất, việc làm cho người lao động.
(HBĐT) - Trung tâm GDTX và Dạy nghề huyện Kỳ Sơn vừa bế giảng 2 lớp dạy nghề chổi chít tại xã Phúc Tiến và Phú Minh. Mỗi lớp có 30 học viên tham gia. Lớp dạy nghề thuộc đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian 1 tháng, tham gia lớp dạy nghề, các học viên được tiếp thu những kỹ năng cơ bản gắn với thực hành sản xuất chổi chít xuất khẩu. Kết thúc khóa học, các học viên được giới thiệu việc làm tại các xưởng sản xuất chổi chít trên địa bàn xã.