Nhân dân xã Địch Giáo (Tân Lạc) chuyển một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như: mía tím, dưa, bí lấy hạt… góp phần đưa xã trở thành 1 trong 8/23 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí thu nhập trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - Sau 5 năm, chúng tôi mới có dịp về với Địch Giáo (Tân Lạc). Con đường rải bê tông vào tận các ngõ, xóm, nhà cửa khang trang, làng quê ngày mùa thơm mùi rơm mới nhưng vẫn phong quang, sạch đẹp… bức tranh về cuộc sống của xã nông thôn mới Địch Giáo hiện lên với những gam màu sáng đầy tươi đẹp. Hồi tưởng lại những năm 2010, ít ai có thể hình dung, nơi đây vốn có đến gần 30% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp so với bình quân chung của huyện, tỉnh…
Đồng thuận- Chìa khóa thành công
Đồng chí Bùi Văn Thân, Phó Chủ tịch UBND xã nhận định: được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới là lợi thế lớn với Địch Giáo song làm sao phát huy tốt, để về đích đúng lộ trình… là bài toán khó mà thực tế cho thấy, không ít nơi đã không thể tìm ra lời giải sau 5 năm thực hiện. Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi nhưng xuất phát điểm của Địch Giáo khá thấp. Thời điểm bắt tay vào triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã chỉ đạt 3/19 tiêu chí là: điện, hệ thống CT-XH và an ninh trật tự. Trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo cao (26%), thu nhập bình quân mới chỉ đạt 12 triệu đồng/năm, phương thức sản xuất manh mún, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh….Đặc biệt tư tưởng trông chờ, ỷ lại, coi xây dựng NTM là chương trình đầu tư của Nhà nước còn tồn tại trong đại bộ phận quần chúng nhân dân.
Gắn với điều kiện, thực tiễn, Địch Giáo đặt ra mục tiêu vận động, thay đổi nhận thức trong nhân dân bằng những việc làm cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực. Lợi ích đó được thể hiện bằng diện mạo đổi mới khang trang, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đảm bảo phục vụ tốt đời sống dân sinh. Song cơ bản nhất vẫn là việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới phải thực sự là bước tạo đà để người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với cách làm đó, chỉ sau 1 năm triển khai chương trình, nhận thức của nhân dân trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 4 năm, xã đã huy động tổng nguồn lực là 100,1 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 17,26 tỷ đồng với 9,4 tỷ đồng tiền mặt, công quy tiền 4,284 tỷ đồng và 3,036 tỷ đồng từ hiến đất phục vụ xây dựng các công trình cộng đồng, làm đường GTNT. Bằng những con số cụ thể đó, có thể khẳng định: từ lối suy nghĩ thụ động, trông chờ, ỷ lại… chương trình đã thực sự tạo nên hiệu ứng tốt, có sức lan tỏa trong xã hội. Nhân dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất. Bằng việc tìm được đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa, Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động nhân dân chuyển một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, như: mía tím, dưa, bí lấy hạt, bưởi đỏ… Từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã có hàng trăm mô hình kinh tế trang trại ra đời, hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu là mô hình nuôi trâu, bò sinh sản; lợn nái; nuôi bò lai sil sinh sản; trồng rau, nuôi gà hữu cơ… Những nông dân triệu phú như bà Bùi Thị Lựng (xóm Hạ), Bùi Thị Thoan (xóm Lạ)… xuất hiện ngày càng nhiều ở Địch Giáo. Sau 5 năm, thu nhập bình quân đầu người của xã đã được cải thiện đáng kể: từ 12 triệu đồng năm 2011, đến năm 2014 đã tăng lên 22,5 triệu đồng, ước đạt 23 triệu đồng trong năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 26% đã giảm xuống còn 7,8% vào năm 2014, trong năm 2015 ước tiếp tục giảm xuống còn 6%. Với 3 tiêu chí có sẵn, hết năm 2012, xã hoàn thành thêm 4 tiêu chí, năm 2013 là 6 tiêu chí, năm 2014 là 3 tiêu chí, hết quý III/2015, xã đã hoàn thành 3 tiêu chí còn lại và trở thành 1 trong 3 xã cán đích NTM đầu tiên của huyện Tân Lạc.
Trăn trở duy trì xã nông thôn mới
Vinh dự là 1 trong 3 địa phương cán đích xây dựng NTM đầu tiên nhưng theo ông Bùi Văn Thân, Phó Chủ tịch UBND xã, 1 số tiêu chí vẫn còn cần tiếp tục hoàn thiện như: đường GTNT, hệ thống kênh mương thủy lợi, trình độ lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho nhà văn hóa, công trình công cộng…. nên cần tiếp tục vận động nhân dân. Đồng nghĩa với nó là việc duy trì, sử dụng các cơ sở vật chất mới được xây dựng sao cho phát huy hiệu quả cao nhất, không bị hư hại, hỏng hóc, xuống cấp, lãng phí…. Ví các tiêu chí: thu nhập, văn hóa, ANTT là những tiêu chí “mềm”, ông Thân khẳng định: Để duy trì nhóm tiêu chí “mềm” là vấn đề mà Đảng ủy, chính quyền xã lưu tâm ngay từ khi xã vừa về đích NTM. Hiện nay, thu nhập của người dân trên địa bàn vẫn chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp, do đó chưa có tính ổn định. Bên cạnh đó, nếu ANTT không đảm bảo, để xảy ra các vụ vi phạm TTATXH trên địa bàn sẽ kéo theo ảnh hưởng đến tỷ lệ số thôn, xóm đạt văn hóa…
Thực tế cho thấy những trăn trở trong duy trì xã nông thôn mới ở Địch Giáo là hoàn toàn có cơ sở. Là địa bàn có đường liên xã chạy qua, Địch Giáo tiềm ẩn những phức tạp về ANTT, đặc biệt là tệ nạn nghiện ma túy, cờ bạc, trộm cắp trong TTN. Đây từng là “điểm nóng” về bạo lực gia đình trên địa bàn huyện… Để khắc phục những nguy cơ tiềm ẩn trên, từ đầu năm 2014, Địch Giáo đã xây dựng điểm mô hình “an toàn về ANTT” tại xóm Sung 2. Qua hơn 1 năm triển khai, mô hình đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong bảo đảm an ninh nông thôn, góp phần giữ gìn TTATXH. Hiện nay, mô hình đã được Đảng ủy, chính quyền xã Địch Giáo tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn.
Đưa ra mục tiêu nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn lên 50 triệu đồng/năm vào năm 2020, Địch Giáo đang quyết liệt thực hiện các giải pháp như: quy hoạch lại vùng sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan kém hiệu quả gắn với tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm hàng hóa; tiến tới xây dựng tổ hợp tác SX-KD. Bên cạnh đó, để đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% vào năm 2020, xã chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu và hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn, khắc phục tình trạng lao động thời vụ, chất lượng không cao, kém hiệu quả…
“Tư tưởng “xả hơi” sau cán đích, có lẽ cũng là điều Đảng ủy, chính quyền xã cần đặc biệt quan tâm vào thời điểm này. Kiên trì với giải pháp: tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức của CB-ĐV, nhân dân… quan điểm của xã là giữ vững các tiêu chí đạt được và nâng cao về chất các tiêu chí này để tiếp tục xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại bền vững”- ông Bùi Văn Thân khẳng định.
Hải Yến
(HBĐT) - Có một thực tế đã từng diễn ra tại Lạc Sơn là do đồng cỏ khan hiếm nên bà con phải cắt cỏ ở bờ ruộng, thậm chí còn bón phân đạm cho cỏ để lấy thức ăn cho trâu bò. Thiếu thức ăn, chết rét…là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng từ năm 2000 đến nay, tổng đàn trâu, bò của toàn huyện giảm gần 3.700 con (năm 2000: 24.333 con; năm 2015: 20.664 con). Trong khi đó thì trâu, bò là loại gia súc “ăn cỏ, uống nước lã” dễ nuôi, ít bệnh tật, dễ bán, đem lại hiệu quả kinh tế cao…Trước thực tế này, Liên đoàn lao động huyện đã mạnh dạn đi đầu trong việc vận động hội viên, nhân dân trồng cỏ VA06, khôi phục và phát triển chăn nuôi đại gia súc.
(HBĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp lần thứ 6 Ban Chỉ đạo về phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN).
(HBĐT) - Từ ngày 5/12/2015, Nghị định số 97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bắt đầu có hiệu lực thi hành.
(HBĐT) - Là xã 135, cách trung tâm huyện 13 km, với địa hình phức tạp luôn tiềm ẩn nguy cơ về sạt lở đất và trình độ dân trí vẫn còn nhiều hạn chế, xã Phúc Sạn (Mai Châu) gặp vô vàn khó khăn trong phát triển KT-XH, công cuộc xây dựng NTM ở địa phương này trở thành bài toán nan giải.
(HBĐT) - Sở NN&PTNT vừa ban hành kế hoạch định hướng sản xuất vụ đông xuân 2015 – 2016. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 57.000 ha lúa và cây màu các loại, bao gồm khoảng 16.000 ha lúa; 20.000 ha ngô; chè và cây ăn quả trồng mới khoảng 800 ha; còn lại là diện tích các cây hàng năm chủ lực như mía (trên 9.000 ha), rau đậu (trên 5.000 ha), lạc, khoai lang, đậu tương…
(HBĐT) - Sau 5 năm xây dựng NTM, huyện Mai Châu đã có 3 xã đạt các tiêu chí NTM, còn lại 19 xã đạt từ 5 - 14 tiêu chí. Trong 5 năm (2010 - 2015), tổng nguồn vốn huy động được 784, 491 tỷ đồng. Trong đự, toàn huyện làm được 40 công trình giao thông, đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 55,7 km đường các loại; nâng cấp 38 công trình thủy lợi; xây 5 công trình nhà văn hóa xã, xóm; nâng cấp 3 trường học, hỗ trợ 23 công trình phát triển sản xuất; đào tạo, tập huấn 11 lớp.