Sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa, nhiều hộ nông dân thôn Ao Hay, xã Yên Trị (Yên Thủy) áp dụng mô hình khoai sọ cấy mô phát triển kinh tế gia đình.
(HBĐT) - Dồn điền, đổi thửa là một khái niệm không mới trong xây dựng NTM. Thực tế nhiều nơi đã chứng minh, dồn điền, đổi thửa được xem là “cú hích”, động lực quan trọng góp phần xây dựng NTM thành công nhưng để thực hiện được điều này cũng không hề đơn giản. Không phải là xã làm điểm, tuy nhiên, Yên Trị (Yên Thủy) đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng NTM và đặc biệt hơn, câu chuyện dồn điền, đổi thửa không còn là “bài toán nan giải” như những năm trước đây bởi hiện nay đang được chính người dân đẩy nhanh tiến độ để phát triển sản xuất.
Cùng những cán bộ xã, chúng tôi đến thôn Ao Hay, một trong những thôn thuần nông của xã Yên Trị và cũng là thôn đầu tiên dồn điền - đổi thửa thành công. Đã nghe giải thích nhiều về việc biến nhiều mảnh ruộng nhỏ thành một mảnh ruộng lớn nhưng hôm nay, khi chứng kiến những thửa ruộng thẳng tắp, vuông vức, bà con đi xe máy đến tận ruộng và máy móc được huy động tối đa trong làm đất, chúng tôi mới thấy hết được giá trị đích thực của việc dồn điền, đổi thửa. ông Bùi Xuân Đắc, chi hội trưởng nông dân xóm Ao Hay phấn khởi: Vụ đông năm nay, bà con tiếp tục trồng đại trà giống khoai sọ cấy mô. Đây là mô hình do Sở KH &CN ưu tiên hỗ trợ cho bà con sau khi dồn điền, đổi thửa thành công. Dù mới triển khai được 2 năm nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây truyền thống trước đây như lạc, ngô bởi khi thu hoạch không phải vất vả phơi sấy mà còn được thương lái thu mua tận vườn, giá cả ổn định.
Cùng chung tâm lý phấn khởi ấy, chị Bùi Thị Nghĩa, một hộ dân xóm Ao Hay cho biết: “2 năm nay, được Sở KH &CN hỗ trợ giống khoai sọ cấy mô, dù gia đình ít lao động nhưng cũng cố gắng trồng hết diện tích đất. Thuận lợi là sau khi dồn điền - đổi thửa, nhà chỉ còn lại một mảnh ruộng lớn nên việc canh tác dễ dàng, thuận tiện hơn nhiều, việc làm đất đã có máy, phân bón vận chuyển một cách dễ dàng và lúc thu hoạch, xe của thương lái ghé bánh đến tận ruộng”. Không chỉ một mình nhà chị Nghĩa, 100% diện tích đất nông nghiệp của thôn đều có đường giao thông nội đồng và hệ thống kênh mương chạy qua sau khi dồn điền - đổi thửa.
Hiện nay, sau Ao Hay, trên địa bàn xã Yên Trị đã có 4 thôn hoàn thành dồn điền, đổi thửa và nhiều thôn tiếp tục triển khai thực hiện. Đồng chí Bùi Xuân Thu, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Yên Trị cho biết: Khi có quyết định lựa chọn Yên Trị cùng với Ngọc Lương là một trong những xã điểm sẽ thực hiện dồn điền - đổi thửa trong xây dựng NTM, nói thật, ngay cấp ủy Đảng, chính quyền xã cũng cảm thấy hoang mang bởi nghe nhiều nhưng cũng chưa được thực làm bao giờ. Việc này động đến quyền lợi của người nông dân nên nếu không thực hiện tốt chắc chắn sẽ gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Mặt khác, đặc thù địa hình ở đây dốc, nhiều thửa ruộng cao, thấp khác nhau làm sao có thể phân chia cho đều mà vẫn giữ được diện tích. Đó thực sự là vấn đề khó.
Bắt đúng điểm mấu chốt của vấn đề, ngay khi lựa chọn Ao Hay làm điểm để tiến hành dồn điền - đổi thửa, cấp ủy Đảng, chính quyền đã xuống thôn cùng với cán bộ thôn rà soát toàn bộ diện tích đất, từ đó có phương án thiết kế quy hoạch làm sao để phù hợp nhất, không để bất cứ người dân nào chịu thiệt. “Khi chưa làm nghĩ đây là một bài toán nan giải nhưng khi bắt tay vào làm rồi mới thấy không phải là không thể thực hiện được, lo lắng nhất là làm sao để giữ được diện tích cho các hộ nhưng khi làm thực tế để dồn vào sẽ phá bỏ rất nhiều bờ ruộng nên diện tích đất không hao hụt đi là mấy” - ông Bùi Thanh Nhĩ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Ao Hay cho biết. Mặt khác, trên tinh thần phá bỏ quan niệm “một miếng giữa làng” cùng với việc chia lại ruộng, xã chủ trương quy hoạch luôn hệ thống kênh mương nội đồng, giao thông nội đồng để tất cả các mảnh ruộng đều sát đường giao thông nội đồng và thuận lợi nước tưới. Với cách làm đó, người nông dân đã thấy được sau khi chia lại ruộng, việc canh tác không khó khăn hơn mà thuận lợi hơn nhiều, năng suất cây trồng cũng vì thế mà tăng lên. Từ thành công của thôn Ao Hay, thấy được những hiệu quả tích cực của dồn điền, đổi thửa, các thôn khác của Yên Trị đã bắt tay vào thực hiện sau đó, đến nay đã có thêm 4 thôn hoàn thành và nhiều thôn khác tiếp tục thực hiện. Điều đặc biệt là bây giờ chính người dân đã chủ động vào cuộc để việc dồn điền, đổi thửa được tiến hành nhanh hơn, kịp tiến độ sản xuất - Đồng chí Bùi Xuân Thu cho biết.
Ruộng đất tập trung, thuận lợi hơn trong đầu tư sản xuất, người dân Yên Trị đã chủ động xây dựng phát triển nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cao. Bên cạnh mô hình khoai sọ, ngô lai, người dân cũng đã mạnh dạn đưa vào mô hình trồng bưởi Diễn, bưởi Da xanh, trồng cây dược liệu để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây là những yếu tố giúp xã hoàn thành tiêu chí về phát triển sản xuất cùng với đó là tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời đẩy mạnh phát triển KT -XH của xã, đưa thu nhập bình quân toàn xã đạt hơn 24 triệu đồng /người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 4%. Đời sống nhân dân từng bước cải thiện.
Đinh Hòa
(HBĐT) - Ngày 5/1, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và 5 năm 2011 – 2015, triển khai kế hoạch năm 2016 và 5 năm 2016 – 2020 ngành NN&PTNT. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, các Chi cục thuộc Sở NN&PTNT.
(HBĐT) - Ngày 5/1, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016.
(HBĐT) - Ngày 5/1, Khối thi đua các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế, kỹ thuật đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua khối năm 2015.
(HBĐT) - Từ nhận thức đúng, thấu đáo về chủ trương xây dựng NTM là mang lại hiệu quả thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chính người dân, người dân các xã huyện Lạc Sơn đã tích cực hưởng ứng đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất, hoa màu làm công trình phúc lợi.
(HBĐT) - Xã Tân Pheo (Đà Bắc) có 720 hộ, 4.300 nhân khẩu, chia làm 7 xóm. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 63%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8 triệu đồng/năm. Xã có địa hình chủ yếu là đồi núi, bưa bãi bằng để canh tác còn ít, diện tích đất lúa chỉ có 200 m2/ khẩu.
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2016.