Nông dân xóm Ba Cầu, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) trồng hoa lay ơn cho thu nhập cao.

Nông dân xóm Ba Cầu, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) trồng hoa lay ơn cho thu nhập cao.

(HBĐT) - Nắng xuân chan hòa, chồi non, lộc biếc, hạnh phúc lan tỏa trong từng xóm làng, đồng đất xã Ngọc Lương (Yên Thủy). Những người nông dân cần mẫn vun trồng rau màu trên cánh đồng tít tắp. Họ trồng hoa, trồng bưởi, chăn nuôi có của ăn, của để. Cắt những trái bưởi Diễn căng tròn, vàng ươm mời khách thưởng thức, ông Vũ Xuân Anh, xóm Đại Đồng, một hộ thành công từ trồng bưởi chia sẻ: Năm nay thời tiết không thuận, đầu mùa hạn nặng, tiếp đến lại mưa, năng suất bưởi - một trong những cây trồng chủ lực của Ngọc Lương bị sụt giảm. Bù lại, giá bưởi dịp áp Tết tại vườn cũng khá hơn năm ngoái, giao động từ 30.000 - 40.000 đồng/quả. Nhiều gia đình xóm Đại Đồng có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán bưởi quả và bưởi giống như hộ các ông: Lê Trần Trịnh, Phạm Dũng, Kiều Bá Nam...

 

Chỉ tay về phía cánh đồng thôn Hổ 1, 2, đồng chí Lê Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương phấn chấn: Ngọc Lương tiếp tục thành công trong chỉ đạo dồn điền, đổi thửa tại 12/21 xóm có đất nông nghiệp với diện tích 536 ha, tạo thành những cánh đồng mẫu lớn đưa cây màu giá trị cao vào gieo trồng. Gần 100 ha đất kém hiệu quả được chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị cao. Năng suất cây trồng chủ lực như lúa, ngô, mía, đậu, lạc, khoai sọ tiếp tục ổn định. Các hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại phát triển khá mạnh góp phần cải thiện cuộc sống người nông dân. Đối với cây bưởi Diễn phù hợp với vùng đất đá ong Ngọc Lương cho hiệu quả 250 - 300 triệu đồng/ha. Cả xã có hơn 200 ha bưởi, hàng năm đem về cho người nông dân nguồn thu không nhỏ. Cuộc sống được cải thiện theo mỗi năm. Xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đạt 24,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,67%.

 

Đồng chí Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy tâm sự: Yên Thủy từ lâu được biết đến là vùng đất khó của tỉnh, hạ tầng thủy lợi, giao thông vừa yếu và thiếu đồng bộ. Địa chất phức tạp, chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn, vùng đất thiếu nước, đá núi, đá ong, đất sỏi trên mặt ruộng. Sản xuất và con người luôn đối mặt với những diễn biến khó lường của thời tiết. Nông nghiệp có vai trò quan trọng trong đời sống nông thôn. Diện tích nông nghiệp chiếm gần 74% tổng diện tích tự nhiên, trong khi đó, huyện có trên 90% người dân sống ở nông thôn. Vượt lên những khó khăn khách quan của thiên nhiên, địa hình, Yên Thủy đã có nhiều giải pháp và cách làm mới đem lại cú huých cho sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

 

Từ ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, tập trung chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với các giải pháp phù hợp, huyện Yên Thủy luôn hoàn thành kế hoạch sản xuất, giá trị sản xuất nông nghiệp năm sau cao hơn năm trước. Diện tích các loại cây trồng như mía, rau các loại, bí xanh tăng mạnh. Hai vụ sản xuất chính đều gieo trồng hết diện tích. Từ trong khó khăn, nhiều xã đã thành công chuyển đổi diện tích đất sản xuất sang trồng các loại cây màu có giá trị cao như trồng mía ở Lạc Lương, Lạc Thịnh; trồng cây có múi ở Ngọc Lương; bí xanh ở Đoàn Kết, Phú Lai, Yên Lạc. Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xen canh, tăng vụ ngày càng xuất hiện nhiều hơn và đem lại hiệu quả cao tại các xã: Phú Lai, Yên Trị, Ngọc Lương, Bảo Hiệu, Đoàn Kết... Nông dân Yên Thủy khai thác tốt nguồn lực, đất đai, vốn, khoa học kỹ thuật, sức lao động đã mang lại những kết quả khả quan. Người dân Yên Lạc, Lạc Lương nuôi ong lấy mật, trồng nấm mà giàu. Nông dân xã Bảo Hiệu, Lạc Lương trồng bí xanh; nông dân thị trấn Hàng Trạm nuôi gà siêu trứng mà dư giả. Nông dân Hữu Lợi, Bảo Hiệu, Đa Phúc phát triển rừng, kết hợp chăn nuôi mà giã từ cuộc sống khó khăn. Bí đỏ, bí xanh, rau màu các loại nảy nở trên vùng đất Đoàn Kết, Bảo Hiệu, Hữu Lợi... Mật ong rừng thơm ngát vùng khó khăn Lạc Sỹ. Hoa xuân đón Tết tươi mới xóm Ba Cầu (Ngọc Lương). Cây trồng, rau màu xanh trên đất sỏi khô cằn. Yên Thủy đang vượt lên khó khăn để đi lên bằng nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

    

                                                                                        

                                                                              Lê Chung

 

 

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục