Nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang cây ăn quả có múi, nông dân xã Liên Hòa (Lạc Thủy) đã nâng cao thu nhập và giá trị sử dụng đất.
(HBĐT) - Hiện nay, giá trị sản xuất ngành trồng trọt chiếm trên 73% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đây là lĩnh vực trọng yếu cần được tái cơ cấu mạnh mẽ để góp phần quyết định mức độ thành công của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Sau 2 năm (2014 - 2015) thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, các địa phương trong tỉnh đã xác định rõ các trọng tâm, tạo được chuyển biến tích cực giúp chuyển đổi lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Lạc Thủy là một trong những địa phương đi đầu hành trình tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt nói riêng cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung. So với các địa phương khác, huyện có xuất phát điểm khá thuận lợi khi nền sản xuất nông nghiệp những năm gần đây đang chuyển dịch theo hướng hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Riêng lĩnh vực trồng trọt, huyện Lạc Thủy đã sớm xác định được giải pháp trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng mở rộng diện tích các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đồng thời đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng KH-KT để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến cuối năm 2015, tổng diện tích cây ăn quả có múi của huyện trên 1.300 ha với các loại cây cho giá trị kinh tế nổi bật như cam Vinh, cam Đường canh, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, bưởi đỏ, thanh long... Có thể nói, việc mở rộng diện tích các loại cây ăn quả là diễn biến thuyết phục cho thấy huyện Lạc Thủy đang đi đúng hướng trong chuyển đổi lĩnh vực trồng trọt.
Ở phạm vi toàn tỉnh, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh đã hoạch định mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích cây ăn quả có múi trên 6.000 ha. Cùng với đó là các giải pháp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn, tập trung, chuyên canh ổn định và bền vững trên cơ sở khai thác tốt các lợi thế của địa phương. Bám sát định hướng này, một số địa phương đã hình thành những vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung như Cao Phong, Lạc Thủy, Tân Lạc, Kim Bôi... Ngoài ra, các loại cây có giá trị kinh tế cao như bí xanh, bí đỏ, su su, rau hữu cơ... cũng được các địa phương lựa chọn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị đất canh tác. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong 2 năm thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, giá trị thu nhập trên một đơn vị đất canh tác nông nghiệp đã có mức tăng đáng ghi nhận: Năm 2013 đạt 85 triệu đồng/ha, đến năm 2015 đạt 104,4 triệu đồng/ha, cao hơn mức bình quân cả nước khoảng 20% và thuộc diện đứng đầu các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Cùng với việc nâng cao giá trị thu nhập, công tác tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng đạt những kết quả bước đầu khả quan cho thấy quá trình tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt đang diễn ra đúng hướng. Trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn cung ứng cho thị trường Hà Nội và phục vụ xuất khẩu như mô hình liên kết sản xuất bí xanh, mô hình sản xuất cam, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP... Tỉnh cũng đã có quy hoạch phát triển đối với một số cây trồng chủ lực, bước đầu thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn... Trong 2 năm thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt (2014 - 2015), toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 3.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đồng thời áp dụng trên diện rộng các giải pháp công nghệ tiên tiến, các quy trình sản xuất an toàn để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cho các loại cây trồng chủ lực. Trong 2 năm, giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt đều tăng trên 4%, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng cao, năng suất, sản lượng một số loại nông sản được cải thiện đáng kể góp phần quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao điều kiện sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn... Đó là những thành quả bước đầu cho thấy tỉnh ta đã xác định đúng các trọng tâm để thúc đẩy tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu ưu tiên trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Hướng đến hiệu quả và phát triển bền vững, kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh tiếp tục xác định rõ các giải pháp trọng tâm: Về giống, sẽ mở rộng diện tích trồng các giống có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh giống; đẩy mạnh công tác bình tuyển, công nhận, quản lý cây đầu dòng cây ăn quả theo đúng quy định của pháp luật. Về kỹ thuật canh tác, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quy trình VietGAP đối với các cây trồng chủ yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt trên thị trường; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm có lợi thế của địa phương. Đặc biệt, giải pháp quan trọng hàng đầu chi phối hiệu quả tái cơ cấu được xác định là tổ chức lại sản xuất. Theo đó, các địa phương sẽ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo phương thức tập trung, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực; tiếp tục phát triển mạnh mẽ các hình thức tổ chức của nông dân như tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội...; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; tiếp tục rà soát và quản lý việc thực hiện các quy hoạch phát triển cây trồng chủ lực; tăng cường hơn nữa sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để hình thành các chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Định hướng xuyên suốt trong thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt là phải hướng đến nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Trong lĩnh vực trồng trọt, ý nghĩa của tái cơ cấu không chỉ là thay đổi cơ cấu cây trồng mà phải thay đổi cách tiếp cận trong tổ chức sản xuất. Tái cơ cấu trồng trọt thực chất là thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi sang những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Làm được điều đó, chúng ta nhất định sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 4,04%/năm, đến năm 2020 ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng 69,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác gấp 1,5 lần so với năm 2015.
Thu Trang
(HBĐT) - Quãng thời gian 8 năm cây su su bén duyên với mảnh đất Quyết Chiến (Tân Lạc) là ngần ấy thời gian bà con xã vùng cao này buồn vui, lo âu lẫn lộn. Dù có tiềm năng rất lớn nhưng để su su thực sự “bứt phá” đem lại nụ cười cho bà con nơi đây thì bài toán nan giải trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm cần lắm một lời giải.
(HBĐT) - Ngày 1/4, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra tình hình thực hiện chương trình xây dựng NTM xã Hợp Thành, Kỳ Sơn. Cùng đi có đại diện các ngành Y tế, Liên minh HTX, VH-TT&DL và huyện Kỳ Sơn.
(HBĐT) - Mỗi dịp đầu năm, hồ Hòa Bình là điểm du xuân lý tưởng cho du khách thập phương. Kéo theo đó, dịch vụ tàu, thuyền từng bước được đầu tư nâng cấp, đóng mới đáp ứng ngày càng tốt việc đưa đón du khách.
(HBĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kỳ 2011-2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.
(HBĐT) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu chế độ, chính sách đối với lao động tiền trạm kinh tế mới làm nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam thời kỳ 1976-1980, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
(HBĐT) - Sáng 31/3, tại Hà Nội, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015.