(HBĐT) - Mấy tháng nay, các xã vùng bắc huyện Lương Sơn trước đây (nay thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai - Hà Nội) hồ hởi, xôn xao chuyện con trai thứ 2 nhà anh Bùi Văn Phiến (thôn Đồng Rằng - Đông Xuân - Quốc Oai) đoạt huy chương vàng nội dung nhảy xa tại Sea Games 29 vừa diễn ra ở Malaixia. Họ còn nói, chàng trai dân tộc Mường 22 tuổi Bùi Văn Đông là nam VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương vàng, kể từ khi điền kinh Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung tham dự đấu trường khu vực Đông Nam á. Đây cũng là huy chương vàng lịch sử góp phần vào thành tích chung của điền kinh Việt Nam khi lần đầu lên ngôi vị số 1 ở Sea Games…
Vận động viên Bùi Văn Đông trong đợt nhảy chung kết tại Sea games 29
Còn gia đình anh Bùi Văn Phiến không thể quên ngày 24/8 khi bà con thôn, xóm kéo đến chật kín nhà để xem truyền hình trực tiếp cậu con trai lần đầu xuất ngoại thi đấu với bao cung bậc tình cảm. Từ hào hứng, sôi nổi ban đầu đến những phút hồi hộp, cao trào khi sự cạnh tranh quyết liệt đến từ các VĐV rất cao, to, có sải chân dài đến từ In-ñoâ-nê-xia, Philippin, Thái Lan…11 VĐV của 6 nước, mỗi VĐV có 6 lượt nhảy. Việt Nam có 2 VĐV. Ngay từ cú nhảy đầu tiên, Bùi Văn Đông đã khiến các cổ động viên Việt Nam tại SVĐ và "sân nhà” reo hò khi đạt tới thông số 7 m 64, dẫn đầu đợt nhảy. Lợi thế đó chỉ kéo dài đến hết đợt nhảy thứ 3, khi ở lượt nhảy thứ tư, 2 VĐV người Philippin và Indonexia lần lượt nhảy được 7,75 m và 7,78 m.
VĐV Bùi Văn Đông nhận bằng khen của UBND thành phố Hà Nội sau kỳ Sea Games thành công.
Thời gian như ngừng lại. ở đợt nhảy thứ 5, nếu không thành công, Bùi Văn Đông chỉ có thể đoạt huy chương đồng. Nhưng mọi chuyện đã sáng sủa hơn rất nhiều, khi ở đợt nhảy được - mất đó, VĐV người xóm Đồng Rằng đã "bay” xa tới 7,83 m trong tiếng hoan hô, reo hò đến khản giọng của các cổ động viên. Lợi thế đó được duy trì cho đến hết các đợt nhảy của VĐV các nước.
Chiến thắng rồi. Cờ Tổ quốc quàng trên vai, nụ cười thật tươi, đôi mắt lấp lánh, rạng rỡ, VĐV Bùi Văn Đông chạy những bước thật vui, mừng chiến thắng trên sân vận động thủ đô nước bạn. Lần đầu dự Sea Games, VĐV người dân tộc Mường này đã lập công, ghi tên mình vào bảng vàng của đoàn Việt Nam tại Sea Games. Sau này, khi nhớ đến khoảnh khắc làm nên cú nhảy thần kỳ đó, VĐV này chia sẻ: "Khi 2 VĐV nước bạn vượt lên vị trí thứ nhất và thứ hai, em cũng không thấy áp lực gì cả. Em tự nhủ, chỉ cần không phạm quy, có thể vượt qua cột mốc của bản thân cùng 2 đối thủ bạn”. Và em đã làm được điều đó. Nếu biết rằng: qua các kỳ Sea Games, nhảy xa nam Việt Nam chỉ chạm ngưỡng huy chương bạc và huy chương đồng. Vì thế, với thành tích này đã mở ra trang mới cho nhảy xa nam Việt Nam không chỉ ở khu vực mà có thể ở tầm châu lục. Ngày Bùi Văn Đông lên bục nhận huy chương vàng ở sân vận động Kua-lăm-pơ, tại một xóm nhỏ xã Đông Xuân, gia đình anh, bà con thôn, xóm cũng có những giây phút hạnh phúc ngất ngây…
Từ hồi học tiểu học và THCS, VĐV này đã có một tình yêu rất lớn đối với thể thao. Chân đất tập chạy, tập nhảy trong các giải thể thao học đường. Cơ duyên khi được các HLV ở Trung tâm TD-TT Hà Đông phát hiện, nhìn ra được tố chất, năng khiếu đã đưa VĐV này đến con đường luyện tập chuyên nghiệp (học kỳ I lớp 9, năm 2009). Xa nhà với những khó khăn, non nớt ban đầu nhưng đã rèn đúc cho Bùi Văn Đông tính tự lập, chủ động trong cuộc sống, học tập, rèn luyện. Từ đội tuyển của Hà Nội, tuyển trẻ quốc gia (năm 2012) lên đội tuyển quốc gia (năm 2014) là cả một chặng đường thật dài với nhiều mồ hôi và nỗ lực. Những tấm huy chương giải trẻ cũng như từng thiết lập kỷ lục nhảy xa trẻ quốc gia đã cho VĐV này thêm tự tin. Không có thể hình lý tưởng(chỉ cao 1m65, mình dày) nhưng VĐV Bùi Văn Đông lại có sức mạnh, tốc độ và nhất là ý thức nghiêm túc trong tập luyện, thi đấu. Cũng từng đoạt huy chương vàng chạy 100 m giải vô địch trẻ quốc gia nhưng nhảy xa mới là "bến đỗ” của chàng trai này.
Chịu khó tập luyện, luôn khiêm tốn và học hỏi để từng bước khẳng định mình, nhưng suốt từ năm 2014 đến tháng 6/2017, VĐV trẻ này chưa bao giờ vô địch quốc gia vì còn nhiều gương mặt xuất sắc khác đang được kỳ vọng đoạt các huy chương khu vực, quốc tế. Thậm chí danh sách dự Sea Games 29 không hề có tên Bùi Văn Đông. Đấy cũng là điều đương nhiên, vì năm 2014, Bùi Văn Đông chỉ đoạt huy chương đồng (Đại hội TD-TT toàn quốc); năm 2015, không lọt vào đợt nhảy chung kết; năm 2016 (huy chương bạc giải vô địch quốc gia với kết quả 7,62 m). Sẽ là khán giả qua truyền hình nếu Bùi Văn Đông không đạt thành tích ấn tượng tại giải điền kinh quốc tế thành phố Hồ Chí Minh mở rộng: lập kỷ lục nhảy xa quốc gia với thành tích 7,89 m. Nhờ đó, VĐV người dân tộc Mường đã được bổ sung gấp rút vào đội tuyển quốc gia. Đây là tấm vé "vớt” cuối cùng của đoàn thể thao Việt Nam. Không phụ lòng tin của giới chuyên môn và người hâm mộ, Bùi Văn Đông đã đoạt huy chương vàng ngay lần đầu dự Sea Games; thêm khẳng định điều: việc phá kỷ lục quốc gia ở thành phố Hồ Chí Minh không phải là sự ăn may, do sức gió, lợi thế sân nhà. Đồng thời, mở thêm niềm tin cho bao VĐV khác: thể hình quan trọng nhưng không phải là tất cả, vấn đề là ý chí và khát vọng vươn tới đỉnh cao.
Đang là sinh viên năm cuối Đại học TD-TT Từ Sơn, tương lai khá rộng mở đối với chàng trai 22 tuổi người dân tộc Mường. Nhưng trước mắt, Bùi Văn Đông đang có những bước chuẩn bị thật cần thiết cho Đại hội TD-TT toàn quốc (trong màu áo tuyển Hà Nội) và Đại hội thể thao châu á tại Inđônê xia trong năm 2018. Tấm gương của Bùi Văn Đông thực sự là động lực để các VĐV người dân tộc thiểu số nói riêng, các VĐV trẻ nói chung có thêm niềm tin vào con đường thể thao đã chọn.
Bùi Huy