|
Olympic trẻ được tổ chức bốn năm một lần, bắt đầu từ năm 2010 tại
Singapore. Giải năm nay thu hút gần 4.000 VĐV ở lứa tuổi từ 14 đến 18 tới từ
206 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN)
tham dự với 13 VĐV, tranh tài ở bảy bộ môn, gồm: bơi, cử tạ, cầu lông, điền
kinh, taekwondo, thể dục dụng cụ và khiêu vũ thể thao (dance sport).
Mục tiêu ban đầu của TTVN trước khi dự giải là giành được một
HCV, tuy nhiên, các VĐV trẻ đã thi đấu ấn tượng và có được kỳ đại hội thành
công nhất trong ba lần tham dự. TTVN giành hai HCV ở môn cử tạ của Ngô Sơn Đỉnh
và bơi của Nguyễn Huy Hoàng, bên cạnh tấm HCB của nữ đô cử Nguyễn Thị Thu
Trang. "Các VĐV Việt Nam đã cố gắng hết mình trong thi đấu để mang vinh quang
về cho Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những tấm huy chương mà đoàn
TTVN đạt được hoàn toàn xứng đáng và phản ánh đúng khả năng, năng lực của các
VĐV. Bên cạnh đó, hầu hết các thành viên trong đoàn đều đã nỗ lực vượt lên
chính thành tích của bản thân tại các giải đấu quốc tế trước đó”, chia sẻ của
ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao, Trưởng
đoàn TTVN dự Olympic trẻ 2018.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Tổng cục trưởng, ở môn cử tạ hiện nay,
IOC đã cắt bỏ hai hạng 56 kg và 44 kg, điều này buộc các quốc gia phải nâng hạng
cân của VĐV lên so với trước. Đây sẽ là bài toán thách thức với các VĐV Việt
Nam trong các trong thời gian tới. Trong khi đó, với bộ môn bơi, VĐV Nguyễn
Huy Hoàng đang được tập trung đầu tư cao độ cho sân chơi Olympic 2020 và xa
hơn là Asiad 2022.
Hai VĐV giành HCV của Việt Nam tại Olympic trẻ 2018 đều là những
VĐV trẻ giàu tiềm năng, đầy triển vọng trong tương lai. Đô cử Ngô Sơn Đỉnh
trong lần đầu dự đấu trường Olympic đã thi đấu vô cùng tự tin, vượt qua mọi
rào cản tâm lý để giành tấm HCV hạng 56 kg với mức tổng cử 262 kg, bỏ xa các
đối thủ như Natthawat Chomchuen của Thái-lan (239 kg) hay Frantisek Polak của
CH Séc (233 kg).
Thành công của VĐV trẻ người Tiền Giang không hề do may mắn hay
ngẫu nhiên mà bởi sự cố gắng, tiến bộ qua từng giải đấu quốc tế mà Sơn Đỉnh
tham dự. Tại Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á, năm 2017, đô
cử sinh năm 2001 giành một HCV cùng hai HCĐ; còn trong năm 2018 này, Sơn Đỉnh
có được ba HCV, bên cạnh hai tấm HCĐ ở Giải cử tạ vô địch trẻ thế giới.
Tấm HCV thứ hai của đoàn TTVN tại Olympic trẻ 2018 do VĐV Nguyễn
Huy Hoàng cũng là phần thưởng xứng đáng sau những nỗ lực không biết mệt mỏi để
tự hoàn thiện và phát triển trình độ của kình ngư sinh năm 2000. Chỉ chưa đầy
hai tháng sau thành tích giành HCB vô cùng ấn tượng tại Asiad 18, Huy Hoàng
đáp lại những kỳ vọng của ban huấn luyện cùng người hâm mộ quê nhà với tấm
HCV nội dung 800 m nam (thành tích 7 phút 50 giây 20). Với bốn giây nhanh hơn
thành tích đạt được tại Indonesia mùa hè vừa qua, Huy Hoàng đã vượt qua chuẩn
A của Olympic Tokyo 2020 và nhiều khả năng sẽ được tham dự Đại hội thể thao lớn
nhất thế giới này sau đây hai năm.
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng rạng rỡ với tấm HCV nội dung 800 m bơi
tự do nam.
Dù đạt được thành công ngoài mong đợi tại Olympic trẻ 2018,
nhưng theo Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn, để các VĐV trẻ của Việt Nam có
thể tiến vào sân chơi Olympic là cả một chặng đường dài phía trước, bởi khoảng
cách và trình độ của hai giải đấu vẫn đang ở khá xa nhau. Điển hình như trường
hợp thi đấu không thành công của nhà vô địch taekwondo trẻ thế giới hạng dưới
49 kg Hồ Thị Kim Ngân ở giải lần này.
Dù có được huy chương ở giải trẻ này hay không thì các VĐV vẫn cần
tiếp tục cố gắng, nỗ lực tập luyện để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm nếu muốn
hướng tới đấu trường Olympic - nơi quy tụ của những VĐV hàng đầu thế giới ở
các môn thể thao. Bên cạnh đó, vai trò của việc đầu tư khoa học, hệ thống và
có sự tính toán dựa trên tiềm năng chuyên biệt của VĐV cũng rất quan trọng.
Những yếu tố này sẽ giúp bảo đảm điều kiện tập luyện để nâng cao thành tích của
các VĐV trẻ triển vọng trong tương lai.
|
TheoNhandan