Môn đấu kiếm tại SEA Games 31 được dự báo là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Việt Nam, Singapore, Indonesia và Thái Lan, nhưng có vẻ sự chuẩn bị của đội tuyển đấu kiếm nước ta phần nào không được như các đối thủ trong khu vực khi họ được tập huấn tại những nước có môn đấu kiếm rất phát triển như Hàn Quốc, Hungary, Pháp, Áo…
Nỗi lo thiếu trước, hụt sau
Chuẩn bị cho SEA Games 31, Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam đã được tập trung từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với 36 vận động viên tập huấn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với nòng cốt là các vận động viên Hà Nội.
Theo kế hoạch, đội sẽ chọn ra 24 vận động viên đại diện tranh tài ở cả 12 nội dung thi đấu của đại hội bao gồm sáu nội dung đồng đội, sáu nội dung cá nhân. Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Ban huấn luyện đã trình lên các cấp lãnh đạo kế hoạch tập huấn quốc tế cho các vận động viên ở cả ba nội dung là kiếm chém, kiếm liễu và kiếm ba cạnh từ rất sớm, dự kiến tại Hàn Quốc, Croatia, Pháp trong khoảng từ bảy đến 10 ngày.
Tuy nhiên vì lý do khách quan, các kế hoạch này đều không thể thực hiện được khi thời gian diễn ra SEA Games 31 đã cận kề. Trong khi đó, nhìn sang các đối thủ trong khu vực, không được đánh giá cao như đội kiếm Brunei cũng vừa kết thúc chuyến tập huấn ở Áo và chuyển sang địa điểm tiếp theo ở Hungary, đội kiếm Thái Lan vừa đi Pháp về và chuẩn bị sang Hàn Quốc rèn quân, đội Singapore vừa đi tập huấn tại Mỹ ba tuần và sang tuần đi Pháp rồi tiếp tục đi Hàn Quốc trước khi trở về thi đấu SEA Games 31.
Đội tuyển Indonesia tập huấn ở Bulgaria, Philippines chọn Hàn Quốc cùng với chuyên gia của mình để tập luyện trước giải. Đây quả thật là một thử thách rất đáng ngại cho đấu kiếm Việt Nam khi nhìn vào sự chuẩn bị của các nước trong khu vực từ những đối thủ trực tiếp đến những đội mới đầu tư cho bộ môn này.
Theo huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn, thời gian qua, các vận động viên của chúng ta không được thi đấu cọ xát quốc tế, cũng như thi đấu ở các giải đấu cấp độ quốc gia, khiến tâm lý vận động viên đấu kiếm bị ảnh hưởng nhiều. Có thể nói sự chuẩn bị của Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam rất đáng lo bởi ít được tập huấn hơn so với các đối thủ trong khu vực.
Hàng loạt khó khăn bủa vây các kiếm thủ Việt Nam trước SEA Games 31, nhất là khi thiếu kinh nghiệm thực chiến. Người trong cuộc không muốn đề cập nhiều và vẫn khẳng định nỗ lực vượt khó. Nhưng ở khía cạnh khác, người hâm mộ lại mong muốn và kỳ vọng đội hoàn thành mục tiêu đề ra.
Chưa giải được bài toán khó khăn trong thi đấu cọ xát để nâng cao trình độ, rèn tâm lý, Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam còn phải đối mặt với khó khăn khác lớn hơn rất nhiều là trang thiết bị luyện tập. Câu chuyện thiếu kiếm tập và thi đấu đã trở thành bệnh "kinh niên” ở đội tuyển. Nhà nước cấp kinh phí, cơ chế để mua, nhưng ở Việt Nam không có cơ sở hay nhà máy nào sản xuất.
Kiếm nằm trong danh mục vũ khí thể thao, đòi hỏi những quy định khắt khe về nhập khẩu. Môn đấu kiếm không phải là môn phổ biến, số lượng nhu cầu trang bị ít, cho nên không có công ty thể thao nào nhập khẩu kiếm về kinh doanh. Đấy vẫn là cái khó đeo đuổi Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam trong thời gian chuẩn bị cho SEA Games 31. Huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn chia sẻ:
Gần đây nhất là năm 2016 đội được cấp phát tám thanh kiếm cho một nội dung, sau đó khi đi tập huấn thầy và trò động viên nhau chủ động trích kinh phí tập huấn và tiền cá nhân để mua sắm thêm. Yêu cầu về lưỡi kiếm với trình độ của vận động viên đội tuyển quốc gia mỗi tháng tối thiểu gãy một thanh kiếm, vì với cường độ tập luyện thi đấu một tuần hai buổi nội bộ, một tháng sẽ có tám buổi thi đấu mà mỗi ngày thi đấu từ tám đến 10 trận thì sau 80 đến 100 trận lưỡi kiếm sẽ gãy. Một lưỡi kiếm nếu dùng chắt chiu thì được một tháng hoặc hơn chút. Còn lại nếu không có thì phải tập thể lực bù hoặc tập chay không có kiếm.
Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, song bộ môn đấu kiếm vẫn nỗ lực tìm giải pháp, tạo điều kiện cho các tuyển thủ tập luyện, thi đấu hoàn thành mục tiêu. Ban huấn luyện vẫn đặt niềm tin giành Huy chương vàng vào tuyển thủ kỳ cựu như Vũ Thành An (sinh năm 1992), Nguyễn Xuân Lợi kiếm chém nam. Nội dung đồng đội nữ kiếm ba cạnh chúng ta đang là đương kim á quân với Phương Kim, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Thị Trang quyết tâm đổi mầu huy chương trên sân nhà. Ngoài ra, đội tuyển cũng kỳ vọng vào sự tỏa sáng của lứa vận động viên trẻ, như:
Phạm Huyền Trang, Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phạm Đức Trọng, Bùi Hải Long..., những vận động viên năm nay mới 19, 20 tuổi nhưng đã tiệm cận với các anh chị lớn trong đội, đủ khả năng tranh chấp các bộ huy chương SEA Games. Hiện tại, đội đang trong quá trình sàng lọc, tuyển chọn và thi đấu nội bộ cạnh tranh vị trí để có những vận động viên tốt nhất và đội tuyển mạnh nhất chuẩn bị cho SEA Games 31.
TheoNhanDan