(HBĐT) - Tan giờ làm, anh Nguyễn Đại Sơn, giáo viên trường Năng khiếu, huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao (TDTT) tỉnh nhanh chóng tới sân bóng đá cỏ nhân tạo để tham gia "cầm còi” tại các trận thi đấu bóng đá phong trào. Đó là niềm đam mê của anh Sơn cũng như một số vị "vua áo đen” bán chuyên khác đang thầm lặng góp phần tạo nên những trận bóng đá "phủi” công bằng, thúc đẩy phát triển các giải bóng đá phong trào.
Trọng tài Duy Anh điều khiển trận thi đấu trong Giải bóng đá phong trào Hòa Bình League B.
Không quá xa lạ với những người đam mê bóng đá "phủi” tại TP Hòa Bình, anh Sơn được biết đến là một trong những trọng tài nghiêm khắc trên sân cỏ. Được đào tạo bài bản tại trường Đại học TDTT Bắc Ninh, anh Sơn thường xuyên được mời tham gia công tác trọng tài tại các giải thi đấu bóng đá cấp tỉnh và giải phong trào trên địa bàn huyện, thành phố. Anh chia sẻ: "Áp lực của chúng tôi khi điều khiển các trận bóng đá "phủi” rất lớn. Khán giả cổ vũ cho các đội bóng rất nhiệt huyết, sẵn sàng có những hành động hoặc lời nói xúc phạm đến những người làm công tác trọng tài bởi những quyết định đưa ra không có lợi cho đội bóng của họ. Tuy nhiên, với mong muốn đem đến sự công bằng và tinh thần fair play trong bóng đá, tôi luôn nghiêm khắc với những pha bóng xấu để bóng đá phong trào thực sự phát triển hơn. Đồng thời, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những người yêu và đam mê trái bóng tròn”.
Theo rà soát, trên địa bàn TP Hòa Bình có trên 20 trọng tài tham gia điều khiển các trận thi đấu bóng đá phong trào, chủ yếu là giáo viên thể dục hoặc những cầu thủ lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố. Với mong muốn tạo sự công bằng trong bóng đá "phủi”, việc thuê trọng tài điều khiển các trận thi đấu đã trở nên quen thuộc trong thời gian gần đây. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của những vị trọng tài bán chuyên đó là phải có kiến thức cơ bản về Luật Bóng đá. Hiện nay, các giải thi đấu bóng đá phong trào trên địa bàn thành phố được duy trì tổ chức vào các ngày cuối tuần. Theo đó, mỗi trận đấu sẽ có sự tham gia của 2 - 3 trọng tài, trong đó có 1 trọng tài bắt chính và 1 - 2 trọng tài biên. Đối với các trận thi đấu giao lưu chỉ có 1 trọng tài điều khiển trận đấu, do đó càng đòi hỏi chuyên môn, sự tập trung cao độ của trọng tài để xử lý tốt các tình huống diễn ra trên sân.
Anh Duy Anh, một trọng tài bóng đá "phủi” thường xuyên được mời tham gia cầm còi tại các buổi thi đấu bóng đá phong trào cho biết: "Với kinh nghiệm hơn 3 năm cầm còi tại các giải bóng đá "phủi" và các trận thi đấu giao lưu giữa các đội bóng trên địa bàn các huyện, thành phố, tôi thường xuyên cập nhật quy định, luật thi đấu bóng đá mới nhất để áp dụng vào thực tế. Quá trình tham gia điều khiển trận đấu sẽ phát sinh các tình huống trên sân, do đó, với vai trò là người "cầm cân nảy mực” phải thật bình tĩnh, sáng suốt đưa ra những quyết định đúng luật”.
Đối với những người cầm còi tại các trận bóng đá "phủi”, đó không chỉ là niềm đam mê với trái bóng mà còn là công việc góp phần tăng thêm thu nhập ngoài giờ làm việc. Mỗi trận thi đấu giao lưu kéo dài từ 60 - 90 phút, các trọng tài được thuê cầm còi với mức giá 100.000 - 200.000 đồng/trận; đối với các trận thi đấu bóng đá tại các giải thể thao phong trào từ 300.000 - 500.000 đồng/trận.
Anh Vũ Xuân Cường, Câu lạc bộ bóng đá 246 cho biết: "Trước đây, khi tham gia giao hữu bóng đá không có trọng tài thường xuyên xảy ra cãi vã, tranh luận và nhiều pha phạm lỗi nguy hiểm. Thời gian gần đây, tại các trận thi đấu bóng đá phong trào đã có sự tham gia của các trọng tài. Mặc dù mất thêm chi phí để thuê trọng tài nhưng các đội bóng đều đồng tình ủng hộ, bởi các trận thi đấu sẽ diễn ra công bằng hơn và có tính chất chuyên môn cao hơn”.
Đức Anh
Liverpool và Real Madrid sẽ chạm trán nhau trong trận đấu cuối cùng để tìm ra nhà vô địch của UEFA Champions League mùa giải năm nay. Đây là trận chung kết thứ 3 giữa hai đội, lặp lại nhiều nhất trong lịch sử ở giải đấu cao nhất cấp câu lạc bộ của Lục địa già.
Sau chiếc HCV SEA Games 31, tuyển U23 Việt Nam đang hướng đến Vòng chung kết U23 châu Á 2022 diễn ra ở Uzbekistan vào tháng 6 tới với những thách thức không nhỏ.
(HBĐT) - Bất cứ ai, từng hòa mình vào không khí SEA Games 22 đã được tổ chức tại Việt Nam năm 2003, hay lần đầu đến với SEA Games 31 năm 2022 cũng đều có chung những cảm xúc đẹp đẽ nhất về những ngày sôi động, hào hứng và quyết liệt diễn ra ở tại 12 tỉnh, thành toàn quốc. Và khi lá cờ Đại hội Thể thao Đông Nam Á được hạ xuống trong đêm bế mạc, mỗi người lại trào dâng sự bồi hồi, luyến nhớ những ngày sống cùng SEA Games và bật lên câu hỏi: Bao giờ SEA Games sẽ trở lại Việt Nam?
(HBĐT) - SEA Games 31 vừa khép lại với những cảm xúc cuồng nhiệt và rạo rực. Tại Hòa Bình, những ngày sống trong không khí sôi động mùa SEA Games, du khách, bạn bè trong nước và các nước trong khu vực không chỉ đón nhận tình cảm hiếu khách mà còn có cơ hội tìm hiểu bản sắc văn hóa độc đáo, riêng có của người dân địa phương.
Để chuẩn bị cho AFF Cup 2022, đội tuyển Việt Nam sẽ có trận giao hữu tuyển Afghanistan tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 1/6.
Nằm trong kế hoạch hướng tới Giải vô địch Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) 2022, đội tuyển Việt Nam sẽ có trận đấu giao hữu quốc tế với đội tuyển Afghanistan vào ngày 1/6 tới trên SVĐ Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh. HLV trưởng Park Hang-seo đã công bố danh sách tập trung 23 cầu thủ chuẩn bị cho trận đấu này.