(HBĐT) - Bản Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) là một trong những bản có hoạt động du lịch cộng đồng mới trên khu vực hồ Hòa Bình, địa điểm lý tưởng cho những du khách muốn tạm xa ồn ào của đô thị, khám phá những điều mới lạ, tìm hiểu về đời sống văn hóa của dân tộc Mường.


Homestay Ngọc Nhềm chuẩn bị các món ăn dân tộc cho du khách.

Chúng tôi đến thăm bản vào những ngày đầu thu bằng đường bộ. Từ trung tâm huyện phải mất cả tiếng đồng hồ nhưng lại có cảm giác được chinh phục, cảm nhận thiên nhiên núi rừng bình yên và thật ấn tượng. Đi trên con đường quanh co nên thơ có thể nhìn thấy cả rừng đại ngàn, màu xanh mặt hồ thấp thoáng lúc xa, lúc như hiện ngay tầm tay với. Những dải núi đá nối tiếp, nửa nổi, nửa chìm như những hòn đảo xanh mướt lô nhô trong lòng hồ mênh mang. Xóm Đá Bia chỉ có 28 hộ dân tộc Mường sinh sống, không gian văn hóa, cảnh quan vẫn còn gần như nguyên bản. Xóm nằm sát hồ thủy điện có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đầy thơ mộng. Xóm Đá Bia đã tìm hướng đi mới trong khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa người Mường để phát triển du lịch cộng đồng homestay. Lượng khách đến thăm quan xóm Đá Bia ngày một nhiều hơn góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương.

Chúng tôi nghỉ lại nhà nghỉ homestay Ngọc Nhềm - một trong số nhà làm homestay ở xóm Đá Bia. Người dân mới làm du lịch, thế nhưng các dịch vụ ở đây đáp ứng khá tốt nhu cầu của du khách. Homestay Ngọc Nhềm chỉ cách mặt hồ chừng 15 phút đi bộ, nằm giữa không gian của núi rừng, cây trái, hoa cỏ, khoảng sân rộng, trên nhà bài trí sạch sẽ, gọn gàng, có thể đáp ứng cho hàng chục người nghỉ lại. Dưới sân nhà đủ rộng cho các hoạt động ăn uống, biểu diễn văn hóa của đông người. Từ cửa sổ nhà sàn có thể phóng tầm mắt nhìn xuống lòng hồ mênh mang, mát rượi hơi nước gió hồ. Tiếp xúc với gia đình chị Nhềm và những người dân Đá Bia thấy họ thật chan hòa, gặp người lạ là trên môi đã nở nụ cười thân thiện, dễ gần.

ở xóm, người dân sẽ hướng dẫn bạn tham gia sinh hoạt sản xuất và tìm hiểu đời sống cũng như khám phá trải nghiệm cảnh quan hiếm có ở vùng hồ sông Đà. Du khách có thể chèo thuyền, bơi mảng, tham gia các hoạt động đánh bắt cá tôm, câu cá thỏa thích. Chèo thuyền, chèo mảng ven hồ, khỏa tay xuống làn nước hồ trong vắt, có thể thấy hàng nghìn con cá tép, cá mương bơi lội đớp theo bọt sóng lăn tăn. Nếu có thời gian, có thể cùng người dân trải nghiệm những phiên chợ tạm khu vực xung quanh như chợ Oi Nọi (xã Tiền Phong); chợ Ké (xã Hiền Lương), chợ Hạt (xã Yên Hòa), chợ Tràng Ang (xã Vầy Nưa), chợ Cửa Nánh (xã Suối Nánh), chợ Mọc (xã Đồng Nghê… Tại đây, du khách có thể mua về những sản phẩm của đồng bào như mật ong rừng, gà đồi, cá khô, các loại cây thuốc tốt, nải chuối, rau rừng… hoặc bơi thuyền đến khám phá đảo Sung (Tiền Phong).

Sẽ không thể nào quên khi được thưởng thức những món ăn bình dị gắn với cuộc sống của người dân địa phương. Bữa ăn có cá rô, cá trắm vừa câu dưới hồ đem hấp có chút thìa là, rau răm, chấm nước mắm, hạt dổi thơm lừng. Nếu thích, bạn có thể lựa chọn nhiều món ăn đặc sắc theo yêu cầu như: măng núi, rau rớn, rau tầm bóp, lá đu đủ luộc, muối vừng, lòng cá, thịt gà luộc, xôi ngũ sắc, nếp nương do bà con tự trồng. Cùng nhâm nhi chén rượu nồng cay của bà con tự nấu mang lại những giây phút lâng lâng, lắng đọng.

Trong không gian tĩnh lặng của núi rừng, sông Đà yên ả, bạn sẽ hòa mình trong đêm lửa trại bập bùng, vui chung điệu sạp với bà con. Tay trong tay với những cô gái Mường duyên dáng nhịp nhàng bước trong tiếng lách cách gậy tre tạo nên những âm thanh vui tai, tiếng nhạc rộn ràng cả một góc rừng để rồi chìm vào giấc ngủ say trong sự thanh khiết của núi rừng. Nghe tiếng chim hót ríu ran báo hiệu bình minh đánh thức bạn trong không gian se lạnh những ngày thu về, cảm nhận được từng áng mây trắng bồng bềnh quấn quanh đỉnh núi, giữa trời đất lòng hồ bình yên.


                                                                      L.C

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục