Bùi Văn Tỉnh
Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc, có vị trí địa lý quan trọng, là vùng đệm trung gian tiếp nối giữa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với vùng Tây Bắc của Tổ quốc; có diện tích tự nhiên 4.610 km2, dân số trên 83 vạn người. Trên địa bàn tỉnh có các dân tộc Mường, Kinh, Tày, Thái, Dao, Mông, Hoa cùng chung sống lâu đời, đông nhất là dân tộc Mường chiếm 63,3%. Là vùng đất cổ với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng đông nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú, nên ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất Hòa Bình để lại một nền văn hóa nổi tiếng "Văn hóa Hòa Bình”.


Cán bộ Bảo tàng tỉnh chuẩn bị các hiện vật cho hoạt động trưng bày chuyên đề "Văn hóa Hòa Bình” trên đất Hòa Bình. ảnh: p.v

 

Từ những năm 20 của thế kỷ XX, các hang động trong các sơn khối đá vôi Hòa Bình đã được các nhà khảo cổ học của trường Viễn Đông Bác Cổ chú ý tới. Qua quá trình khảo sát, thám sát, khai quật, nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm ra trong các hang động của các sơn khối đá vôi Hòa Bình một nền văn hóa phát triển trong giai đoạn từ hậu kỳ đá cũ cho tới sơ kỳ đá mới, nền văn hóa này được đặt tên là nền "Văn hóa Hòa Bình”. Trong thời gian từ năm 1926 - 1932, bà Madeleine Colani đã phát hiện và khai quật 54 di chỉ khảo cổ ở miền Bắc Việt Nam; kết quả, một nền văn hóa thời đại đá sớm hơn so với văn hóa Bắc Sơn đã được phát hiện. Năm 1932, tại Hội nghị Tiền Sử Viễn Đông lần thứ nhất tại Hà Nội (Hội nghị đầu tiên về khảo cổ trên đất Việt Nam), bà Madeleine Colani đã trình bày đầy đủ bằng chứng sự hiện diện một nền văn hóa cổ không giống những văn hóa tiền sử biết đến trước đó trên thế giới và tên gọi "Văn hóa Hòa Bình” do Madeleine Colani đề xuất đã được Hội nghị thông qua. Có thể nói, Madeleine Colani chính là người đã đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình.

 "Văn hoá Hòa Bình” được xác định là gạch nối giữa thời đại đá cũ (Văn hoá Sơn Vi - Phú Thọ) và thời đại đá mới (Văn hoá Bắc Sơn - Lạng Sơn). "Văn hóa Hòa Bình” tồn tại trong khoảng thời gian từ 30.000 năm đến 4.000 năm cách ngày nay và không chỉ tồn tại trên đất nơước Việt Nam mà còn phân bố rất rộng ở khu vực Đông Nam á. ở phía Bắc, di tích "Văn hóa Hòa Bình” có mặt ở Nam Trung Quốc; về phía Nam "Văn hóa Hòa Bình” lan tận đảo Sumatra (Indonesia); phía Tây di tích "Văn hóa Hòa Bình” đã gặp ở Miến Điện, Thái Lan và ở phía Đông người ta cho rằng có dấu vết của văn hóa này trong một hang động của Philippines. Hiện nay, ở Việt Nam đã tìm thấy trên 130 địa điểm thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình”, trong đó trên một nửa do các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện trong khoảng những năm 1966 - 1980. Các di tích Văn hóa Hòa Bình phân bố không đều, tập trung nhiều nhất tại hai tỉnh: Hòa Bình (72 điểm) và Thanh Hóa (32 điểm), số còn lại phân bố rải rác ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Trị.

 Sự hiện diện của nền "Văn hóa Hòa Bình” không chỉ là minh chứng khẳng định Việt Nam là một trong những chiếc nôi của loài người mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học, các nhà nhân chủng học,... trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa sinh học từ người vượn tiền sử Homoeretus tiến lên người hiện đại Homosapiens, về phương thức kiếm sống; về tổ chức xã hội, khi con người ở đây đã tiến từ giai đoạn "bầy người” tới tổ chức bộ lạc nguyên thủy.... Văn hóa Hòa Bình có mặt phổ biến ở nhiều nươớc Đông Nam á lục địa, nhưng chươa ở đâu Văn hóa Hòa Bình phân bố dày đặc và phong phú nhươ ở Việt Nam và Việt Nam đơược nhiều nhà khoa học nươớc ngoài xem là cái nôi của Văn hóa Hòa Bình.

 Với những di vật hiện có được khai quật tại các di chỉ khảo cổ trong thời gian qua, chúng ta đã phần nào vén bức màn thời gian tìm hiểu sự sống và những nét căn bản của sự phát triển xã hội của tổ tiên tiền sử người Việt đã tồn tại và lưu giữ nền văn hóa nguyên thủy "Văn hóa Hòa Bình”. Các di vật tiêu biểu tìm thấy trên vùng đất Hòa Bình phản ánh đời sống xã hội và các phương thức sinh sống của người tiền sử tại Hòa Bình. Các di tích chủ yếu tập trung ở các vùng núi đá vôi tại các thung lũng hoặc các hang động, mái đá. Một số di tích khảo cổ tiêu biểu của Văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh ta gồm: di tích hang xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn; di tích hang Chổ, xã Cao Răm, huyện Lương Sơn; di tích hang Đồng Thớt, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy; di tích hang Muối, thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc,…

 Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của "Văn hóa Hòa Bình” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các địa phương quan tâm. Nhiều di tích khảo cổ học thuộc nền Văn hóa Hòa Bình ở các địa phương trên địa bàn tỉnh ta đã được xếp hạng cấp quốc gia. Các nhà khoa học trong và ngoài nước có nhiều nghiên cứu, phát hiện về giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật về "Văn hóa Hòa Bình”. Đặc biệt, năm nay, nhân dịp kỷ niệm 85 năm thế giới công nhận và đặt tên cho nền "Văn hóa Hòa Bình” (1932 - 2017), tỉnh Hòa Bình đã tổ chức các hoạt động chào mừng, cụ thể như: Trưng bày, triển lãm bảo tàng và thư viện chuyên đề "Văn hóa Hòa Bình” trên đất Hòa Bình; Trưng bày sách chuyên đề Văn hóa Hòa Bình; Trưng bày cuộc thi "ảnh đẹp du lịch tỉnh Hòa Bình” năm 2017; Hội thảo khoa học chủ đề về Văn hóa Hòa Bình; Chương trình nghệ thuật và giới thiệu trình diễn Mo Mường. Qua đó nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hóa khảo cổ đặc sắc về một nền văn hóa thời đồ đá nổi tiếng thế giới trên quê hương Hòa Bình. Đồng thời tôn vinh những đóng góp lớn lao của nhà khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani đã có công phát hiện và đặt tên cho nền Văn hóa Hòa Bình, góp phần khơi dậy lòng tự hào của các dân tộc tỉnh Hòa Bình, nơi được coi là trung tâm của nền "Văn hóa Hòa Bình” một trong những chiếc nôi phát triển của loài người, để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

 Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả hơn việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nền Văn hóa Hòa Bình, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

 Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình cũng như của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

 Hai là, tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu về "Văn hóa Hòa Bình”. Tiến hành điều tra khảo sát, thống kê các di tích khảo cổ học Văn hóa Hòa Bình, lập hồ sơ di tích. Thực hiện các giải pháp quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị của nền Văn hóa Hòa Bình.

 Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá bằng hình thức trực quan, qua mạng Internet, qua tuyên truyền báo chí, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, tăng cường tuyên truyền đến nhân dân trong tỉnh và cả nước; chú trọng tuyên truyền tại các trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị lớn của cả nước như: Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh,... tại các diễn đàn khoa học quốc tế, đến với bạn bè trên thế giới về những giá trị lịch sử văn hóa nổi bật của nền "Văn hóa Hòa Bình”.

 Bốn là, tiến hành nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho một số di tích khảo cổ của nền "Văn hóa Hòa Bình” tiêu biểu.

 Nền tảng, những giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình” là động lực to lớn để động viên, khích lệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, đưa tỉnh Hòa Bình bước sang thời kỳ phát triển toàn diện, cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục