Tết đến, xuân về là ngày đoàn tụ của mọi gia đình. Những thành viên đi làm ăn xa, dù khó khăn, cách trở đến đâu cũng đều cố gắng thu xếp trở về sum họp với người thân dưới mái ấm để cùng hưởng bữa cơm gia đình.

Cành đào trong nhà là biểu tượng của phúc, lộc. Ngoài cành đào, nhiều gia đình còn có thêm cây quất chi chít quả và bình hoa tươi. Vẻ đẹp của đào, quất, lọ hoa tươi bên mâm cơm cúng Tết của gia đình mang lại ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng người niềm hân hoan hy vọng vào một năm mới vạn sự như ý, an khang, thịnh vượng.

Bữa cơm ngày Tết trong mỗi gia đình, mỗi thành viên hàn huyên tâm sự để thấu hiểu và chia sẻ với nhau hơn. Qua những khoảnh khắc thiêng liêng, mọi người thêm thấm thía, gia đình là nguồn cội nuôi dưỡng tâm hồn. Những giá trị tâm linh đó hết sức bền vững, là hạt nhân bất biến của văn hóa gia đình.

Bữa cơm gia đình trong ngày Tết được thể hiện qua các món ăn truyền thống: thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh. Ngoài sân, nhà nào cũng có cây nêu cao phất phơ trong gió xuân bên câu đối đỏ. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là cung cấp những món ăn có chất lượng cuộc sống và giáo dục lối sống lành mạnh cho con cái. Bữa cơm gia đình còn được xem như là linh hồn của sự đoàn kết, yêu thương nuôi dưỡng tâm hồn con người, tạo nên tình cảm thắm thiết giữa các thế hệ trong gia đình. Đó cũng là lúc hai từ "sum họp” trọn vẹn ý nghĩa nhất.

Bữa cơm gia đình không chỉ là nơi gắn kết các thành viên lại gần nhau, hình thành truyền thống gia đình mà còn tạo nên nét độc đáo riêng biệt trong văn hóa gia đình Việt.

Tết đến, bữa cơm gia đình là dịp đoàn tụ đông đúc con cháu sau một năm đi xa làm việc vất vả. Thông qua bữa ăn thể hiện tình cảm nồng thắm thủy chung, giản dị, thanh bạch nhưng có nghĩa, có tình. Bữa cơm gia đình trong những ngày Tết có nhiều thế hệ là một môi trường văn hóa, không gian văn hóa thể hiện quá trình tiếp nối và bảo lưu văn hóa khá độc đáo của người Việt. Bữa cơm gia đình dù ở vùng, miền khác nhau nhưng đều thắm đượm màu sắc của các dân tộc, gìn giữ trong khuôn phép cổ truyền, một lối ăn theo truyền thống đậm đà của từng dân tộc.

Tập quán tham dự những bữa ăn gia đình sẽ giúp mọi thành viên có ý thức về một gia đình, qua đó phát triển ý thức đoàn kết, lòng vị tha và xây dựng được trách nhiệm "mình vì mọi người”. Qua bữa cơm gia đình, chúng ta giáo dục cho mỗi thành viên, đặc biệt là con trẻ hiểu được đạo lý "nhường cơm sẻ áo, kính trên, nhường dưới” của dân tộc. Qua việc gắp thức ăn cho ông bà, cha mẹ, đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực đời thường về ý thức giữa anh em trong gia đình và cả cộng đồng. Các cụ ta còn khuyên bữa cơm gia đình, nhất là bữa cơm ngày Tết, dù có chút rượu mừng xuân vẫn giữ được không khí vui vẻ, chan hòa, đừng vì hơi men mà đánh mắng, chê bai nhau làm cho bữa cơm gia đình mất vui. Bữa cơm gia đình ngày Tết trở thành kỷ niệm ta luôn mang theo, trở thành hành trang của mỗi người trong lao động, học tập.

Tình cảm và nhân cách trong bữa ăn cần được coi trọng, thể hiện được tình cảm với ông bà, cha mẹ, con cái, với tình nghĩa vợ chồng. Bác Hồ đã dạy: "Nhớ rằng con người ta có lớn lên phát triển về tinh thần và trí tuệ cũng bắt đầu từ cái nôi gia đình, từ những bữa cơm sum họp. Vì vậy, dù bận rộn đến đâu, gia đình cũng nên duy trì bữa ăn tối”.

Dù cho khắp mọi nẻo đường, mỗi người đều không thể quên được hương vị của bữa cơm gia đình, nét đẹp văn hóa Việt Nam. Người đi xa quê luôn nhớ:

"Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”

Tết đến, xuân về quây quần bên mâm cơm, nét mặt mọi người tươi vui bên cành đào, cây quất vun đắp tình cảm ấm áp giữa các thành viên. Đó là tình người, là hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc nhưng đáng quý biết bao.

                                                                Văn Song

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục