Hành trình đi tìm chữ Mường
Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đã có nhiều tác phẩm, cuốn sách sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian Mường. Trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu, nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mường của tỉnh luôn ấp ủ một ngày nào đó, người Mường Hòa Bình có chữ viết riêng để ghi chép, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đến nay, sự mong chờ có riêng bộ chữ Mường của cộng đồng người Mường đã thành hiện thực. Đầu năm 2017, tỉnh Hòa Bình chính thức công bố quyết định phê chuẩn bộ chữ dân tộc Mường và kế hoạch triển khai ứng dụng bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh.
ông Bùi Huy Vọng chia sẻ: "Dân tộc Mường có nền văn hóa dân gian phong phú, đồ sộ và lâu đời. Trong xu thế hội nhập rất cần có bộ chữ Mường thống nhất để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết Mường, cụ thể là ghi chép văn hóa Mường, giáo dục tiếng Mường. Bộ chữ Mường được đưa vào sử dụng sẽ góp phần thuận lợi trong việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc Mường đến với các nền văn hóa trong cả nước và trên thế giới.”
Để có được thành quả như vậy, hành trình đi tìm bộ chữ Mường đã trải qua không ít khó khăn. Theo Ban chủ nhiệm Đề tài xây dựng bộ chữ Mường: "Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng và nền văn hóa truyền thống đặc sắc. Bên cạnh chữ quốc ngữ, 24 dân tộc có chữ viết riêng như: Thái, Mông, Tày, Nùng, Khmer, Gia Rai, ê đê, Hoa, Chăm… Chữ viết của các dân tộc thiểu số đã thực hiện vai trò tích cực trong việc làm nên những thành tựu văn hóa cũng như bảo tồn và phát triển bằng cách ghi lại cho người khác và các thế hệ kế tiếp nhau cùng đọc. Dân tộc Mường có dân số đứng hàng thứ ba và thuộc 1 trong 5 dân tộc có số dân đông nhất so với các dân tộc thiểu số khác (1 triệu người trở lên) và có nền văn hóa lâu đời, nhưng cho đến nay, tiếng Mường chưa có chữ viết chính thức. Từ ý nghĩa đó, vấn đề đặt ra là phải lựa chọn được một nguyên mẫu chuẩn, vừa dễ hiểu, dễ viết và phù hợp chuẩn với quốc ngữ Việt Nam. Vì thế, việc thống nhất bộ chữ và được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đưa vào sử dụng là rất cần thiết hiện nay.
Từ khi văn hóa Mường được quan tâm nghiên cứu hơn 1 thế kỷ nay, có nhiều công trình về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa Mường đã được sưu tầm, nghiên cứu và công bố. Theo GS.TS Nguyễn Văn Khang, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, chủ nhiệm Đề tài Xây dựng bộ chữ Mường: "Một số công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn về văn hóa Mường đã dùng chữ quốc ngữ để ghi/phiên âm tiếng Mường (Đẻ đất, đẻ nước, Thường rang bọ mẹng, Mo Mường…). Các công trình này tập trung vào nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ học lịch sử của tiếng Mường ở bình diện ngữ âm, từ vựng và trong đó ít nhiều có đề cập đến một số nội dung liên quan đến chữ viết. Tuy nhiên, các công trình này đều được ghi lại bằng chữ Mường theo sự sáng tạo cá nhân của mỗi tác giả hay nhóm tác giả. Đối với chữ viết Mường, cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu khi bàn về chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nhắc đến chữ Mường. Định hướng xây dựng bộ chữ Mường làm thế nào để hướng đến những điểm chung, cơ bản có thể "dung hòa” được phương ngữ của 4 Mường Bi, Vang, Thàng, Động”.
Để có căn cứ khoa học xây dựng bộ chữ Mường, Tỉnh ủy Hòa Bình đã giao Sở KH&CN phối hợp với Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiên cứu, thực hiện Đề tài khoa học "Xây dựng bộ chữ viết dân tộc Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình”. Đề tài này đã đạt loại xuất sắc và là cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 8/9/2016, UBND tỉnh có Quyết định số 2295/QĐ-UBND về việc phê chuẩn Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; ngày 27/10/2016, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về triển khai ứng dụng bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hoà Bình. Sau nhiều năm nghiên cứu, trải qua nhiều cuộc hội thảo khoa học, đến nay, bộ chữ Mường đã cơ bản hoàn chỉnh, được xây dựng trên cơ sở của chữ quốc ngữ, chữ cái La - tinh và theo nguyên tắc ghi âm gồm 28 chữ cái; 24 phụ âm đầu; 1 âm đệm. Bộ chữ Mường có 14 nguyên âm gồm 11 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi. âm cuối tiếng Mường gồm 9 phụ âm và 2 bán nguyên âm. Tiếng Mường có 5 thanh điệu, 152 vần…
Đưa văn hóa Mường hội nhập với các nền văn hóa thế giới
Việc có bộ chữ Mường chính thức sẽ khẳng định vị thế của tiếng Mường, bảo tồn và phát triển được ngôn ngữ, văn hóa Mường cho nhiều thế hệ sau. Đồng thời, đưa tiếng Mường và tri thức văn hóa Mường vượt khỏi ranh giới dân tộc Mường để trở thành di sản của dân tộc, của nhân loại. Tại các cuộc hội thảo khoa học nghiên cứu về chữ Mường, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy luôn khẳng định: Việc ra đời bộ chữ Mường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là chữ viết chính thức của dân tộc Mường, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường tại tỉnh… Điều này thể hiện việc đưa Bộ chữ dân tộc Mường vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực tiễn. Vì đây là lần đầu tiên tiếng Mường có bộ chữ viết chính thức giúp cho việc bảo tồn bản sắc ngôn ngữ văn hóa Mường; phục vụ đắc lực cho sưu tầm, nghiên cứu văn hóa của dân tộc. Đây cũng là chữ viết trong dạy và học tiếng Mường cho không chỉ người Mường mà cả công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những ai có nhu cầu học tập, sử dụng tiếng Mường.
Sau khi công bố bộ chữ Mường, Ban chủ nhiệm Đề tài xây dựng bộ chữ Mường đã tổ chức thực nghiệm dạy học bộ chữ Mường ở các vùng Mường cho 4 nhóm đối tượng. Trong đó có lớp thực nghiệm dạy - học bộ chữ Mường nhóm 1 cho cán bộ, công chức, viên chức; lớp nhóm 2 cho người dân được mở ở xã Hương Nhượng (Lạc Sơn); nhóm 3 cho học sinh THCS ở xã Phong Phú (Tân Lạc) và nhóm 4 cho học sinh tiểu học ở xã Kim Bình (Kim Bôi). Các lớp học này chủ yếu giới thiệu Bộ chữ Mường và cách viết phụ âm; cách viết phụ âm và cách viết âm đệm, nguyên âm; cách viết nguyên âm và cách viết các bản nguyên âm cuối, thanh điệu; cách viết các từ ngoại lai.
Nhằm giới thiệu, quảng bá chữ Mường cũng như văn hóa Mường Hòa Bình thông qua chữ viết riêng có của người Mường, đầu năm 2017, Báo Hòa Bình đã tiến hành xây dựng và thử nghiệm trang tiếng Mường trên Báo Hòa Bình điện tử. Mặc dù bộ chữ Mường mới được công bố và đang trong quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện, thế nhưng trang tiếng Mường điện tử đã tạo ấn tượng mạnh đối với bạn đọc không chỉ trong nước mà còn được nhiều độc giả, nhà nghiên cứu văn hóa của 176 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới quan tâm. Đồng chí Đinh Văn ổn, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình chia sẻ: "Trang tiếng Mường điện tử của Báo Hòa Bình là một trong số rất ít trang thông tin điện tử, báo điện tử trong toàn quốc thực hiện bằng chữ viết riêng của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi chưa có bộ gõ, font chữ riêng cho chữ Mường, Báo Hòa Bình phải nhờ sự cộng tác của một số nhà nghiên cứu, nghệ nhân văn hóa dân gian, những người am hiểu về tiếng Mường, phương ngữ Mường để biên dịch, hiệu đính từ chữ quốc ngữ sang chữ Mường. Mặc dù mới thực hiện, song trang tiếng Mường điện tử của Báo Hòa Bình đã được bạn đọc đón nhận, bình quân mỗi ngày có hơn 30 vạn lượt bạn đọc trong nước và trên thế giới truy cập, theo dõi thông tin trên Báo Hòa Bình điện tử và trang tiếng Mường điện tử”.
Mới xuất hiện chưa đầy 1 năm, song bộ chữ Mường đã và đang khẳng định vị trí, tầm quan trọng trong dòng chảy lịch sử văn hóa của người Mường Hòa Bình. Cùng với Mo Mường được UNESCO vinh danh là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với nghệ thuật chiêng Mường 2 lần được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam, bộ chữ Mường tiếp tục là dấu mốc quan trọng để thế giới biết đến và thêm hiểu về một nền văn hóa đặc sắc của người Mường, cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, một nền văn hóa được thế giới công nhận từ năm 1932.
Đỗ Quyên