Danh hiệu của UNESCO sẽ tạo điều kiện để Cao Bằng tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững. Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ hai của Việt Nam được
UNESCO công nhận. Năm 2016, Cao Nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã nhận
danh hiệu này.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung - Chủ tịch Ủy ban Quốc
gia UNESCO Việt Nam - Trưởng đoàn Việt Nam, việc công nhận của Hội đồng
Chấp hành UNESCO có ý nghĩa rất lớn. Ngoài các tiêu chí về cảnh quan, địa chất
với những đặc điểm đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu Non Nước còn có yếu
tố nổi bật về mặt lịch sử, văn hóa, xã hội như đời sống của cộng đồng,
dân cư cùng với khu vực địa chất đó.
Các chuyên gia UNESCO: Công viên địa chất Non Nước ở tỉnh Cao Bằng
có đầy đủ tất cả những tiêu chí để được công nhận. Ảnh: UNESCO
Trên thế giới mới có hơn 100 địa điểm, hoặc địa phương, được
UNESCO trao cho danh hiệu công viên địa chất toàn cầu. Ở khu vực Đông- Nam
Á cho đến nay chỉ có hai nơi được công nhận gồm có ở Malaysia và ở Đồng
Văn của Việt Nam. Danh hiệu công viên địa chất toàn cầu được công nhận lần
này là ghi nhận của UNESCO về cảnh quan rất đa dạng, điều kiện địa chất
rất đặc biệt của đất nước Việt Nam cùng với đời sống văn hóa, tinh
thần, xã hội rất đa dạng.
Là một tỉnh nằm ở phía đông bắc của Việt Nam, Cao Bằng có bề dầy
về lịch sử, văn hóa, cách mạng, và có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế-xã
hội, đặc biệt là du lịch. Với những lợi thế như vậy, tỉnh Cao Bằng xác định
đây là trọng tâm phát triển để sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa
phương. Xuất phát từ yêu cầu như vậy, tỉnh đã phối hợp với Viện Địa chất
Khoáng sản triển khai các bước để xây dựng công viên địa chất Non Nước, để có
thể trở thành công viên địa chất toàn cầu. Công viên địa chất Non Nước bắt đầu
được triển khai từ năm 2015, với diện tích trên 3 nghìn km2 với 9 huyện và
130 điểm di sản địa chất.
Đến tháng 11-2016, tất cả hồ sơ và ba tuyến du lịch trong công
viên địa chất này cũng được hoàn thiện và đệ trình lên UNESCO. Đến tháng
7-2017, nhóm chuyên gia của UNESCO đã đến Cao Bằng để thẩm định.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết: Nhóm tư vấn
đã đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Cao Bằng, cũng như hồ sơ đăng ký. Đến
tháng 9-2017, trong khuôn khổ Hội nghị mạng lưới công viên địa chất châu
Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Trung Quốc, Hội đồng chuyên gia UNESCO đã
chính thức thông qua hồ sơ công viên địa chất Non Nước để trở thành công viên
địa chất toàn cầu. Tại Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 204 ở
Paris, hồ sơ đã được Hội đồng Chấp hành thông qua và công nhận.
Đây là một vinh dự không chỉ đối với Cao Bằng mà của cả Việt Nam
vì đây là lần thứ hai nước ta nhận được danh hiệu này. Chủ tịch UBND tỉnh Cao
Bằng Hoàng Xuân Ánh nói: Chúng tôi đến đây với một thông điệp, cam kết với
UNESCO rằng chúng tôi rất coi trọng việc xây dựng và phát triển công viên
toàn cầu gắn với phát triển bền vững.
Để thực hiện việc này, chúng tôi sẽ phải tập trung vào công tác
quy hoạch, xây dựng kế hoạch quản lý đúng yêu cầu của UNESCO cũng như mạng lưới
công viên địa chất toàn cầu. Thứ 2, sẽ phải tập trung vào xây dựng hệ thống
cơ sở vật chất của ba tuyến du lịch, đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực,
có sự tham gia của cộng đồng dân cư tại địa phương.
Tỉnh Cao Bằng cũng sẽ nâng cao chất lượng hệ thống đối tác, thuyết
minh viên để khai thác một cách triển để, có hiệu quả các di sản địa chất -
văn hóa và đa dạng sinh học trong công viên địa chất toàn cầu. Thứ ba là tập
trung vào việc tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, đồng
thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị
của di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học. Thứ 4, tỉnh sẽ tập trung
vào việc tăng cường hội thảo và nghiên cứu khoa học, tiếp xúc, trao đổi kinh
nghiệm trong và ngoài nước để phát huy những giá trị của khu vực này trong mạng
lưới các công viên địa chất toàn cầu. Cuối cùng là tăng cường tuyên truyền và
quảng bá hình ảnh du lịch với mục tiêu xây dựng công viên địa chất toàn cầu ở
Cao Bằng ngày càng phát triển bền vững, gắn bảo tồn các loại hình di sản với
mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần này có kế hoạch đi thăm công
viên địa chất toàn cầu Haute Provence ở miền nam nước Pháp để tham khảo cách
tổ chức quản lý, bảo tồn và phát triển ở đây. Ông Guy Martini - Giám đốc công
viên địa chất này - là một chuyên gia UNESCO về lĩnh vực này đã tới Việt Nam
và cho biết sẵn sàng thiết lập quan hệ đối tác với tỉnh Cao Bằng để chia sẻ
kinh nghiệm, tạo điều kiện để công viên địa chất ở Cao Bằng được tham gia Hệ
thống công viên địa chất toàn cầu.
Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO cho biết: Điều
này rất quan trọng vì khi đã đạt được các tiêu chỉ của UNESCO rồi, có định hướng
rồi, cần có kế hoạch phát triển để xứng với tầm quốc tế. Một khi đã được tham
gia hệ thống này, Việt Nam có thể được các nước thành viên chia sẻ thêm nhiều
kinh nghiệm, được hỗ trợ và nhận được những đánh giá khách quan về các hoạt động
của mình.
Công viên địa chất toàn cầu là một trong những hợp tác cụ
thể của Việt Nam với UNESCO, có mạng lưới công viên địa chất toàn cầu
gồm các địa phương trên thế giới. Cùng với danh hiệu của UNESCO, hai công
viên địa chất toàn cầu ở Hà Giang và Cao Bằng là nơi để Việt Nam nghiên cứu
về địa chất, về khoa học. Đây cũng là những địa điểm thu hút khách du lịch,
từ đó thúc đẩy giao lưu giữa các nước.
|
|
TheoNhandan