Bad Genius (Thiên tài bất hảo) đang trở thành một cơn sốt ở các rạp chiếu tại Việt Nam. Bộ phim được đánh giá cao không chỉ tại các nước Châu Á mà còn cả khu vực các nước nói tiếng Anh.


Tuy nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía công chúng, Bad Genius vẫn nên chỉ xem là một phim giải trí thương mại, bởi giá trị của phim chỉ vô tình được tỏa sáng trong khoảng thời gian này khi nền điện ảnh thế giới và Thái Lan nói riêng đang trên đà chững lại.

Là một bộ phim thuộc thể loại học đường, Bad Genius vẫn chưa chứng minh được giá trị của nó trên phương diện giáo dục, điều mà một số phim Hollywood đã thành công thể hiện và vẫn còn ghi dấu đến hôm nay.

Tiếp thu ảnh hưởng của điện ảnh Mỹ

Đã từ lâu điện ảnh Thái Lan luôn hướng đến nền điện ảnh tiên tiến nhất trên thế giới là Mỹ. Ngày càng có nhiều phim Thái được làm theo phong cách Mỹ như Bad Genius (2018), Heart Attack (Bắt cóc trái tim) (2015), A Little Thing Called Love (Mối tình đầu) (2010)…

Phim thường sử dụng nhiều kỹ thuật Hollywood quen thuộc như cắt cảnh nhảy (jump cut), cảnh song hành (cross-cutting), cảnh nghịch hướng (reverse shot)… tạo cảm giác nhân vật hành động liên tục và nhanh trong một khoảnh khắc nhất định. Đặc trưng này gần như có thể điểm mặt hầu hết các phim Hollywood khi so với các bộ phim dài hơi có tiết tấu chậm như của Châu Âu.

Bởi vậy, đa phần phim Thái hiện nay có xu thế chạy theo thị trường (giống Mỹ), ít nhắm đến chiều sâu của ý nghĩa kịch bản mà thường nắm bắt những tình huống cực đoan, đôi khi đẩy tiết tấu lên ngạt thở và rồi đạt được kết thúc khi tháo gỡ nút thắt câu chuyện. Đây thường là công thức chung của Hollywood và các nhà làm phim Thái Lan đã mô phỏng nó một cách xuất sắc. Tuy nhiên, điện ảnh Thái Lan hiện nay cũng mắc phải căn bệnh của Hollywood: Cạn ý tưởng.

Một sự mô phỏng không hoàn hảo để được khác biệt

Có thể thấy Bad Genius là một bản nâng cấp của Cheaters (Những kẻ quay cóp) (2000) của đạo diễn John Stockwell kết hợp với một vài yếu tố hành động như Ocean’s 13 (13 Tên cướp thế kỷ) (2007). Bộ phim xoay quanh Lynn, Bank, Pat và Grace thực hiện những phi vụ quay cóp, chỉ bài nhằm kiếm tiền từ những người học kém. Việc chỉ xuất hiện các nhân vật học sinh là những kẻ tội phạm cho khán giả cảm giác lũ trẻ bị lạc lối cũng bởi là nạn nhân của bộ máy giáo dục quan liêu và sự thiếu trách nhiệm của người lớn.

Bên cạnh những khó khăn vật chất và tinh thần, chuyện phim vốn không cho những đứa trẻ lối thoát và kết phim là 2 mặt đối lập giữa Lynn và Bank, 2 con đường: Tiến lên phía trước hoặc hủy hoại chính mình.

So với Bad Genius, Cheaters lại hướng nhiều đến vấn đề nhân văn hơn. Người thầy, tiến sĩ Jerry Plecki đã cùng các học trò của mình thực hiện gian lận thi cử để có thể chứng tỏ cho chúng thấy rằng chiến thắng luôn nằm trong tầm tay nếu biết cách nắm lấy nó.

Bộ phim cũng cho thấy bất cập trong phổ cập giáo dục ở Mỹ, sự băng hoại của hệ thống giáo dục ưu tiên cho tầng lớp giàu có và đánh thuế hay cho vay tầng lớp nghèo (nếu muốn vào Đại học) nhằm khiến giáo dục trở thành đặc quyền chỉ có thể mua mà khó đạt được bằng nỗ lực.

Khi vụ việc vỡ lở, Jerry thể hiện vai trò quan trọng nhất của một nhà giáo: Người chèo lái, dẫn dắt học trò vượt qua khó khăn và chỉ cho chúng cách tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình. Bad Genius đã bỏ lỡ điều đó, khiến bộ phim bị giảm giá trị đáng kể và khá tiếc cho một cốt truyện hay.

Những bộ phim học đường đáng nhớ

Bên cạnh Cheaters, không thiếu những bộ phim học đường xứng đáng được ghi nhận như The Breakfast Club (Câu lạc bộ bữa sáng) (1985), Stand and Deliver (Không bao giờ nghĩ học trò ngu dốt) (1988), Dead Poets Society (Hội thi nhân quá cố) (1989)… hầu hết đều khai thác mối quan hệ của thầy trò, sự nâng đỡ và định hướng cần thiết của người lớn, sự đồng cảm sâu sắc giữa những đứa trẻ bị tổn thương.

Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là Good Will Hunting (Will Hunting tài giỏi) (1997) nói về trường hợp của những người có tài nhưng bị bỏ rơi bởi hoàn cảnh và số phận. Nhân vật Will Hunting (Matt Damon) sở hữu bộ não thiên tài có thể giải những bài toán khó một cách thần tốc trong vài giây so với các giáo sư phải bỏ ra 20 năm ròng.

Vấn đề của Will được thể hiện thông qua tính cách xa lánh con người do từng bị bỏ rơi, trở thành trẻ mồ côi, bị bạo hành khi được nhận nuôi và nghèo khó đã khiến một con người tài năng phải sống trong môi trường nghèo khó và thất học.

Will được giáo sư Gerald Lambeau (Stellan Skarsgård) phát hiện và giới thiệu cậu với tiến sĩ Sean Maguire (Robin Williams). Trong phim, cuộc tranh luận nổ ra giữa Gerald - người tin rằng phải khiến Will cống hiến sự nghiệp cho toán học và Sean - cho rằng phải để Will lựa chọn điều mình muốn làm. Đây là hai giá trị quan trọng đã luôn trăn trở trong ngành giáo dục về việc phải dạy con người giỏi về thứ gì hay phải được chọn mưu cầu điều gì.

Nhưng đắt giá nhất vẫn là cảnh Sean liên tục lặp lại câu: "Không phải lỗi của cậu!”, khiến Will phải thừa nhận rằng mình đã bị tổn thương, rằng cậu đã luôn cố gắng cứng cỏi để chịu đựng nỗi đau một mình. Sean đã khiến Will òa khóc để cậu được mở lòng, được thoát ra sự tủi hờn, uất ức bấy lâu. Sau đó, Will đã có đủ tự tin để ổn định cuộc sống "như một người bình thường”.

Bộ phim đã khép lại với một cái kết đắng nhưng ấm lòng: Will từ bỏ sự nghiệp để tìm lại Skylar, cô gái mà cậu đã cắt đứt, để lấp đầy trái tim mình với nửa kia và không hối tiếc.

Điện ảnh học đường là một đề tài không khó khai thác nhưng không hề đơn giản. Nhìn từ những thành quả mà Hollywood đã gặt hái cùng sự cố gắng của điện ảnh Thái Lan, điện ảnh Việt Nam có lẽ cũng cần phải thay đổi cách nhìn về thể loại học đường, không chỉ là sự khô khan của kiến thức mà còn là hơi ấm của tình thầy trò.

 

                                                                                 Theo Laodong

Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục