Dân tộc Mường có ngôn ngữ riêng là tiếng Mường. Xét từ góc độ lịch sử, tiếng Mường thuộc nhóm Việt Mường. Xét từ góc độ chức năng, tiếng Mường là tiếng mẹ đẻ của dân tộc Mường, được dùng để giao tiếp trong nội bộ dân tộc. ở Hòa Bình có 4 vùng Mường lớn là: Bi, Vang, Thàng, Động. Theo Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tiếng Mường có thể phân ra làm 4 nhóm lớn theo 4 vùng Mường. Tuy ở các vùng có thể giao tiếp bằng các biến thể tiếng Mường khác nhau nhưng người Mường cơ bản vẫn có thể hiểu được nhau. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, tiếng Mường chưa có chữ viết chính thức. Trong các nghiên cứu đã được công bố, dân tộc Mường là 1 trong 26 dân tộc thiểu số ở Việt Nam chưa có chữ viết chính thức.
Theo Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và các quyết định, nghị định của Chính phủ có nêu: Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống, văn hóa tốt đẹp của mình. Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số là vốn quý của dân tộc. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng nêu việc chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc.
Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) giới thiệu, trao đổi việc học chữ Mường với cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình.
GS, TS Nguyễn Văn Khang, Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Với tư cách là công cụ bảo tồn và phát triển của một ngôn ngữ thành văn, chữ viết Mường sẽ giúp cho việc bảo tồn bản sắc của tiếng Mường. Đặc biệt, trước tác động của nền kinh tế thị trường, đô thị hóa, hội nhập, tiếng Mường cần có một bộ chữ Mường chính thức phản ánh được các đặc điểm ngôn ngữ học ở bình diện cấu trúc - hệ thống ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và bình diện sử dụng trong giao tiếp. Qua đó, bảo tồn và phát huy bản sắc của ngôn ngữ, văn hóa Mường. Chữ viết Mường giúp cho con em dân tộc Mường bảo tồn, phát huy tiếng mẹ đẻ của mình…
Thực hiện Kế hoạch số 118/ KH-UBND ngày 27/10/2016 của UBND tỉnh về triển khai ứng dụng bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình, đầu năm 2017, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng nội dung, đề xuất với Sở KH&CN triển khai đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh "Xây dựng bộ gõ chữ Mường; biên soạn tài liệu dạy - học chữ Mường”. Mục tiêu nhằm quảng bá và đưa bộ chữ Mường vào trong đời sống dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình. Khẳng định bộ chữ Mường là chữ viết chính thức của dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mường Hòa Bình.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với Viện Ngôn ngữ học và các nhà khoa học ở T.ư tiến hành các bước đảm bảo theo trình tự đề tài khoa học. 10 người thực hiện đề tài gồm: cán bộ Viện Ngôn ngữ học, Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VH-TT&DL, nghệ nhân ưu tú. Trong đó, GS, TS Nguyễn Văn Khang, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí "Ngôn ngữ & Đời sống” làm chủ nhiệm đề tài. Các thành viên của đề tài đã điền dã, tiến hành điều tra, phỏng vấn sâu tại các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi phục vụ cho tư liệu biên soạn sách. Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm khoa học nhằm thống nhất bộ gõ, nội dung từng bài. Hội đồng nghiệm thu của tỉnh họp ngày 13/12/2017 đã nghiệm thu và cho phép ứng dụng bộ gõ chữ Mường trên địa bàn tỉnh. Tài liệu dạy - học chữ Mường cũng đã được nghiệm thu và bàn giao vào ngày 21/3/2018.
Theo đó, chữ Mường có 28 chữ cái, 24 phụ âm đầu, 14 nguyên âm (11 nguyên âm đơn, 3 nguyên âm đôi), 1 âm đệm /-w-/, phụ âm cuối gồm 9 phụ âm và 2 bán phụ âm; 5 thanh điệu. Tài liệu học chữ Mường cho người biết nói tiếng Mường và biết tiếng Việt có 10 bài với 7 bài học và 3 bài ôn tập được dạy trong thời lượng 45 tiết học. Bộ chữ được xây dựng trên cơ sở chữ Quốc ngữ. Tài liệu học chỉ tập trung vào những điểm khác biệt giữa bộ chữ Mường với chữ quốc ngữ. Trong đó, chú ý tới 2 điểm quan trọng: phản ánh được đặc trưng của tiếng Mường và tạo được sự thống nhất trong cách viết, "đọc thế nào viết thế nấy”. Bộ gõ được phát triển dựa trên mã nguồn mở Unikey 3.62, tuân thủ theo Luật GNU GPL về mã nguồn mở quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng: Việc triển khai xây dựng bộ gõ, biên soạn tài liệu dạy - học chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình sau khi bộ chữ Mường được UBND tỉnh công bố là hết sức cần thiết. Chữ Mường có thể sử dụng cho nghiên cứu, ghi chép mọi mặt của đời sống, trong đó có văn hóa Mường như Mo Mường, các làn điệu dân ca, tri thức dân gian của dân tộc Mường; ghi chép, lưu giữ tiếng Mường đúng với bản sắc mà không lo bị "tam sao thất bản” do truyền khẩu…
Theo nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn): Qua điều tra của nhóm nghiên cứu đề tài, việc ra đời bộ chữ Mường phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người dân tộc Mường ở Hòa Bình. Bộ chữ ra đời sẽ "cố định” văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc Mường và người Mường không bị "mất gốc”. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp đến văn hóa, chữ viết của các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mường nói riêng. Việc ứng dụng vào thực tế, dạy - học chữ Mường cần được quan tâm, trước hết là đối với những người biết tiếng Mường và trong nhà trường, thế hệ trẻ.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ ngành y tế là một trong những nội dung xây dựng văn hóa công sở đã được lãnh đạo ngành y tế đặc biệt quan tâm