(HBĐT) - Trong những chuyến công tác vùng cao, chúng tôi có dịp gặp gỡ các cao niên có niềm say mê, tình yêu mãnh liệt với giá trị của văn hóa Mường. Đó là thầy Mo, dù đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn đi khắp các bản để khấn năm mới; là một người trung niên say mê nghề làm nỏ. Hay một gia đình quyết giữ 4 chiếc chiêng cổ, dù trả giá bằng cả đàn trâu cũng không bán. Chúng tôi gọi họ là những người thầm lặng "giữ lửa” văn hóa Mường…


Ông Bùi Văn Thơ (bên phải) coi 4 chiếc chiêng cổ là bảo vật của gia đình.

Chuyện về người lưu giữ 4 chiếc chiêng cổ…

Hai năm trước, tôi có dịp đưa một nhà báo về thăm xã Miền Đồi (Lạc Sơn). Miền Đồi tuy còn nhiều gian khó nhưng nơi đây vẫn còn đó những mái nhà sàn cổ, ở mỗi bản làng vẫn còn những cây hát Mường, những đội chiêng, nếp ăn ở còn phảng phất nét xưa cũ. Hôm lên Miền Đồi, chúng tôi được đến thăm gia đình ông Bùi Văn Thơ, xóm Thây. Gia đình ông Thơ là một trong số ít những hộ còn lưu giữ được bộ chiêng cổ. Sau 2 năm, tôi có dịp trở lại Miền Đồi và đến thăm người đàn ông đang giữ cả "gia tài” của người Miền Đồi. Những chiếc chiêng cổ vẫn sáng bóng, âm sắc vang lên tận các bản ở tít trên triền đồi phía xa, chỉ có chủ nhân là đã già đi theo thời gian.

Sau cái bắt tay, lời chào hỏi, ông Thơ đã nhận ra chúng tôi. Pha trà mời khách, rót ly rượu ngô thơm nức, chẳng ngại ngần, ông Thơ lấy 4 chiếc chiêng cổ cho chúng tôi được mục sở thị. Quả là vật báu, 4 chiếc chiêng được chủ nhân treo trang trọng trong căn nhà sàn và lau chùi bóng loáng. "Từ đời ông cụ để lại, chẳng biết là bao nhiêu năm nữa. Chỉ biết rằng, ông cụ mất khi hơn 90 tuổi, ông nội thì hơn 80 tuổi, rồi đến cụ thân sinh ra tôi và giờ là tôi đã trên 60 tuổi rồi. Cha truyền, con nối, trách nhiệm của chúng tôi là phải lưu giữ, bảo tồn, không bán, không được để mất”, ông Thơ mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

4 chiếc chiêng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của gia đình ông Thơ. Trong 4 chiếc chiêng này, chiếc nhỏ nhất là chiêng dùng để báo hiệu khi đi săn thú rừng. "Chiếc này trước đây có người họ hàng mang vào tận trong miền Nam để phục vụ việc đi săn thú. Mãi sau này, tôi mới vào trong đó lấy ra ngoài này. Còn 2 chiếc chiêng to gọi là chiêng cái, trong những ngày lễ, tết hay việc ma chay thì không thể thiếu được”, ông Thơ cho biết thêm.

ông Thơ gõ thử vào chiêng để chúng tôi biết cách phân biệt với những loại chiêng mới sản xuất hiện nay. Với chiêng cổ, chỉ cần dùng tay xoa nhẹ vào núm là chiêng đã phát ra âm thanh trầm hùng. Khi gõ lên, âm thanh kéo dài, vang xa nên cách đó vài cây số vẫn nghe thấy. Người dân nơi đây lý giải, thứ âm thanh đó là sự kết tinh của thời gian. Với những chiếc chiêng cổ, càng trải qua nhiều thời gian, âm thanh càng vang xa, mê hoặc. Nếu như xưa kia, mỗi chiếc chiêng có giá trị bằng 1 - 2 con bò thì hiện nay, nhiều người đã hỏi mua trị giá bằng cả đàn bò nhưng ông Thơ không bán. Lý do đơn giản, với gia đình ông, 4 chiếc chiêng đã trở thành báu vật. Hơn nữa, ông giữ chiêng cũng là để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.

Thầm lặng gìn giữ những giá trị truyền thống…

Từ khi sinh ra, lớn lên rồi trở về với cát bụi, tiếng chiêng luôn gắn bó với người Mường. Vì thế, lưu giữ cồng chiêng là giữ hồn phách và những giá trị bản ngã của người Mường. Ngoài ông Thơ và những nghệ nhân dân gian nặng tình với chiêng Mường, trên những nẻo đường đi công tác, ở nhiều bản Mường, chúng tôi cũng có dịp được gặp gỡ những con người tương tự. Ví như lần gặp gỡ thầy Mo Đinh Công ạch, xóm Cá, xã Quyết Chiến (Tân Lạc). Đã gần 80 tuổi nhưng trong những ngày Tết, thầy ạch vẫn đi khắp bản để cúng năm mới cho bà con. Những áng Mo Mường, những bài khấn đều được thầy truyền dạy cho thế hệ mai sau. Hay lần về xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn), chúng tôi đã mê mẩn bởi những chiếc nỏ do ông Bùi Văn Xưng, xóm Xê 3 chế tác. Trước đây, chiếc nỏ là vật dụng, công cụ không thể thiếu trong mỗi nếp nhà sàn. Thế nhưng, khi cuộc sống ngày một khá giả, chiếc nỏ cùng nhiều giá trị truyền thống khác bị mai một. Công việc chế tác nỏ không những giúp giữ gìn một vật dụng truyền thống mà còn giúp gia đình ông Xưng có thêm thu nhập.

"Nỗi nhớ” về những giá trị truyền thống phần nào được nguôi ngoai, khi các lễ hội truyền thống được phục dựng và tổ chức đều đặn hằng năm, nhất là dịp sau Tết Nguyên đán. Trong những lần về trẩy hội ở lễ hội Khai hạ Mường Bi, chúng tôi được gặp lại những gương mặt thân quen. Họ là những nghệ nhân ở các bản làng, vì say mê câu hát đối, điệu cò ke, ống sáo, những bản sắc bùa linh thiêng mà đi hội. "Mình tham gia để truyền dạy, cũng như giáo dục con cháu có ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc của dân tộc”, ông Bùi Văn Thơ, một nghệ nhân của xã Mãn Đức đã 4 lần đi thi hát đối ở lễ hội Khai hạ Mường Bi chia sẻ như vậy. Trở về cuộc sống thường ngày, ông Thơ cùng nhiều nghệ nhân khác vẫn là những nhân tố quan trọng bảo tồn giá trị văn hóa Mường. Hiện nay, ông Thơ là thành viên của CLB Bát âm của xóm Bui, xã Mãn Đức (Tân Lạc).

Lễ hội vẫn diễn ra hằng năm, những nét văn hóa vẫn được diễn xướng. Thế nhưng, để bảo tồn và phát huy bền vững những bản sắc văn hóa đó phải được diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Và những người như ông Thơ cồng chiêng, cụ ạch Mo Mường hay ông Xưng làm nỏ, ông Thơ hát đối là những nhân tố quan trọng. Họ là những người góp phần "giữ lửa” văn hóa của người Mường.

Viết Đào

 


Các tin khác


Giỗ tổ Hùng Vương - lễ trọng bậc nhất quốc gia

(HBĐT) - Từ xa xưa, trong tâm thức của người dân Việt Nam luôn âm vang câu ca: "Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Câu ca ấy nhắc nhở về cội nguồn, đạo lý thủy chung phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên lâu đời và bền vững của dân tộc Việt Nam.

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra hoạt động văn hóa, du lịch

(HBĐT) - Trên địa bàn tỉnh, các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa phát triển khá phong phú, đa dạng với nhiều loại hình như quảng cáo, karaoke, biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử, lễ hội... bước đầu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động văn hóa, du lịch được ngành chức năng tăng cường, đẩy mạnh thanh, kiểm tra xử lý vi phạm, hạn chế tiêu cực, bảo đảm hoạt động tuân thủ quy định pháp luật, đi vào nề nếp.

Khai trương Trung tâm thông tin báo chí Festival Huế 2018

Chiều 23-4, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban tổ chức Festival Huế 2018 và Tập đoàn Viễn thông (VNPT) chi nhánh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức Lễ khai trương Trung tâm thông tin báo chí Festival năm 2018 tại số 1 Phan Bội Châu (TP Huế).

Lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Ngày 23-4 (tức ngày mồng 8-3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã diễn ra lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến Tổ tiên của các xã, phường vùng ven Khu di tích và Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI năm 2018.

Công đoàn ngành y tế với phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa

(HBĐT) - Thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ ngành y tế là một trong những nội dung xây dựng văn hóa công sở đã được lãnh đạo ngành y tế đặc biệt quan tâm

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

(HBĐT) - Ngày 23/4, Sở thông tin và truyền thông phối hợp với UBND huyện Yên Thủy tổ chức triển lãm tuyên truyền triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” năm 2018 tại xã Yên Trị. Tham dự có lãnh đạo UBND huyện Yên Thủy, Sở Thông tin truyền thông, Báo Hòa Bình, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đại diện Công an tỉnh và cán bộ các ban ngành đoàn thể, cùng tuổi trẻ,  học sinh trên địa bàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục