Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chiêng Mường. ảnh: Các nghệ nhân tham gia trình diễn tại lễ hội chiêng Mường lần thứ 2.
Nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu
Với 6 dân tộc cùng chung sống đoàn kết, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng biệt đã góp phần làm nên nền Văn hóa Hòa Bình đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận: Nhìn chung các dân tộc ở Hòa Bình vẫn giữ được những nét cơ bản trong phong tục tập quán của dân tộc mình. Các giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết (trừ dân tộc Mường) được bảo tồn; các tri thức dân gian, trang phục còn được lưu giữ ở mức trung bình. Ví dụ nhiều giá trị văn hóa của dân tộc Mường như dân ca, nghệ thuật Chiêng, Mo, sử thi Đẻ đất - Đẻ nước... vẫn lưu giữ và được đánh giá cao. Ngôi nhà sàn có phần mai một nhưng nhiều địa phương như Lạc Sơn, Tân Lạc đang phục dựng nhà sàn bằng vật liệu bê tông thay cho gỗ như trước kia. Người Tày vẫn giữ được bản sắc riêng, độc đáo như làn điệu dân ca, duy trì học chữ cổ trong cộng đồng... Người Dao vẫn giữ phong tục cấp sắc, Tết nhảy, học chữ cổ... Người Mông giữ được trang phục, kiến trúc nhà ở, nghề rèn, ngôn ngữ, Tết Mông cùng với các lễ hội, âm nhạc - khèn Mông...
Đặc biệt, thời gian gần đây đã có những tín hiệu đáng mừng như: sự phát triển của hệ thống lễ hội truyền thống, Chiêng Mường. Nhất là giá trị của Mo Mường và vai trò của các ông Mo đã được nhân dân coi trọng, tôn vinh. Trong tỉnh đã xuất hiện nhiều lớp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông và trình tấu Chiêng Mường, múa Mường... thể hiện sự thay đổi tích cực trong ý thức của nhân dân về việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Các địa phương đã có sự đầu tư, quan tâm đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với việc xây dựng được 1 làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh, thực hiện được gần 30 đề tài khoa học về văn hóa, dân tộc; tổ chức được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm lớp dạy chữ dân tộc và phục dựng duy trì 50 lễ hội.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết thêm: Thực hiện Luật di sản, bắt đầu từ năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã kiểm kê 786 di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số gồm: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công và tri thức dân gian. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có chủ trương cho phép tổ chức tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học 2 di sản văn hóa phi vật thể, đó là Mo Mường và Chiêng Mường, xây dựng và từng bước áp dụng bộ chữ phiên âm tiếng Mường. Xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường Hòa Bình trình UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thê tiêu biểu cần bảo vệ khẩn cấp. Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Đồng thời quảng bá về hình ảnh, văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số, tạo động lực thúc đẩy chiến lược phát triển du lịch Hòa Bình.
Giá trị văn hóa phi vật thể trước nguy cơ mai một
Nhìn thẳng vào thực tế công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh có thể thấy vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với bề dày lịch sử và các giá trị của di sản văn hóa, một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Quách Đình Hải, Phó Hiệu trưởng trường PT DTNT THPT tỉnh trăn trở: Có khoảng 20% học sinh của nhà trường là người dân tộc thiểu số nhưng không biết nói và không hiểu được tiếng của dân tộc mình. Kiến thức, sự hiểu biết, vận dụng văn hóa truyền thống trong các em cũng mai một dần. Ví dụ như rất ít em là học sinh dân tộc Mường biết hát thường rang - bọ mẹng. Nhiều em học sinh dân tộc Tày, Thái cũng không hiểu hết ý nghĩa những lễ hội truyền thống của dân tộc mình.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Việc phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế. Trong đó, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng cán bộ, các cơ chế, chính sách về lĩnh vực quản lý di sản văn hóa phi vật thể chưa đáp ứng kịp thời. Thiếu đội ngũ chuyên gia xây dựng mô hình bảo tồn di sản văn hóa lễ hội cộng đồng. Công tác quảng bá hình ảnh về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc và gắn kết các di sản văn hóa với hoạt động du lịch, tham quan còn hạn chế… Công tác tuyên truyền về di sản văn hóa phi vật thể chưa được chú trọng, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa khai thác du lịch gắn với giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu.
Ngoài ra, hiện nay, tỉnh ta cũng chưa có chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân có công nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Nguồn kinh phí hỗ trợ các nghệ nhân mở lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài cụ thể để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Dương Liễu