1. Có một bận, tôi được nghe anh Trần Tiến tâm sự: "Mình có mấy
thằng bạn thơ thân lắm, như Lưu Quang Vũ, Thanh Thảo, Phạm Tiến Duật… Nhiều lắm,
nhớ chẳng hết. Chúng nó thuở hàn vi thương mình ca sĩ quèn mà chưa nổi tiếng,
thế là hùa vào động viên mình làm nhạc. Đến khi mình nổi tiếng, lại chẳng thấy
thằng nào nhờ mình phổ thơ. Cho nên, đến giờ mình chưa từng phổ thơ
ai...”.
Nói thật nghe ông nhạc sĩ nổi tiếng này "năm câu ba chuyện” như thế,
tôi có phần ngờ ngợ, nghĩ không có nhẽ anh quên, hoặc là tôi "mụ mị” rồi. Là bởi
chính tôi đây, có lẽ cũng đã gần nửa thế kỷ, khi ấy còn là một người lính ở Trường
Sơn, chẳng đã nghe bài hát Din ba cầu của anh, phổ thơ anh Phạm
Tiến Duật đó sao? (Khi ấy anh Duật cũng đang là một người lính Trường Sơn).
Bài hát Din ba cầu ấy cũng lại do chính anh Trần
Tiến ôm ghita trình diễn với những lời hát mộc mạc, khỏe khoắn: Tớ là
din ba cầu/Ấy, khỏe là din ba cầu/Đại đội có mình tớ/Nên quý như con đầu… Hớ
hơ…
Lính ta nghe anh hát, khoái lắm, vỗ tay vang rừng. Những người
lính Hà Nội nhìn anh cứ mê man, bởi khi ấy anh đang là ca sĩ trẻ của đoàn ca
múa Hà Nội vào mặt trận phục vụ, người còn thơm lừng mùi hoa sữa.
Anh xung phong cùng đoàn vào tuyến đường Trường Sơn ác liệt, nơi
có nhà thơ Phạm Tiến Duật đang làm ngất ngây bao người yêu thơ. Tôi biết hai
anh này gặp là mê nhau ngay. Người tài vốn vậy, họ nhận ra nhau nhanh lắm, chỉ
một buổi là thành tri âm tri kỷ.
Nhạc sĩ Trần Tiến
Thế là suốt đêm ấy đọc thơ, đàn hát tâm đắc đến nỗi anh Tiến nhập
tâm ngay bài thơ Din ba cầu của anh Duật và ôm đàn hát ngay thành lời. Tài thế
chứ! Anh em chúng tôi là cứ lác mắt. Còn anh Duật cũng xúc động lắm, cứ ngơ ngẩn
nhìn anh Tiến.
Từ đấy hai "bố” này cứ nắm tay nhau đi diễn khắp các đơn vị, hét
toáng cả rừng Trường Sơn bài hát Din ba cầu trong tiếng vỗ tay rào rào của lính
tráng!
Thế rồi một thời gian sau, anh Phạm Tiến Duật về Hà Nội lấy vợ, tổ
chức đám cưới ngay tại nhà anh Trần Tiến, trên gác hai nhà 94 đường Nam Bộ. Căn
phòng nhỏ, đám cưới cũng tiết kiệm, nhưng vui vẻ lắm. Bạn bè, anh em lính
tráng, rồi văn nghệ sĩ đủ kiểu, đến tấp nập, chẳng có chỗ mà ngồi. Lại có cả mẹ
anh Duật từ Phú Thọ về…
Trong đám cưới ấy, khi men rượu làng Vân và bia hơi Hà Nội đã "tây
tây”, thì lại chính là anh Trần Tiến chứ chẳng ai khác ôm ghita hát đến khản cả
cổ bài hát Din ba cầu để mừng cô dâu - chú rể, làm tất thảy
người dự cứ vỗ tay hát theo rầm rầm.
Đấy, bài hát ấy còn đây, thế mà sao anh Trần Tiến lại bảo đời anh
chưa phổ thơ bất kỳ ai bao giờ? Hay là anh quên, hay là chính tôi nhớ nhầm, bài
hát ấy là do ai khác phổ nhạc, mà anh Trần Tiến chỉ là người trình bày? Ừ, thì
cũng đã sao, bởi cũng đã gần nửa thế kỷ rồi còn gì…
2. Nhưng đúng là anh Trần Tiến dường như chưa phổ thơ ai bao giờ thật.
Nếu có bài Din ba cầu thì trường hợp này cũng chỉ là hy hữu. Lý giải vì sao anh
ít phổ thơ thế, anh nhăn nhó: "Phổ thơ khó lắm chứ cậu tưởng à, chỉ trong nghề
mới biết nó khó. Có loại thơ để đọc, có loại để ngâm, có loại chỉ để nhìn, đọc
lên hay ngâm lên là hỏng bét. Còn loại thơ để hát thì chỉ có nhạc Trịnh tự phổ
thơ mình mà thôi.
Mình nhớ có lần nhạc sĩ Thanh Tùng đùa trêu ai đó: "Ông phổ thơ thế
này, phải gọi là "ngâm thơ tân kỳ” chứ không phải là nhạc, nếu bỏ lời đi thì chẳng
hiểu nó là cái gì”. Này, mình nhớ không nhầm thì Thanh Tùng cũng chưa phổ thơ
ai bao giờ cả”.
Hỏi: "Nhưng có nhiều nhạc sĩ phổ thơ hay lắm, anh phục nhất là
ai?”, trả lời ngay: "Hoàng Hiệp, Lê Yên và vài người nữa. Phổ thơ hay cực. Thế
mới biết phổ thơ là một nghề. Đấy là sự "kết hôn” tài tình giữa nhà thơ và nhạc
sĩ”. Tôi nghĩ, đấy là một cái lý của anh Tiến.
Nhưng còn một cái lý khác. Quan sát nhạc sĩ Trần Tiến nhiều năm,
tôi thấy trong con người nghệ sĩ của anh có hẳn ba con người: một con người là
ca sĩ, một con người là nhạc sĩ sáng tác và một con người là nhà thơ. Hãy cứ đọc
thôi những ca từ của anh, hỏi có là nhà thơ không nhé: Tạm biệt chim én
xưa/Tạm biệt những giấc mơ/Và giàn hoa tím bên nhà ai nhớ mong/Chào nụ hoa bé
nhỏ/Dịu dàng trong đám cỏ/Đợi chờ con én những chiều xa rất xa… (Bài
hát Tạm biệt chim én).
Hoặc trong bài Ngẫu hứng sông Hồng: Tôi ôm con
sáo bé bỏng của tôi/lang thang theo cha dọc bờ sông trắng xóa/Một ngày mùa thu
đưa cha qua sông/Một ngày dòng sông đầy tiếng sóng và gió/Con sáo sang sông bạt
gió/Con xít thương ai lội sông tìm ai?.
Hay bài Chị tôi: Nhà tôi trên bến sông có chiếc
cầu nhỏ cong cong/Hàng cau dưới nắng trong lá trầu không/Chị tôi trông dễ
thương bán rau chợ cầu Đông/Chị tôi chưa lấy chồng…/Thời con gái lưng ong có
bao người thầm mong theo/Mẹ giục con gái yêu lấy chồng đi/Chị thương hai đứa em
thương mẹ già còn đau/Chị tôi chưa lấy chồng… Tưởng cứ như hồn thơ
Nguyễn Bính!…
Gần gũi anh, tôi biết con người thơ ca trong anh lúc nào cũng dạt
dào cảm xúc, người ta chưa kịp vui, anh đã vui, người ta chưa kịp buồn, anh đã
buồn, nỗi buồn chưa đến mức ứa lệ thì anh đã sụt sùi...
Những ý tưởng, những ngôn từ anh thường ghi vào một cuốn sổ nhỏ
đút trong túi quần, rồi đi đâu cũng cứ lẩm nhẩm hát những câu thơ ấy, cho những
giai điệu tràn về thành câu hát, thành một cung đoạn sáng tạo khép kín cho bài
ca. Chẳng còn một chỗ nào cho bất kỳ thơ ca ai khác, kể cả những người bạn thân
nhất len vào.
Con người nghệ sĩ của Trần Tiến là một thực thể âm nhạc hoàn chỉnh,
vừa là nhà thơ tạo nên những ca từ, vừa là nhạc sĩ hát lên những dòng thơ ấy bằng
nhịp phách, bằng giai điệu, rồi lại vừa bằng chính vòm ngực và cổ họng của mình
- người ca sĩ để hát lên, để chuyển tải nó đến với rừng, với suối, với non cao
biển rộng và với những trái tim con người…
Theo SGGP