(HBĐT) - Theo thống kê của Sở VH -TT&DL, toàn tỉnh hiện có 3.120 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch, trong đó, lao động trực tiếp 2.134 người, lao động gián tiếp 986 người. Những năm gần đây, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng lao động làm trong ngành du lịch được quan tâm, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển, thu hút du khách trong, ngoài nước đến thăm quan, nghỉ dưỡng.

Hướng dẫn viên Khu di tích Nhà máy in tiền xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy) giới thiệu những hình ảnh về Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng cho khách thăm quan. 

Trong phát triển du lịch, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng góp phần tạo nên hình ảnh, chất lượng du lịch. Hàng năm, số lượng lao động lĩnh vực du lịch của tỉnh có sự gia tăng, chất lượng, trình độ cũng được nâng lên. Hiện, lĩnh vực du lịch của tỉnh có hơn 3.100 lao động, trong đó 276 người có trình độ đại học, trên đại học; 399 người có trình độ trung cấp, cao đẳng; 1.007 người có trình độ sơ cấp và 1.438 lao động phổ thông.

Đồng chí Đặng Tuấn Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH -TT&DL) cho biết: Những năm gần đây, nhất là sau khi Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình được phê duyệt quy hoạch, công tác đào tạo, bồi dưỡng lao động làm du lịch ngày càng được quan tâm, mở nhiều lớp cho lao động trực tiếp, gián tiếp, cán bộ quản lý, hộ kinh doanh hoạt động du lịch…, từng bước nâng cao chuyên môn, đáp ứng yêu cầu hoạt động nghiệp vụ.

Với lợi thế vùng lòng hồ có cảnh quan tự nhiên đẹp, nhiều xã nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, huyện Đà Bắc đang phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng. Khởi đầu có 4 homestay ở xóm Ké - xã Hiền Lương và xóm Đá Bia - xã Tiền Phong, đến nay có 9 homestay hoạt động kinh doanh đón tiếp khách du lịch. Anh Đặng Văn Xuân, chủ hộ homestay ở xóm Sưng - xã Cao Sơn chia sẻ: Homestay bắt đầu đón khách từ tháng 6/2017. Cuộc sống trước đây chỉ quen với làm nông nên lần đầu làm du lịch không khỏi bỡ ngỡ. Qua được tập huấn, bồi dưỡng nắm bắt kiến thức, nghiệp vụ về làm du lịch cộng đồng, kỹ năng giao tiếp, đón khách, giới thiệu, thuyết minh…, đi thăm quan học tập kinh nghiệm tại các điểm đã làm du lịch homestay, gia đình dần quen với cách làm du lịch cộng đồng, từ đó giúp có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế.

Trên địa bàn tỉnh, mô hình du lịch cộng đồng đã và và đang được phát triển ở hầu hết các địa phương, tập trung nhiều ở các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc… Đặc thù của loại hình là chính người dân địa phương làm du lịch. Họ là những người trực tiếp tiếp xúc với du khách, nếu có trình độ chuyên môn tốt sẽ tạo ấn tượng và sự hài lòng đối với du khách.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 407 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 5 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 2 sao, 9 khách sạn 1 sao, 233 nhà nghỉ và 142 nhà sàn. Với lực lượng hơn 2.000 lao động trực tiếp trong ngành, việc nâng cao chất lượng lao động luôn là vấn đề được quan tâm. Trong những năm qua, ngành VH -TT&DL đã mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho lao động trong lĩnh vực du lịch. Năm 2017 đã mở 9 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho 742 học viên. Trong đó có 3 lớp cho người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ trên tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch với 290 học viên; 3 lớp cho 300 học viên là cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác du lịch Phòng VH -TT các huyện, thành phố, cán bộ văn hóa xã, chủ các đơn vị và hộ kinh doanh hoạt động du lịch; 2 lớp bồi dưỡng kỹ năng nghề du lịch homestay cho các hộ kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân; 1 lớp cho lái xe ô tô và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển khách du lịch. Từ đầu năm đến nay, ngành đã mở 5 lớp cho 354 học viên về quản lý cơ sở lưu trú, nghiệp vụ du lịch, du lịch cộng đồng và phát triển sản phẩm du lịch.

Đồng chí Đặng Tuấn Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH -TT&DL) cho biết thêm: Đối với lao động du lịch của tỉnh có thể nói về số lượng không thiếu nhưng thiếu lao động chất lượng cao. Số lao động có trình độ cao không nhiều. Tại các doanh nghiệp, khách sạn, resort chỉ có một số vị trí quản lý là lao động có trình độ cao, còn lại đa số lao động qua đào tạo cấp chứng chỉ đảm bảo điều kiện hoạt động.

Có thể khẳng định, nguồn nhân lực có tác động trực tiếp tới sự phát triển của ngành du lịch, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Cùng với sự gia tăng của lượng khách, cơ sở vật chất được đầu tư, ngành du lịch tỉnh đã và đang chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khắc phục những hạn chế, tạo sự chuyên nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm.

 

                                                                                      Thu Hà


Các tin khác


Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh huyện Cao Phong năm 2024

Ngày 11/4, UBND huyện Cao Phong tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh năm 2024. Tham gia liên hoan có 10 đoàn với trên 300 diễn viên là dân quân, thanh niên, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục