(HBĐT) - Trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đồ sộ đó, Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của dân tộc chiếm trên 63% dân số trên địa bàn tỉnh. Từ lâu, Mo Mường đã được các học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu và được đánh giá là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn, giá trị văn hóa, lịch sử huyền thoại của dân tộc Mường.


Tôn vinh giá trị truyền thống Mo Mường

Là người con của Mường Vang - Lạc Sơn, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực tri thức văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng khẳng định: Mo Mường là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện thiết tha tình yêu cuộc sống, con người, yêu quê hương xứ sở, thể hiện khí phách, cốt cách của con người và vùng đất miền núi bản Mường ở Hòa Bình. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ người Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững những giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của di sản phi vật thể vô cùng quý giá này.

Cách đây hàng trăm năm, từ thời Pháp thuộc, việc nghiên cứu Mo Mường đã được tiến hành ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với thời gian, nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu về Mo Mường đã mang lại cái nhìn ngày càng đầy đủ, khoa học về giá trị văn hóa, sản phẩm văn hóa của Mo Mường. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá Mo Mường. Trong đó phải kể đến ấn phẩm "Mo Mường” được sưu tầm, biên soạn và xuất bản. Năm 2012, Sở VH-TT&DL thực hiện Đề tài "Kiểm kê di sản Mo Mường tỉnh Hoà Bình”. Năm 2015, di sản văn hóa "Mo Mường - Hòa Bình” đã đón nhận Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam. Năm 2016, tại Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh, tỉnh ta đã đón nhận bằng công nhận Mo Mường được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng với nghệ thuật Chiêng Mường.


Thầy Mo Bùi Văn Hỉu, xóm Trang Trên 1, xã Tân Phong (Cao Phong) giới thiệu về các nghi lễ Mo Mường.

Năm 2017- 2018, Sở VH-TT&DL thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường ở tỉnh Hòa Bình”. Tuy nhiên, các giải pháp mới dừng lại ở việc nghiên cứu mà chưa được áp dụng thực hiện trong thực tiễn. Ngày 25/12/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 3015/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình, giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo”. Đề án gồm một số nhiệm vụ cụ thể như: Nghiên cứu, biên soạn Từ điển Mo Mường, tái bản sách "Mo Mường Hoà Bình”; sưu tầm tư liệu hóa, số hóa Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình; tổ chức sáng tác các tác phẩm nghệ thuật từ đề tài các câu chuyện trong Mo Mường Hoà Bình; quảng bá, phổ biến giá trị di sản Mo Mường Hoà Bình trong đời sống xã hội; tổ chức Hội thảo Quốc gia "Xây dựng cơ chế, chính sách Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình" và xây dựng không gian bảo tồn văn hóa Mo Mường gắn với dịch vụ du lịch tại huyện Cao Phong và Tân Lạc.

Không gian bảo tồn văn hóa Mo Mường gắn với phát triển du lịch

Trong Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2019- 2025 và những năm tiếp theo” có điểm nhấn là nhiệm vụ xây dựng không gian bảo tồn văn hóa Mo Mường gắn với phát triển dịch vụ du lịch tại huyện Cao Phong và Tân Lạc. Không phải ngẫu nhiên mà tỉnh chọn Cao Phong và Tân Lạc để xây dựng không gian bảo tổn văn hóa Mo Mường. Cùng cán bộ Phòng VH-TT huyện Cao Phong, chúng tôi đến xã Tân Phong - một trong những cái nôi của văn hóa Mường Thàng. Nơi nổi tiếng với truyền thuyết "Vườn hoa núi Cối” - một tích truyện nằm trong phần mo sử thi thuộc Mo Mường Hòa Bình.

Đây là một câu chuyện tình được thầy mo kể cho người đã khuất trong 12 đêm trước khi về "Mường Trời”. Không chỉ là một tích truyện trong róng Mo, Vườn hoa núi Cối đã trở thành căn cứ địa cách mạng của quân và dân Cao Phong trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nằm trong khu căn cứ địa cách mạng Thạch Yên - Cao Phong... Được tỉnh chọn làm điểm xây dựng không gian văn hóa Mo Mường, cán bộ và nhân dân trong xã vui mừng, phấn khởi. Đối với các hộ nằm trong quần thể quy hoạch khu không gian văn hóa Mo Mường, xã khuyến khích làm nhà sàn truyền thống, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, đặc biệt là lưu giữ những áng Mo để sau này xây dựng thành các tuor, tuyến du lịch, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.

Đến thăm nhà thầy Mo Bùi Văn Khỉu, xóm Trang Trên 1, là một trong hai thầy Mo uy tín của xã. Mời khách lên ngôi nhà sàn truyền thống, rót chén trà nóng, ông Khỉu bộc bạch: "Gia đình tôi đã có 3 đời làm Mo. Từ nhỏ, tôi đã theo ông, rồi theo bố đi làm lễ. Các áng Mo đã ngấm vào tâm hồn tự lúc nào không rõ, nhưng phải đến năm 40 tuổi tôi mới học Mo chính thức".


Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày nội dung Mo Mường tại phòng trưng bày với chủ đề "Di sản văn hóa tiêu biểu các dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình”.

Trong vùng, mỗi khi gia đình nào có việc đều mời ông Khỉu đến làm lễ. Trước kia, để làm lễ mo trong đám tang thường kéo dài vài ngày, tùy vào điều kiện gia chủ. Nhưng hiện nay, thực hiện xây dựng đời sống văn hóa mới, đám tang chỉ kéo dài không quá 24h. Các nghi lễ vẫn thực hiện nhưng ngắn gọn hơn nhiều. Tết đến, xuân về, khoảng ngày 29 - 30 Tết, các hộ lại chuẩn bị đồ lễ, thầy Mo làm lễ mừng năm mới mời tổ tiên về ăn Tết, phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, hạnh phúc. Từ mùng 1 - 15 tháng giêng làm lễ cúng lộc lá, cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu. Ngoài ra, nghi lễ Mo thực hiện quanh năm với lễ lạc ngoại (làm vía) cúng đầy tháng cho trẻ hay lễ làm mụ (kéo si) cầu sức khỏe cho người già… Ông Khỉu chỉ là một trong tổng số 29 thầy Mo đang từng ngày thực hành diễn xướng, lưu truyền những áng Mo trên vùng đất Mường Thàng.

Đồng chí Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Mới đầu, Quần thể khu không gian văn hoá Mo Mường dự kiến được quy hoạch 5 ha, hiện nay mở rộng ra khoảng 20 ha, chia thành các khu: Nhà lưu niệm truyền thống; 4 khu không gian Mo Mường của 4 vùng Mường tỉnh Hoà Bình; khu dịch vụ; khu Vườn hoa núi Cối; ao trong, ao tha - những cái tên đã đi vào áng Mo Mường Hoà Bình... Còn lại 3 ha khu chùa Quèn Ang; quy hoạch, phục dựng lại ao sen - nơi Công chúa thưởng ngoạn, vó viếng, nhà lưu niệm...

Cùng với Mường Thàng, Mường Bi - Tân Lạc cũng được chọn là địa điểm xây dựng không gian văn hóa Mo Mường của tỉnh. Chị Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng VH-TT huyện Tân Lạc chia sẻ: Huyện đang làm quy trình xây dựng không gian văn hóa Mường Bi, trong đó tái hiện lại không gian văn hóa Mo Mường, quy hoạch tập trung chủ yếu tại 2 xã Phong Phú và Địch Giáo. Qua kiểm kê, toàn huyện có trên 180 thầy Mo, riêng xã Phú Cường có hơn 30 thầy Mo, trong đó chủ yếu là thầy Mo lâu năm có uy tín và các thầy Mo mới là thế hệ kế cận thực hiện các nghi lễ đơn giản. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 2 trong 3 nghệ nhân Mo Mường được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2015 của tỉnh.

Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình, giai đoạn 2019- 2025 và những năm tiếp theo” đã được phê duyệt và triển khai sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa Mo Mường. Qua đó giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc Mường. Bên cạnh đó cũng khắc phục sự mai một và làm cho Di sản văn hóa Mo Mường không ngừng được lưu truyền, tái tạo. Đưa di sản Mo Mường trở thành sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo cơ sở, tiền đề vững chắc để đưa vào danh mục trình Chính phủ, trình tổ chức Khoa học, giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại theo quy định.


Hương Lan

Các tin khác


Trải nghiệm bữa cơm "vào Tết" của người Mường

(HBĐT) - Khi hoa đào hoa mận bung nở khoe sắc, báo hiệu một năm mới đang đến với vạn sắc màu sặc sỡ, người Mường Hòa Bình cũng bắt đầu chuẩn bị đón Tết, tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc được tận hưởng theo phong tục riêng của người Mường.

“Sen nở xứ Mường” Trên hành trình hướng Phật

(HBĐT) - Chúng tôi có mặt tại Hòa Bình Phật Quang tự trong những ngày đầu tháng chạp, khi xuân đã bắt đầu thấp thoáng bên những nụ đào phai. Bất chấp thời tiết giá rét, các bạn trẻ của câu lạc bộ (CLB) "Sen nở xứ Mường” vẫn chăm chỉ, cần mẫn cùng các tăng ni, phật tử của chùa Hòa Bình Phật Quang chuẩn bị nhiều phần quà thiết thực trao cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Thú chơi lan của người Hòa Bình

(HBĐT) - Hoa lan được xem là "Vương giả chi hoa" - vua của các loại hoa. Hoa lan mộc mạc không cần son phấn, điểm tô thêm các loại trang trí, lá cành mới đẹp. Dù ở nơi thâm sơn cùng cốc không cần ai chiêm ngưỡng, hoa lan vẫn đẹp, vẫn thơm lan tỏa ngào ngạt.  Xã hội ngày nay có rất nhiều thú chơi như chim cảnh, cá cảnh, cây cảnh… nhưng chơi hoa lan được xem là một thú vui tao nhã, nhẹ nhàng, quý phái. Hoà Bình đã khẳng định vị trí với một số giống lan rừng quý hiếm độc nhất vô nhị. Chính vì thế, người Hòa Bình say lan, mê lan lắm!

Những cung đường du lịch trekking khám phá Hòa Bình

(HBĐT) - Đi bộ xuyên qua những cánh rừng già, đêm ngủ nhà dân, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của địa phương, khám phá những nét riêng trong bản sắc các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là việc có thể bất chợt gặp mưa lũ giữa rừng nhưng vẫn cùng nhau chinh phục đích đến. Đó là những trải nghiệm rất đặc biệt mà chỉ có trekking tour - tour du lịch đi bộ mới có thể mang đến cho du khách khi đến với Hòa Bình.

Dừng chân trên đèo Đá Trắng

(HBĐT) -Nằm cách trung tâm huyện Tân Lạc 15 km, đèo Đá Trắng trên quốc lộ 6, thuộc địa phận xóm Tằm, xã Phú Cường là cửa ngõ nối liền 2 huyện Mai Châu và Tân Lạc. Ẩn hiện huyền ảo trong sương mù, vẻ đẹp mỹ miều như dải lụa trắng vắt ngang qua núi, đèo Đá Trắng đang trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới thăm Hòa Bình.

Tiến sĩ Quydinie nói về sinh hoạt kinh tế của người Mường xưa

(HBĐT)- Với nguồn tài liệu, cứ liệu phong phú, được trình bày một cách khoa học, tác phẩm Người Mường (LesMuong) - Địa lý nhân văn và xã hội của Tiến sĩ Quydinie là một công trình nghiên cứu về người Mường khá toàn diện và sâu sắc, được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Với những ngôn ngữ dân tộc, những khái niệm khoa học, tác giả đã có phác hoạ khá sắc nét về những sinh hoạt kinh tế của người Mường xưa, thông qua đó ta nhận ra bóng dáng văn hoá ẩm thực của họ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục