(HBĐT) - Ném còn là trò chơi dân gian thường được các dân tộc Thái, Mường, Tày, Mông tổ chức vào dịp lễ, Tết. Về cơ bản, luật chơi ném còn của các dân tộc giống nhau. Tuy nhiên, qua trò chơi, mỗi dân tộc lại mang một thông điệp, khát vọng riêng. Đối với người Mường, hội ném còn là dịp để nam thanh, nữ tú gặp nhau. Trò chơi này như bà mối se duyên cho trai tài, gái sắc. Bên nào thua sẽ để lại một vật làm tin. Thường người thua là con trai để lấy lòng người con gái. Sau lễ hội, các chàng trai sẽ quay lại nhà cô gái để xin lại vật gửi làm tin trước đó, đây cũng là cớ để hai người gặp gỡ, tìm hiểu tiếp.


Người dân xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) hào hứng tham gia trò chơi ném còn.

Với người Thái, trò chơi ném còn mang thông điệp mong muốn âm dương hòa hợp, cầu mong con cái trong nhà đông đúc. Khi chơi, người Thái thường ném quả còn hướng về đầu nguồn sông hay suối, chính là hướng về các bản làng người Thái. Người Tày, trò chơi ném còn mang ý nghĩa cầu mùa. Trước khi khép hội, thầy mo sẽ rạch quả còn thiêng lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm, hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì đã được truyền hơi ấm của những đôi bàn tay nam, nữ.

Cụ Đinh Công Nhỏ, xóm Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc) tâm sự: "Với mỗi dân tộc, trò chơi ném còn mang một giá trị nhân văn sâu sắc, thu hút mọi người tham gia. Ném còn tạo nên không khí vui tươi cho ngày Tết. Ai đến với hội ném còn đều vui vẻ, phấn khởi, mong muốn năm mới nhiều niềm vui, gia đình hòa thuận, ấm no, hạnh phúc. Với giá trị nhân văn sâu sắc, ném còn được các dân tộc giữ gìn theo thời gian. Đây là trò chơi dân gian không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết.”

Ném còn thường được tổ chức tại bãi đất bằng phẳng, rộng rãi. Người ta dựng một cây tre dài, thẳng, đặc biệt cây tre phải thật già thì mới chắc chắn. Chiều cao của cây tre khoảng 20 m, trên ngọn uốn vòng tròn đường kính khoảng 50 cm, dán giấy mỏng. Giấy làm vòng tròn thường là màu đỏ, màu vàng. Mỗi khi có cơn gió mạnh thổi đến làm vòng tròn đung đưa, phấp phới, tạo sự hứng thú cho mọi người khi ngắm nhìn.

Để có được quả còn chuẩn và đẹp, những cô gái khéo tay phải chuẩn bị trước cả tháng. Quả còn chia thành nhiều múi vải màu sắc sặc sỡ được kết nối với nhau. Bên trong có thể nhồi hạt bông, hạt cải, hạt thóc. Những loại hạt này thể hiện khát vọng sinh sôi, sức sống tràn đầy. Ngoài ra, các cô gái khéo léo may thêm tua vải nhiều màu sắc trang trí và giúp định hướng khi quả bay. Quả còn càng đẹp, càng nhiều múi, thể hiện sự khéo léo của người con gái. Người con trai nhìn vào quả còn để chọn cô gái ưng ý ném cùng.

Cụ Đinh Công Nhỏ chia sẻ thêm: Trước khi ném còn, thầy mo sẽ dâng 2 quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu mong cho xóm, làng bình yên, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm. Sau đó, thầy mo sẽ tung 2 quả còn để mọi người tranh nhau khai cuộc chơi. Có nhiều cách ném còn nhưng chủ yếu các dân tộc ném theo 2 cách. Cách thứ nhất là ném qua vòng, nếu ai ném được còn vào vòng treo trên cột thì coi là thắng cuộc, tài giỏi và may mắn cả một năm. Cách thứ 2 chia làm 2 tốp nam, nữ hoặc cả nam, nữ tùy thuộc vào từng hội chơi, một bên ném, một bên bắt còn.

Ném còn thu hút đông trai, gái tham gia với niềm vui, sự phấn khởi. Các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống, tay cầm dây còn, quay vài vòng khởi động rồi tung lên. Quả còn bay vút, những dây ngũ sắc trông rất đẹp mắt. Bên ném, bên bắt những quả còn lên xuống nhịp nhàng, hòa trong tiếng hò reo cổ vũ, tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp. Ai bắt trượt sẽ phải có vật để làm tin. Đã có nhiều đôi trai, gái nên duyên vợ chồng từ hội ném còn.

"Năm nào tôi cũng tham gia lễ hội Khai hạ Mường Bi. Tham dự lễ hội, những người trẻ tuổi như tôi rất hào hứng, chờ đợi đến phần trò chơi dân gian ném còn. Đón còn không cho rơi xuống đất là để đón lấy may mắn. Vì vậy ai cũng mong muốn đón được quả còn. Đặc biệt đối với trai, gái chưa lập gia đình, điều này là quý nhất, ai cũng phải cố gắng bắt lấy quả còn, không để rơi. Con gái Mường ném còn càng khéo sẽ khẳng định sự đảm đang của mình và được nhiều chàng trai muốn chinh phục.” Chị Bùi Hồng Thơm, xóm Mận, xã Phong Phú (Tân Lạc) chia sẻ.

Ném còn ngày xuân là nét đẹp văn hóa của một số dân tộc. Với giá trị nhân văn sâu sắc, ném còn mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho mọi người trong dịp lễ, Tết. Tham gia trò chơi, mọi người có cơ hội gặp gỡ, giao lưu. Không được chơi ném còn là vui xuân không trọn vẹn.

Thu Thủy


Các tin khác


Dừng chân trên đèo Đá Trắng

(HBĐT) -Nằm cách trung tâm huyện Tân Lạc 15 km, đèo Đá Trắng trên quốc lộ 6, thuộc địa phận xóm Tằm, xã Phú Cường là cửa ngõ nối liền 2 huyện Mai Châu và Tân Lạc. Ẩn hiện huyền ảo trong sương mù, vẻ đẹp mỹ miều như dải lụa trắng vắt ngang qua núi, đèo Đá Trắng đang trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới thăm Hòa Bình.

Tiến sĩ Quydinie nói về sinh hoạt kinh tế của người Mường xưa

(HBĐT)- Với nguồn tài liệu, cứ liệu phong phú, được trình bày một cách khoa học, tác phẩm Người Mường (LesMuong) - Địa lý nhân văn và xã hội của Tiến sĩ Quydinie là một công trình nghiên cứu về người Mường khá toàn diện và sâu sắc, được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Với những ngôn ngữ dân tộc, những khái niệm khoa học, tác giả đã có phác hoạ khá sắc nét về những sinh hoạt kinh tế của người Mường xưa, thông qua đó ta nhận ra bóng dáng văn hoá ẩm thực của họ.

Trải nghiệm sắc màu văn hóa Bắc Giang dịp đầu Xuân Kỷ Hợi

Công chúng Thủ đô sẽ có dịp tìm hiểu, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của tỉnh Bắc Giang trong chương trình "Vui Xuân Kỷ Hợi 2019.”

Sắc Xuân đã ngập tràn trên khắp các điểm đảo ở Trường Sa

Còn vài ngày nữa sẽ bước sang năm Kỷ Hợi 2019, khắp các điểm đảo ở Trường Sa, sắc Xuân đã ngập tràn, len lỏi theo những bước chân tuần tra của các chiến sỹ Hải quân.

Đi chợ phiên ngày áp Tết

(HBĐT) - Với nhiều người, nếu không được ngao du ở phiên chợ quê trong những ngày áp Tết thì cái Tết không thật sự trọn vẹn. Đi chợ ngày áp Tết không chỉ để mua sắm mà còn là nơi gặp gỡ và trải nghiệm không khí chợ Tết đông vui, nhộn nhịp.

Mang nét đẹp văn hóa thư pháp đến Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019

Chiều 29/1, Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra tại khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội trong không gian ngập tràn sắc màu văn hóa truyền thống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục