(HBĐT) -Nằm cách trung tâm huyện Tân Lạc 15 km, đèo Đá Trắng trên quốc lộ 6, thuộc địa phận xóm Tằm, xã Phú Cường là cửa ngõ nối liền 2 huyện Mai Châu và Tân Lạc. Ẩn hiện huyền ảo trong sương mù, vẻ đẹp mỹ miều như dải lụa trắng vắt ngang qua núi, đèo Đá Trắng đang trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới thăm Hòa Bình.
Đèo Đá Trắng thuộc xóm Tằm, xã Phú Cường (Tân Lạc) là điểm đến lý tưởng đối với nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Dừng chân trên đèo Đà Trắng, tôi cảm nhận rõ cái không khí lạnh buốt trong sương sớm của ngày đông. Ánh nắng ban mai dịu dàng ẩn hiện trong làn sương mỏng lạnh giá nhẹ vờn quanh núi tạo nên cảnh tượng như ở xứ sở thần tiên. Một màu trắng xóa bao phủ khắp nơi, cảnh vật ẩn hiện trong sương mù tựa như những dãy núi tuyết vùng Bắc Âu.
Cái tên đèo Đá Trắng được tạo nên thật tình cờ. Khi phá núi, mở rộng quốc lộ 6, từng mảng đá vôi sạt xuống từ đỉnh núi tới thung lũng đã tạo nên một tuyệt tác, màu trắng xóa tựa như ngọn núi tuyết. Cùng với không khí lạnh buốt đặc trưng của vùng miền núi Tây Bắc, những đám mây mù lúc ẩn, lúc hiện, cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, những du khách đi qua đây đều sững sờ, cảm giác như lạc vào cõi thần tiên. Dù không được hùng vĩ, hiểm trở như đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang), Ô Quy Hồ (Lào Cai)... nhưng những cung đường quanh co, uốn lượn, cùng với cảnh sắc núi non hùng vĩ, tuyệt đẹp của con đèo vẫn đang là niềm cảm hứng của biết bao dân "phượt" muốn tới thăm một lần để check-in, "sống ảo". Du khách có thể lên đèo Đá Trắng bằng ô tô hoặc xe máy, tuy nhiên để trải nghiệm những cung đường quanh co, khúc cua "tay áo", tận hưởng không khí lạnh buốt cũng như cảnh quan núi rừng hũng vĩ thì việc di chuyển bằng xe máy sẽ đem đến trọn vẹn điều đó. Không quá nổi bật trên bản đồ du lịch, nhưng nếu những ai đã từng đến với đèo Đá Trắng chắc chắn sẽ có những cảm xúc không thể nào quên.
Đến đèo Đá Trắng, ngoài phong cảnh hùng vĩ, không khí mát lạnh, trong lành còn có thể thưởng thức những sản vật núi rừng ngay tại khu chợ nhỏ trên đèo. Những sạp hàng nhỏ bày bán ngô luộc, cơm lam, trứng gà, thịt nướng, rau rừng, phong lan, mật ong... thậm chí có cả chim rừng hay một vài chú sóc nhỏ. Được ngồi nhâm nhi ly trà nóng với bắp ngô luộc, xiên thịt nướng thơm lừng bên bếp lửa hồng trong không khí lạnh buốt cũng là trải nghiệm thú vị với những du khách gần xa. Chị Nguyễn Thị Thiện, du khách đến từ thành phố Đà Nẵng xa xôi, lần đầu tiên đặt chân lên đèo Đá Trắng thơ mộng cũng có những cảm nhận hết sức khó quên: "Chưa nói đến đèo Đà Trắng, những cung đường quanh co, khúc cua ấn tượng đầy sương mù, một bên là núi, bên kia là vực đem đến cảm giác rất phiêu lưu. Tới con đèo, tôi thực sự choáng ngợp bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ. Các món ăn bản địa bình dị mà lại rất ngon".
Còn với những người bản địa, có lẽ từ lâu cuộc sống của họ quanh năm đã gắn liền với chốn sương mờ bao phủ. Bà Bùi Thị Út (xóm Tằm, xã Phú Cường) đã luộc ngô, nướng thịt trên đỉnh đèo hơn 20 năm nay tâm sự: "Trên này thường xuyên sương mù, những ngày mưa thì lạnh buốt đến thấu xương, nhưng sống trên này quen rồi. Con cháu về thăm thì tới luôn đèo thăm bà chứ không qua nhà nữa vì lúc nào cũng ở trên này. Ở đây buôn bán cũng tốt, trung bình một ngày đón tiếp vài chục khách, du khách nước ngoài cũng nhiều".
Đoạn giữa đèo có mỏm đá cao, trên đỉnh cắm lá cờ Tổ quốc là điểm "check-in" ưa thích đối với dân phượt. Từ mỏm đá chênh vênh có thể thu gọn không gian hùng vĩ của đèo vào tầm mắt, thể hiện bản lĩnh khám phá, chinh phục thiên nhiên của con người, có những bức ảnh đẹp để khoe lên mạng xã hội facebook với bạn bè.
Một ngày có 4 mùa, đó là điều kỳ diệu hiếm có khác mà du khách được trải nghiệm trên đèo Đá Trắng nếu có dịp thưởng ngoạn từ khi đón nắng sớm ban mai cho đến hoàng hôn. Dần đến trưa, ánh nắng chói chang xua tan mây mù, làm cảnh vật hiện lên rõ ràng. Bầu trời trong xanh, những bông hoa đang ngủ yên như bỗng tỉnh dậy khoác lên mình chiếc áo đầy màu sắc rực rỡ, cảnh sắc ngập tràn sức sống. Từ trên đỉnh đèo, phóng xa tầm mắt có thể thấy màu xanh bạt ngàn của núi rừng, nắng vàng rực rỡ trải dài trên những con đường chạy quanh co, màu khói lam tỏa trên nóc nhà sàn tô điểm cho bức tranh thêm tuyệt đẹp.
Hoàng hôn buông xuống, những tia nắng ấm khép dần sau lưng núi, từng đàn chim bay về tổ, mây mù giăng khắp lối đi khiến khung cảnh núi rừng chìm trong yên lặng. Rời tiếng chim ca, mây mù chốn núi rừng, những du khách lại lên xe, từng đoàn nối đuôi nhau về với ánh điện thành phố nhưng trong lòng vẫn lâng lâng, phấn khích. Như người tình mang bộ váy trắng, con đèo vẫn ở đó đợi chờ, mong mỏi những bước chân phiêu du gần xa ghé thăm, thưởng lãm tiếng chim ca, màu sắc hoa lá, hơi thở của vùng trời Tây Bắc.
Hoàng Anh
Chiều 29/1, Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra tại khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội trong không gian ngập tràn sắc màu văn hóa truyền thống.
(HBĐT) - Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Cùng với nhân dân trên khắp mọi miền, ngay từ sáng sớm, người dân thành phố Hòa Bình cũng tấp nập làm lễ cúng ông công ông táo. Đây là một nét văn hóa đặc sắc đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay. Tuy nhiên, để có một cái Tết thực sự ý nghĩa, người dân cần nâng cao hơn nưa ý thức bảo vệ môi trường.