Mới là đầu tháng 1/2019 nhưng theo số liệu thống kê của Trung tâm lữ hành và thương mại (Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình) đã có 7 đoàn khách đặt trước tuor du lịch đi bộ vào tháng 10 - 11/2019. Rất đáng phấn khởi khi có những đoàn khách lên tới 70 - 80 người, đoàn trung bình cũng có từ 20 - 30 người.
Khách du lịch trải nghiệm trekking tour Hang Kia - thị trấn Mai Châu.
Hồ hởi trò chuyện với chúng tôi, ông Hà Quốc Việt - phụ trách Trung tâm lữ hành và thương mại chia sẻ: Trekking tour - tour du lịch đi bộ không còn xa lạ với du khách trong và ngoài nước khi đến với Hòa Bình. Trekking là tổng hợp của niềm đam mê chinh phục thiên nhiên, yêu thích khám phá, thể thao, ưa mạo hiểm và hơn hết là cảm giác tìm lại chính mình. Những chặng đường trekking thường rất hoang dã nhưng cũng nhiều thú vị, bất ngờ. Đây là một hình thức du lịch giúp du khách có cơ hội rèn luyện thân thể, hòa mình vào thiên nhiên và có những cảm nhận mới lạ về cuộc sống, con người nơi bước chân mình đi qua.
Ở tỉnh ta, trekking tour được hình thành từ năm 1993 và chủ yếu tập trung ở Mai Châu. Các tuyến du lịch đi bộ chủ yếu được du khách lựa chọn là Hang Kia - Pà Cò - Cun Pheo - Xăm Khòe - thị trấn Mai Châu. Ngoài ra còn có tuyến đường xuất phát từ bản Tới (xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc) đi sang Thanh Hóa hoặc đi thuyền từ thành phố Hòa Bình lên Bãi Sang, sau đó đi bộ lên Chiềng Yên (huyện Vân Hồ - Sơn La), vào Sơn La hoặc quay về Hang Kia, Pà Cò. Khách du lịch của các tour đi bộ chủ yếu là khách quốc tế đến từ Pháp, Anh, Tây Ban Nha, các nước Bắc Âu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có 2 hình thức để du khách lựa chọn tham gia các trekking tour. Hình thức thứ nhất dành cho khách có yêu cầu cao là họ đặt tuor của các đơn vị lữ hành; hình thức thứ hai là họ tự di chuyển đến Mai Châu, thuê người dân bản địa dẫn đường, trực tiếp thỏa thuận việc ăn, ngủ với người dân địa phương. Hiện nay, do lượng khách du lịch ngày càng cao, yêu cầu về dịch vụ khắt khe và cũng để tránh các vấn đề phát sinh không đáng có nên xu hướng khách đặt trekking tour của các đơn vị lữ hành ngày càng tăng.
Mùa du lịch đi bộ tại Hòa Bình bắt đầu từ khoảng tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau, lượng khách đông hơn cả là thời điểm giáp Tết. Đây cũng là thời điểm lý tưởng cho du lịch xuyên rừng khi thời tiết hanh khô. Nếu được nhiều lần trải nghiệm trekking tour ở thung lũng Mai Châu thời điểm này, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị về mảnh đất nơi đây. Cuối thu rực rỡ sắc vàng của những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín. Sắc vàng óng xen lẫn trong những nếp nhà sàn và phủ kín các triền núi, sườn đồi hút hồn du khách. Đặc biệt vào dịp cận Tết Nguyên đán, Mai Châu ngập tràn sắc đào phai, sắc mận trắng xóa. Mùa xuân ở Mai Châu tuyệt đẹp với hoa nở rực rỡ khắp các con đường, triền núi, sườn đồi, nắng "dát vàng” trên những tán cây, gió vi vu qua những cánh đồng xanh mát.
Cái thú khi đi bộ xuyên bản đó là được men theo con đường uốn lượn, hai bên là cánh đồng rộng, xa xa thấp thoáng mái nhà sàn dưới chân núi, cảnh sắc bình yên đến lạ. Bất cứ khi nào đến đây, tất cả căng thẳng, thất vọng hay lo âu của cuộc sống bận rộn dường như bị lãng quên khi hoà mình vào khung cảnh hùng vĩ của núi rừng nhiệt đới, vẻ đẹp thanh bình của nông thôn miền núi.
Một đặc trưng của trekking tour là những con đường mòn trơn trượt, dốc cao, có những chỗ vừa đi, vừa phải vạch bụi cây tìm lối. Hành trình còn đưa du khách qua những thác nước trắng xóa, tận hưởng cơ hội trèo bè mảng qua những dòng suối uốn lượn xanh ngắt. Trở về bản cũng là khi mặt trời đã đứng bóng, kết thúc cuộc hành trình bằng bữa cơm trưa với những món ăn truyền thống đậm hương vị của người dân bản địa. Đặc biệt, trên hành trình đi bộ xuyên rừng, du khách còn được trải nghiệm cảm giác giữa mênh mông đất trời, rừng núi - ngọn nguồn có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi vòng gốc to bằng 2 - 3 người ôm.
Ngoài ra, với trekking tour ở Mai Châu - huyện có gần 60% dân số là người dân tộc Thái, đến đây du khách sẽ được cùng sinh hoạt theo văn hóa của đồng bào Thái. Trong một hành trình kéo dài từ 4 - 7 ngày, du khách sẽ tham gia gặt lúa, tuốt lúa hoặc lên nương hái rau, quả rừng và nhiều công việc đồng áng thú vị khác.
Tại các điểm dừng chân nghỉ ngơi, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống. Nếu buổi sáng xuất phát tại bản Lác sẽ được thưởng thức món nếp nương, khoai mặt quỷ, trứng gà hay bánh mỳ bơ, bánh cuốn... theo yêu cầu. Buổi trưa, buổi tối hầu hết tại các bản làm du lịch đều có món xôi nếp, gà nấu măng chua, cá đồ, rau rừng đồ, lợn bản hấp theo hương vị đặc trưng của người Thái.
Khi màn đêm buông xuống, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động tập thể như đốt lửa trại, nhảy sạp, cùng hòa mình vào những vũ điệu sôi động, giao lưu văn nghệ dân tộc Thái, nướng ngô, khoai, thưởng thức hương vị rượu cần ấm nồng bên ánh lửa bập bùng. Nghỉ đêm tại đây, du khách sẽ được nghe những câu chuyện về bản, biết được phương pháp ủ rượu, thưởng thức một chén rượu như một lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.
Ý nghĩa và ấn tượng khi trong quá trình tìm hiểu về trekking tour, chúng tôi biết được đã có nhiều du khách nước ngoài tham gia trekking tour với mục đích từ thiện. Chia sẻ về vấn đề này, anh Gavin Kramer (quốc tịch Anh) cho biết: Ở đất nước chúng tôi có các hội, tổ chức từ thiện… được thành lập để giúp đỡ những người bị bệnh, những người có hoàn cảnh khó khăn. Có nhiều hình thức để quyên góp ủng hộ, giúp đỡ; trong đó có việc mua các tuor du lịch trải nghiệm, khám phá. Ví như thông thường tuor du lịch đi bộ tại Hòa Bình có giá khoảng 1.000 euro nhưng khi được bán gắn với mục đích từ thiện thì du khách sẽ sẵn sàng bỏ ra 1.200 euro để mua. Khi đến du lịch tại Hòa Bình, đi qua rất nhiều bản, làng của bà con đồng bào người dân tộc thiểu số, chúng tôi nhận thấy đời sống của người dân còn rất khó khăn. Vì vậy đã có nhiều đoàn khách hỗ trợ người dân xây dựng nhà vệ sinh, tặng quà trẻ em, hỗ trợ hộ nghèo… Những ngày giáp Tết cổ truyền của các bạn, khi tham gia trekking tour tại Hòa Bình, chúng tôi còn được cùng người dân địa phương náo nức chuẩn bị các phần việc để đón Tết. Trải nghiệm đó rất đáng nhớ và thú vị. Du lịch cũng là để sống khác đi, để trải nghiệm, chiêm nghiệm, để sẻ chia và thêm trân trọng cuộc sống, trân trọng những gì mình đang có.
Dương Liễu
Chiều 29/1, Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra tại khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội trong không gian ngập tràn sắc màu văn hóa truyền thống.
(HBĐT) - Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Cùng với nhân dân trên khắp mọi miền, ngay từ sáng sớm, người dân thành phố Hòa Bình cũng tấp nập làm lễ cúng ông công ông táo. Đây là một nét văn hóa đặc sắc đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay. Tuy nhiên, để có một cái Tết thực sự ý nghĩa, người dân cần nâng cao hơn nưa ý thức bảo vệ môi trường.