Những bài hát phục vụ trong ngày lễ Lập tĩnh được người Dao xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) ghi chép cẩn thận trong các cuốn sách.
Tiết trời đầu xuân với tia nắng ấm ẩn hiện trên triền đồi. Chiếc xe của đoàn chúng tôi chạy vun vút trên con đường vùng cao được bê tông hóa. Đường về xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) - một xóm người Dao sinh sống đang phát triển mạnh về du lịch cộng đồng, nay đúng "chuẩn” đường nông thôn mới. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến bản Dao này là rừng cây cổ thụ lâu đời bao bọc bản làng, đem lại cảnh quan đẹp và khí hậu quanh năm trong lành, dịu mát. Biết chúng tôi về tìm hiểu nét đặc sắc của làn điệu Páo Dung, những nghệ nhân, "cây hát” nổi tiếng của xóm Sưng đã tập trung từ sớm ở nhà Trưởng xóm Lý Văn Tình.
Páo Dung - hơi thở cuộc sống thành câu hát
Hát Páo Dung là gì? Trả lời câu hỏi này, ông Lý Hồng Minh, một nghệ nhân, người am hiểu và đầy trách nhiệm trong giữ gìn, bảo tồn văn hóa của người Dao lý giải: Páo Dung trong tiếng Dao nghĩa là ca hát, tất cả những gì đời thường nhất của người Dao đều trở thành chủ đề để bà con hát Páo Dung với nhau. Tóm lại, Páo Dung là hơi thở của cuộc sống được tái hiện qua những câu hát, có vần, có nhịp điệu. Mặc dù câu hát xuất hiện trong hầu hết mọi mặt đời sống của người Dao nhưng lối hát này được chia thành hai nhóm chủ đề chính là hát Páo Dung nghi lễ (hát trong lễ lập tĩnh) và hát Páo Dung giao duyên.
Say mê hát Páo Dung từ khi còn là một đứa trẻ, đến nay, ông Triệu Văn Hà (50 tuổi) không nhớ nổi mình đã tham gia vào bao nhiêu cuộc hát. Trong đó, ông là một trong những "cây hát” không thể thiếu trong ngày lễ lập tĩnh (lễ cấp sắc). Theo ông Hà, khác với lối hát giao duyên hay trong Tết nhảy, hát trong lễ lập tĩnh là những bài hát được truyền qua bao thế hệ của người Dao và được bà con lưu trữ cẩn thận trong cuốn sách. Cuốn sách này dày hàng trăm trang với hàng trăm bài hát. Các bài hát trong lễ lập tĩnh có giai điệu khác nhau, phổ biến nhất là 8 giai điệu. Do đó để học thuộc cần phải có niềm say mê thì mới hiểu và yêu những bài hát đó. Hát trong ngày lễ trọng đại này gồm 3 nam, 3 nữ, hát thâu đêm suốt sáng. Thế nên những người hát trong ngày này vừa phải có giọng hát truyền cảm, vừa phải có nền tảng sức khỏe tốt.
"Nội dung của những bài hát phục vụ lễ lập tĩnh là dạy cho con, cho cháu biết được lối sống của người Dao trưởng thành. Phải phấn đấu để trở thành người tốt, tránh xa cái ác, cái xấu” - ông Hà cho biết. Nếu như hát Páo Dung trong ngày lễ lập tĩnh mang tính nguyên tắc, với những bài hát có sẵn thì hát giao duyên lại thể hiện được sự biến hóa, tài nghệ đối đáp linh hoạt của người hát. Đây là chủ đề hấp dẫn, thu hút nhiều khán giả trong những câu hát giao duyên chất chứa nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Dao. Nhờ câu hát mà không ít đôi trai gái đã nên vợ, thành chồng.
Chắp cánh cho tình yêu đôi lứa
Hát Páo Dung giao duyên của người Dao cũng có những nét tương đồng với lối hát đối (hát ví, hát đúm) của người Mường. Đó là cuộc hát giữa nam với nữ, xoay quay chủ đề về tình yêu đôi lứa; không bị giới hạn về thời gian. Theo ông Lý Hồng Minh chia sẻ, lối hát giao duyên của người Dao có những nét rất khác biệt. Ví như địa điểm hát giao duyên ở ngoài hiên nhà, nam, nữ hát đối đáp với nhau phải là những người khác thôn, bản. Một điểm khá thú vị nữa là trước khi hát, đôi nam nữ phải xin phép thần linh, xin phép hàng xóm, láng giềng, vì người Dao quan niệm, khi họ cất lên tiếng hát nghĩa là đã làm ảnh hưởng đến thần linh và mọi người. Cuộc hát kết thúc, người hát không quên cảm ơn đến thần linh và hàng xóm, đó là nguyên tắc bắt buộc trong hát Páo Dung giao duyên.
Trong những câu hát giao duyên, sự ứng khẩu linh hoạt, cách trả lời thông minh là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn đối với người nghe và đó cũng là yếu tố để người hát "ghi điểm” với đối phương. Có những chàng trai, cô gái ở các bản Dao đã nên duyên vợ chồng nhờ say mê tiếng hát của nhau.
Anh Lý Văn Hợi bắt đầu góp mặt trong những cuộc hát Páo Dung giao duyên từ năm 16 tuổi. Nhờ sở hữu giọng ca ngọt ngào nên không ít cô gái đã xao xuyến trước chàng trai đa tài này. Bản thân anh cũng thừa nhận đã "cảm nắng” trước những cô gái có giọng hát hay và ứng biến giỏi. Anh Hợi chia sẻ: "Người nói giỏi chưa chắc đã hát giỏi, còn người hát giỏi thì chắc chắn là người hoạt ngôn, có tài giao tiếp”.
Ngoài kết nối đôi lứa, hát Páo Dung còn giúp các bản Dao xích lại gần nhau, thắt chặt tình đoàn kết. Ngày xưa, do giới hạn về không gian, chỉ những bản Dao ở gần nhau mới có điều kiện để bà con hát giao lưu. Còn ngày nay: "Nhờ đời sống được cải thiện, sau những lần đi giao lưu ở Sơn La, Lai Châu, chúng tôi được gặp gỡ bà con người Dao trên đó. Hiện nay, chúng tôi thường xuyên kết nối và hát giao lưu, hỏi thăm sức khỏe bà con người Dao ở ngoại tỉnh thông qua điện thoại di động. Nhìn chung, người Dao sinh sống ở các vùng khác nhau sẽ có những sự khác biệt nhưng không đáng kể, trong đó, lối hát Páo Dung gần như tương đồng” - bà Lý Thị Nhất, một "cây hát” của xóm Sưng chia sẻ.
Páo Dung không đơn thuần là những câu hát
"Hát Páo Dung là một trong những nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Dao. Trong những bài hát trong ngày lễ lập tĩnh hay hát giao duyên đều chứa đựng những giá trị văn hóa của người Dao. Việc gìn giữ, phát huy làn điệu Páo Dung đã góp phần quan trọng bảo tồn nét văn hóa đặc sắc ấy” - cụ Lý Văn Hềnh, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, đồng thời là thầy giáo dạy chữ viết của dân tộc Dao nhấn mạnh.
Mặc dù không hiểu về ý nghĩa của những câu hát, nhưng chúng tôi vẫn thấy thích thú trước những giai điệu ngọt ngào, nhẹ nhàng như lời thủ thỉ của núi rừng mà các "cây hát” nơi đây thể hiện. Cách hát, cách những đôi nam nữ thể hiện tình cảm trong hát Páo Dung giao duyên cũng bộc lộ sự e lệ đầy tinh tế. Làn điệu Páo Dung có nhiều nét độc đáo, đặc sắc và càng thêm sức sống khi ở bản Dao này đã có thế hệ trẻ kế tục. "Khi đã hiểu về ý nghĩa của hát Páo Dung, chúng tôi càng thêm trân trọng, ý thức phải giữ gìn và phát huy hơn nữa để bảo tồn văn hóa dân tộc mình, vừa tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc để phục vụ du khách” - chị Triệu Thị Tiên, một "cây hát” trẻ bộc bạch.
Một mùa xuân nữa lại đến, dưới những tán đào rừng hé nở, bản du lịch xóm Sưng, xã Cao Sơn lại quây quần bên nhau, cùng mổ lợn và say sưa với làn điệu Páo Dung đặc sắc.
Bên hiên nhà, đôi nam nữ người Dao hát Páo Dung giao duyên.
Viết Đào
(HBĐT) -Nằm cách trung tâm huyện Tân Lạc 15 km, đèo Đá Trắng trên quốc lộ 6, thuộc địa phận xóm Tằm, xã Phú Cường là cửa ngõ nối liền 2 huyện Mai Châu và Tân Lạc. Ẩn hiện huyền ảo trong sương mù, vẻ đẹp mỹ miều như dải lụa trắng vắt ngang qua núi, đèo Đá Trắng đang trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới thăm Hòa Bình.